(HNM) - Mặc dù công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) đã được tăng cường, song thịt
Vẫn lọt thịt "bẩn"
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật của người dân thành phố bình quân tương đương khoảng 850-900 con trâu bò, 9.000-10.000 con lợn, 120.000-130.000 con gia cầm và khoảng 200 tấn thực phẩm đông lạnh nhập khẩu. Trong khi đó, ngành chăn nuôi thành phố mới chỉ đáp ứng khoảng 18%-20% nhu cầu của người dân.
Công tác quản lý còn hạn chế nên thực phẩm “bẩn” vẫn hoành hành trên thị trường. |
Với 80% lượng thịt động vật được nhập từ các tỉnh khác, việc quản lý ATTP là câu chuyện nan giải. Tại 4 trạm kiểm dịch động vật ở các "cửa ngõ" TP Hồ Chí Minh, hằng ngày, hằng giờ vẫn ghi nhận phát hiện nhiều trường hợp vận chuyển thịt "bẩn". Trong Tháng hành động ATTP 2016, các cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra 40.242 lượt cơ sở và phương tiện vận chuyển, phát hiện 3.478 lượt cơ sở và phương tiện vận chuyển vi phạm, qua đó xử lý phạt 647 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 3 tỷ đồng, tiêu hủy hoặc tịch thu, tạm giữ sản phẩm của 89 cơ sở với hơn 61 tấn thực phẩm. Tuy kiểm soát gắt gao từ ngoại thành nhưng thịt "bẩn" vẫn thường xuyên lọt vào nội thành, như vụ bắt quả tang chiếc xe tải chở 16 thùng xốp chứa 727kg thịt động vật không có giấy chứng nhận ATTP, không hóa đơn chứng từ vào ngày 16-6, tại quận Tân Bình.
Ngoài ra, tình trạng tồn dư chất cấm, thuốc kháng sinh ở các mẫu thịt động vật lưu thông trên thị trường vẫn ở mức cao và có chiều hướng gia tăng. Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, qua theo dõi 3 năm (từ 2013 đến 2015) các cơ quan chức năng ở TP Hồ Chí Minh xác định 27,12% thịt động vật bán ở thành phố còn tồn dư kháng sinh. Tỷ lệ mẫu vi phạm tồn dư kháng sinh ở sản phẩm động vật có chiều hướng gia tăng, năm 2014 là 17,76% đến năm 2015 là 39,62%. Rõ ràng, quá trình lấy mẫu xét nghiệm như vậy là quá chậm, 3 năm qua người dân thành phố vẫn phải ăn thịt động vật dính “bẩn” mà không hề hay biết.
Lập cơ quan đầu mối để tăng hiệu quả quản lý
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT) cho rằng, hệ thống quản lý về ATTP không chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh đang “có vấn đề”. Theo bà Minh, nhiều cơ sở “nhỏ to” về việc cơ quan có thẩm quyền này cho lưu thông, trung tâm nọ chứng nhận “sạch” với “giá bao nhiêu”? Phòng thí nghiệm, kiểm định kia chỉ cần một cuộc gọi điện thoại là sẽ nhận kết quả kiểm nghiệm mà không cần gửi mẫu. Ngoài ra, năng lực của các cơ quan thẩm định, kiểm nghiệm còn nhiều hạn chế. Do đó, nhiều cơ sở, doanh nghiệp được chứng nhận sản xuất thực phẩm sạch sau đó lại bị phanh phui những việc làm “bẩn”, khiến người dân mất lòng tin.
Bên cạnh đó, do ý thức kém của cơ sở cung cấp, vận chuyển nên công tác ngăn chặn thực phẩm "bẩn" ngay từ cửa ngõ thành phố càng gặp nhiều khó khăn. Theo bà Đặng Thị Tuyết, Phó Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh) cho biết, nhiều trường hợp thịt "bẩn" lọt qua các cơ sở sản xuất do người vận chuyển “lách luật” bằng nhiều cách, từ trộn lô thịt động vật "bẩn" chung với thịt đã có giấy chứng nhận ATTP, đến việc dừng xe trước khi đến trạm kiểm dịch, phân lô hàng ra thành nhiều phần đưa lên xe ba gác chở qua những con đường nhỏ vào nội thành...
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện nay các ngành có chức năng về kiểm soát bảo đảm ATTP vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý vì sự chồng chéo chức năng. Sắp tới, cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh sẽ được thành lập. Về thực chất, cơ quan này được nâng cấp từ Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố với bộ máy nhân sự không thay đổi, chỉ tăng thêm máy móc, vật tư, thiết bị, phòng kiểm nghiệm chuyên về an toàn thực phẩm để mở rộng phạm vi hoạt động. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh kỳ vọng, cơ quan chuyên trách về ATTP mới sẽ có tiếng nói hơn trong công tác quản lý, sẽ xác lập được đầu mối trách nhiệm để giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân về thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.