Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình bình thường mới

Thu Trang| 11/04/2021 06:30

(HNM) - Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2021 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5) có chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Y tế, thành viên Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội Trần Văn Chung xung quanh vấn đề thành phố Hà Nội tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì để đạt được các mục tiêu đề ra trong công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện nay.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung.

Gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp

- Ông đánh giá thế nào về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô trong quý I-2021?

- Tại Hà Nội, số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm rất lớn và ngày càng tăng. Nếu như năm 2016, toàn thành phố có 59.109 cơ sở, thì đến năm 2020 đã tăng lên 83.712 cơ sở. Trong quý I-2021, thành phố đã tổ chức 828 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, trong đó có 719 đoàn liên ngành. Trong tổng số 18.064 cơ sở kiểm tra quý I-2021 có 14.390 cơ sở đạt, 4.568 cơ sở vi phạm, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 3.137 cơ sở, nhắc nhở 1.431 cơ sở. Riêng tuyến quận, huyện, thị xã và tuyến xã, phường, thị trấn đã kiểm tra 13.867 lượt cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 2.262 cơ sở; tuyến thành phố kiểm tra 4.197 lượt cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 875 cơ sở.

Qua công tác kiểm tra cho thấy, ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực. Việc xử lý vi phạm đã được đẩy mạnh, song cũng có nơi còn hạn chế, chưa kiên quyết, nhất là tuyến xã, phường, thị trấn.

- Những vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực bảo đảm an toàn thực phẩm thời gian qua là gì, thưa ông?

- Có không ít nơi chưa tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài vi phạm về cơ sở vật chất khu vực sản xuất không bảo đảm điều kiện vệ sinh, người tham gia sản xuất chưa được tập huấn kiến thức, thực phẩm không xuất trình được nguồn gốc, xuất xứ, thì các cơ sở còn vi phạm quy định về phòng dịch Covid-19, như: Chưa tuân thủ thực hiện việc giãn cách, đeo khẩu trang không đầy đủ…

- Vậy, trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm nay, công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì?

- Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2021 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5) là điểm nhấn trong năm, tạo ra đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao ý thức của người dân Thủ đô trong công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, trong thời gian này, thành phố sẽ tập trung vào 2 nhiệm vụ quan trọng. Đó là, giáo dục, tuyên truyền đối với người sản xuất, kinh doanh phải làm những gì, xác định nguồn nguyên liệu, sử dụng phụ gia, bảo quản trong quá trình lưu thông, công bố tiêu chuẩn như thế nào, ghi nhãn sản phẩm ra sao, nếu họ cố tình vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào để họ biết và thực hiện. Một nhiệm vụ khác cũng rất quan trọng là thanh tra, kiểm tra và giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

- Ông có thể cho biết, điểm mới trong chiến dịch thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2021 là gì?

- Các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của thành phố cũng như quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sẽ liên tục kiểm tra đột xuất công tác triển khai của cấp dưới, đồng thời kiểm tra thực tế tại các cơ sở. Năm nay, ngoài việc kiểm tra an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng còn tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Cơ sở nào thực hiện tốt các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, nhưng lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, chúng tôi vẫn xử phạt cơ sở đó. Cũng phải nói thêm rằng, Tháng hành động vì An toàn thực phẩm được phát động trên toàn quốc mỗi năm, không chỉ tập trung xem thanh tra, kiểm tra, xử phạt được bao nhiêu cơ sở, mà điều quan trọng là dấy lên được một đợt cao điểm, tập trung một chủ đề “nóng” về an toàn thực phẩm, nhằm huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.

Xử lý vi phạm ở mức cao nhất

- Theo ông, các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng quản lý an toàn thực phẩm của Hà Nội đã đủ mạnh; có cần thiết phải "mạnh tay" hơn nữa trong cuộc chiến chống thực phẩm “bẩn”?

- Hà Nội luôn chỉ đạo kiên quyết xử lý vi phạm ở mức cao nhất có thể vận dụng, áp dụng nhiều biện pháp như phạt tiền, đình chỉ sản xuất đến khi nào cơ sở đó khắc phục được sai phạm… Đặc biệt, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu xét nghiệm nhanh sản phẩm ngay tại chỗ. Những sản phẩm không đạt sẽ bị thu hồi, tiêu hủy; sau thanh tra, kiểm tra sẽ tiến hành phúc tra. Những cơ sở vi phạm nghiêm trọng sẽ bị đình chỉ ngay từ đợt thanh tra, kiểm tra đầu tiên.

Theo tôi, để công tác quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục phát huy hiệu quả, các địa phương cần kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm, thay vì chỉ đôn đốc, nhắc nhở; đồng thời, công khai cơ sở vi phạm để người dân biết, không sử dụng sản phẩm của những cơ sở này.

- Tháng hành động vì An toàn thực phẩm trùng vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, do đó nhu cầu tiêu dùng thực phẩm gia tăng, kéo theo nguy cơ mất an toàn. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 cũng là thời điểm những cơ sở kinh doanh mang tính chất thời vụ “mọc lên như nấm”. Do người bán hàng "di động", cơ sở vật chất, điều kiện bảo quản thực phẩm hạn chế, nguồn nước sinh hoạt và nguồn cung cấp thực phẩm cũng chưa thành hệ thống, nên còn nhiều vi phạm. Thêm vào đó, các hộ kinh doanh thời vụ thường ít tuân thủ việc đeo găng tay khi chế biến thực phẩm chín, không dùng kẹp gắp hay chia thức ăn, thậm chí còn để thức ăn sống - chín lẫn lộn… Đây là những nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Trước thực tế đó, ngoài sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh, kiểm tra, xử nghiêm vi phạm của cơ quan quản lý, người tiêu dùng cần nói “không” với thực phẩm không an toàn, đồng thời kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cho cơ quan chức năng.

- Thực tế cho thấy, người tiêu dùng thường có tâm lý “ngại” báo cáo sự việc, hành vi vi phạm an toàn thực phẩm hoặc có khi báo cáo không đủ chứng cứ, thông tin chưa chính xác… Vậy, ông có lời khuyên gì về điều này?

- Tại các địa phương, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết, phản ánh đúng, đủ về những vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm. Chỉ riêng Hà Nội với khoảng 10 triệu người dân sẽ là một kênh nhận diện và tuyên truyền hữu ích cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Chúng tôi rất mong người dân Thủ đô, nếu phát hiện cơ sở vi phạm hãy gọi đến đường dây nóng của: Sở Công Thương Hà Nội - 1900585826; Sở NN&PTNT Hà Nội - 0243.3800115; Sở Y tế Hà Nội - 0243.9985765. Cùng với đó, người dân khi tham gia các hoạt động lễ hội, du lịch cần có ý thức thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế), trong đó đặc biệt lưu ý đến việc phải đeo khẩu trang đúng quy chuẩn, giữ khoảng cách, nhằm tránh lây lan các dịch tiết từ người khác, tránh tụ tập nếu không cần thiết…

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình bình thường mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.