Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm cân đối cung cầu hàng thiết yếu

Thanh Mai| 18/10/2013 06:24

(HNM) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn Hà Nội tháng 9 tăng nhẹ so với tháng trước, nhưng đây là thời điểm giá tiêu dùng thường biến động do phải gom hàng để bán vào dịp Tết.

Các mặt hàng thiết yếu sẽ được bảo đảm cung cầu, không ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Ảnh: Phương An


Hiện nay, giá thịt lợn hơi trên địa bàn Hà Nội ổn định so với thời điểm cuối tháng 8, dao động 47.000-48.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết không thuận lợi, mưa kéo dài dẫn đến tình trạng vận chuyển khó khăn, tiểu thương lợi dụng đẩy giá lên cao. Giá thịt lợn tại chợ tăng khoảng 5.000 đồng/kg, dao động ở mức 85.000-100.000 đồng/kg (tùy loại). Giá thịt bò cũng tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với cuối tháng 8, dao động ở mức 240.000-260.000 đồng/kg. Giá thịt gà tăng nhẹ 5.000-10.000 đồng/kg... Giá rau xanh cũng ở mức cao do mưa kéo dài trong thời gian qua khiến nhiều diện tích trồng rau bị ngập úng, nguồn cung giảm mạnh, việc vận chuyển khó khăn. Tại chợ Thành Công, Thái Hà, rau cải giá 15.000 đồng/kg, cải bắp 12.000-15.000 đồng/kg, khoai tây 18.000-20.000 đồng/kg, cà chua 20.000-25.000 đồng/kg, bí xanh 18.000-19.000 đồng/kg. Các mặt hàng khác có sức ảnh hưởng tới đời sống người dân, như gas, sữa… cũng liên tục tăng.

Trước dự báo CPI tháng 10 có thể vẫn tăng nhẹ so với tháng 9, khoảng 0,2%, Sở Công thương Hà Nội tham mưu, đề xuất UBND TP Hà Nội thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu theo hướng mở rộng, thông qua giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng, khuyến khích DN tham gia chương trình, nhưng không tạm ứng vốn. UBND TP đã tạm ứng cho 13 DN vay 318 tỷ đồng nhằm dự trữ hàng hóa, bình ổn một số mặt hàng thiết yếu theo chương trình bình ổn giá năm 2013. Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn DN triển khai công tác cân đối cung cầu, ổn định giá cả một số mặt hàng thiết yếu; đề xuất quận, huyện, thị xã giới thiệu những khu đất trống, chợ truyền thống để DN khảo sát, đưa hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân.

Bên cạnh việc thúc đẩy thị trường thông qua cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, từ đầu năm 2013 đến nay, Sở đã chỉ đạo các DN tổ chức 2 phiên chợ Việt, 367 chuyến bán hàng lưu động đến các huyện ngoại thành và tổ chức Hội chợ hàng Việt. Dự kiến, trong tháng 10 tổ chức khoảng 60 chuyến bán hàng lưu động và 10 phiên chợ Việt. Ngành công thương cũng đẩy mạnh liên kết vùng với các tỉnh, thành phố trong đó tập trung liên kết cung ứng hàng hóa hai chiều, góp phần cân đối cung cầu trên địa bàn. Trung tuần tháng 9-2013, Sở đã tổ chức cho các DN Hà Nội ký kết trao đổi hàng hóa với các đơn vị tại Thái Bình và Nam Định. Bước đầu, các DN đã khảo sát và ký thỏa thuận cung cấp, tiêu thụ gia cầm, lợn hơi, sản phẩm nông, thủy sản. Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng chống buôn lậu, hàng cấm và gian lận thương mại, góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm cân đối cung cầu hàng thiết yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.