Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn nguồn vốn

Quỳnh Anh| 23/10/2021 06:07

(HNM) - “Bức tranh” nợ xấu của các ngân hàng thương mại ở nước ta trong quý III-2021 thể hiện nhiều "gam màu" xám, trong đó có ngân hàng tỷ lệ nợ xấu tăng 30% so với quý trước. Hiện nợ xấu, nợ tiềm ẩn chuyển thành nợ xấu đã chiếm khoảng 8%, cao hơn mức 5,08% cuối năm 2020.

Điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực tới hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng và nền kinh tế.

Nợ xấu trong quý III-2021 gia tăng có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là do tác động từ dịch Covid-19. Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy sản xuất, kinh doanh, không có nguồn thu đã phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng.

Lường trước nguy cơ nợ xấu có thể xảy ra, các ngân hàng thương mại đã tăng trích lập dự phòng trong nửa đầu năm 2021; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro... Với sự chủ động của các ngân hàng, hiện nợ xấu chưa đáng ngại, song cuộc chiến chống “giặc Covid-19” dự báo còn kéo dài. Do đó, các ngân hàng và cơ quan chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp để giải quyết tình trạng nợ xấu do dịch Covid-19.

Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng cần chủ động, linh hoạt trong xử lý nợ xấu, coi việc hỗ trợ khách hàng vay vốn cũng là hỗ trợ cho chính các tổ chức tín dụng. Bên cạnh giải pháp cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, các ngân hàng cần thực hiện nghiêm việc trích lập dự phòng rủi ro, đồng thời siết chặt chất lượng tín dụng các khoản vay mới, tránh nợ xấu phát sinh thêm. Muốn vậy, trong xét duyệt tín dụng, các ngân hàng phải phân tích nguồn tiền trả nợ của khách hàng, thay vì chỉ tập trung vào tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó phải đẩy mạnh hoạt động giám sát, thanh tra, bảo đảm nguồn tiền đến đúng doanh nghiệp có những dự án khả thi...

Ở nước ta, vấn đề nợ xấu từng rất trầm trọng. Năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, góp phần giải quyết nhanh, dứt điểm nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, Nghị quyết số 42/2017/QH14 chỉ mang tính chất thí điểm, thời hạn có hiệu lực ngắn (5 năm); do đó, đã đến lúc cần luật hóa để có thể xử lý nợ xấu hiệu quả hơn. Trong đó, cần lưu ý đến quy định thu giữ và quyền xử lý tài sản bảo đảm, giúp cho các ngân hàng nhanh chóng xử lý tài sản bảo đảm, sớm thu hồi vốn. Đồng thời hoàn thiện khung khổ pháp lý để sàn giao dịch mua bán nợ xấu vận hành thông suốt.

Một việc làm quan trọng nữa là, xử lý nợ xấu phải được coi là việc chung chứ không phải việc riêng của ngân hàng bởi nếu không xử lý tốt, nợ xấu gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Vì vậy, các bộ, ngành liên quan, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt, rốt ráo giúp các ngân hàng sớm thu hồi nợ như chính quyền địa phương hỗ trợ bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm; tòa án áp dụng thủ tục ngắn gọn... Về phía các doanh nghiệp cũng cần chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp tình hình mới, khắc phục khó khăn, thực hiện tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm ngăn chặn và đẩy lùi nợ xấu sẽ bảo đảm nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh được an toàn và lưu chuyển thông suốt, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn nguồn vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.