(HNM) - Từ đầu năm 2022 đến nay, mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thiết lập trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm từng bước phục hồi kinh tế - xã hội. Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp, ngành, địa phương toàn thành phố triển khai là đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm.
Việc xây dựng các công trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, trước hàng loạt khó khăn hiện hữu như: Ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; thủ tục, hồ sơ một số dự án bị chậm; thiếu nguyên vật liệu, nhân công làm việc… đã khiến tiến độ triển khai một số dự án, công trình trọng điểm của thành phố chưa đạt so với yêu cầu đề ra, thậm chí nhiều dự án chưa thể khởi công theo kế hoạch. Minh chứng rõ nhất phải kể đến là 8 cụm công nghiệp được UBND thành phố yêu cầu khởi công trong tháng 3 này, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai; Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 cũng phải kéo dài thêm 6 tháng so với tiến độ đã đề ra...
Thực tế trên cho thấy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, các cấp, ngành, địa phương của Hà Nội còn nhiều việc phải làm, nhất là trong bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Trước mắt, các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện linh hoạt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhằm khống chế, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh - rào cản lớn nhất đối với việc đẩy nhanh các dự án, công trình trọng điểm của Thủ đô hiện nay.
Trước thực trạng một số dự án vướng mặt bằng, không thể triển khai, để tháo gỡ, các cấp, ngành, chủ đầu tư cần tăng cường phối hợp với chính quyền sở tại nắm bắt tình hình, tháo gỡ vướng mắc trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của người dân, tổ chức để sớm có mặt bằng “sạch” triển khai dự án đúng tiến độ. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm.
Mặt khác, để các dự án “về đích” đúng hẹn, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, giám sát thi công từng dự án, hạng mục, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực trong đầu tư xây dựng công trình, dự án, gây thất thoát tài sản nhà nước. Với các dự án chậm tiến độ liên quan đến hồ sơ, thủ tục hành chính, các sở, ngành cần “bắt tay” ngay để tháo gỡ vướng mắc, cắt giảm những thủ tục không cần thiết ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Đối với các nhà đầu tư, nhà thầu thi công dự án cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, hợp đồng đã ký kết; không ngừng cải tiến phương pháp làm việc, huy động trang thiết bị và ứng dụng công nghệ hiện đại vào thi công xây dựng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động. Các đơn vị tư vấn cũng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong kiểm soát đẩy nhanh tiến độ.
Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện hữu, tin rằng tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm của thành phố sẽ được đẩy nhanh, sớm đưa vào vận hành bảo đảm chất lượng, hiệu quả, góp phần tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nói riêng và Vùng Thủ đô nói chung, đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và những năm tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.