Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch ngày Rằm tháng Giêng

Hiệp Sơn Dương| 26/02/2021 06:27

(HNM) - Với người Việt, ''Lễ cả năm không bằng Rằm tháng Giêng''. Đây là dịp cúng lễ quan trọng, thiêng liêng vào dịp đầu năm mới. Song, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, tại các di tích, cơ sở tôn giáo trên địa bàn Hà Nội đều đóng cửa, tạm dừng đón khách để bảo đảm an toàn phòng dịch.

Đóng cửa, tạm dừng hoạt động

Ngày 24-2 (tức 13 tháng Giêng năm Tân Sửu), khảo sát dọc tuyến đường vào xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) - nơi có thắng cảnh chùa Hương, phóng viên ghi nhận không có khách thập phương. Từ trụ sở UBND xã Hương Sơn đến cổng đền Trình có 3 chốt trực, mỗi chốt 6-7 người có nhiệm vụ kiểm tra và thông báo lịch dừng hoạt động của lễ hội cho du khách. Khu vực suối Yến, hàng trăm chiếc thuyền xếp ngay ngắn. Còn hai bên đường, quán hàng ăn, nhà nghỉ… đều đóng cửa.

Chị Nguyễn Thanh Huyền, chủ nhà nghỉ Trịnh Hội ở bến Đục, xã Hương Sơn chia sẻ: “Gia đình tôi kinh doanh phục vụ ăn uống, đò thuyền và nhà nghỉ. Mùa lễ hội những năm trước mỗi ngày đón 300-400 khách, nhưng năm nay chúng tôi chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19 và vẫn hy vọng tình hình sớm ổn định”.

Tại Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được chính quyền xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) thực hiện nghiêm. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng thông tin, từ sáng 16-2 (mùng 5 tháng Giêng), UBND huyện đã kiểm tra, rà soát và yêu cầu đóng cửa, tạm dừng hoạt động tại di tích chùa Thầy và các di tích, cơ sở tôn giáo khác. Chính quyền các địa phương còn bố trí lực lượng ứng trực để tuyên truyền cho người dân hiểu và cùng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Còn ông Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng Tiểu ban quản lý di tích đình - đền Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết: “Chúng tôi dán thông báo tạm dừng hoạt động cùng khuyến cáo của Bộ Y tế về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 ở cổng ra vào để người dân, du khách biết và thực hiện”.

Theo ghi nhận trong ngày 25-2 (tức 14 tháng Giêng) tại đền Bạch Mã, chùa Bà Đá (quận Hoàn Kiếm), đền Voi Phục, Quán Thánh (quận Ba Đình), đền - chùa Hà (quận Cầu Giấy), chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), đền - chùa - đình Hai Bà Trưng (quận Hai Bà Trưng), đền Gióng (huyện Sóc Sơn)… cho thấy, các cơ sở này đều thực hiện nghiêm việc đóng cửa, tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân đến cổng vái vọng. “Năm nào tôi cũng đến đây lễ vào ngày Rằm tháng Giêng. Năm nay do dịch phải đóng cửa nhưng tôi vẫn muốn đến vái vọng”, chị Nguyễn Thị Hòa ở phường Quán Thánh, quận Ba Đình bày tỏ.

Khuyến khích tổ chức lễ trực tuyến

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên nhiều chùa đã tổ chức các khóa lễ trực tuyến hoặc tổ chức trong khuôn viên nhà chùa để vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, vừa bảo đảm phòng, chống dịch. Đại đức Thích Minh Đức (đại diện tổ đình Phúc Khánh, quận Đống Đa) cho hay, tổ đình chỉ tổ chức đại lễ cầu an đầu năm theo hình thức trực tuyến duy nhất vào lúc 20h ngày 25-2 trên mạng xã hội thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Butta.vn).

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, do dịch Covid-19 diễn biến khó lường nên Giáo hội đã hướng dẫn các chùa tổ chức khóa tu, những buổi cầu an, tụng kinh, giảng Phật pháp trực tuyến. Đến nay, nhiều chùa đã thực hiện tốt công việc này, thu hút nhiều người dân tham dự. Sau đó, thông qua mạng xã hội Butta.vn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã mở cổng đăng ký cầu an trực tuyến cho nhân dân. "Đây là một hình thức hữu ích để người dân được thể hiện nhu cầu tín ngưỡng trong bối cảnh dịch bệnh", Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, trên cơ sở đánh giá tình hình dịch Covid-19, địa phương đã họp và thống nhất không tổ chức lễ hội Gióng năm 2021. “Khi tình hình dịch được kiểm soát và được phép của thành phố cho mở cửa trở lại, Ban Quản lý Khu di tích đền Gióng vẫn sẽ yêu cầu người dân, du khách khi tham quan phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay”, ông Hồ Việt Hùng thông tin.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh: “Đi lễ cầu an đầu năm là một phong tục đẹp. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên chúng tôi yêu cầu các cơ sở tôn giáo, di tích, đình - đền cũng như các tăng ni, phật tử và mỗi người dân nghiêm túc chấp hành các quy định phòng dịch. Chúng tôi khuyến khích các chùa tổ chức các khóa lễ trực tuyến để phật tử và người dân tham dự, vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, vừa thiết thực góp phần kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19, giữ an toàn cho cộng đồng”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch ngày Rằm tháng Giêng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.