(HNM) - Trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2020, diễn ra từ ngày 1 đến hết 31-5, các cơ quan, đơn vị chức năng của Hà Nội tập trung cải thiện điều kiện làm việc, để giảm nguy cơ tai nạn lao động. Song song đó, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm và đề xuất nâng chế tài thay vì dừng lại ở mức xử phạt hành chính.
Cải thiện điều kiện làm việc, kiểm soát các nguy cơ
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, nhiều vụ tai nạn lao động trên địa bàn Thủ đô bắt nguồn từ sự chủ quan của người sử dụng lao động và người lao động.
Thừa nhận lỗi của mình, ông Nguyễn Cao Đông, ở xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) làm việc tại Công ty cổ phần Cơ khí xây lắp - Thương mại Minh Cường chia sẻ: “Chỉ vì chủ quan mà tôi đã bị tai nạn lao động hồi tháng 1-2020, dẫn đến gãy chân, hiện chưa hồi phục. Điều này khiến tôi phải nghỉ làm nhiều tháng để điều trị, ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe, đến cuộc sống của cá nhân, gia đình”. Cùng chung cách nhìn nhận này, chị Hoàng Thị Luyến, công nhân cơ sở may Yên Lạc, Xí nghiệp May Minh Hà (huyện Hoài Đức) nhớ lại tai nạn đến với mình cuối năm 2019: “Do lơ là, thiếu tập trung trong quá trình làm việc, tôi bị máy dập làm tổn thương bàn tay. Tôi cho rằng, hiểm họa không phải từ trên trời rơi xuống, mà chủ yếu bắt nguồn từ ý thức của người lao động, người sử dụng lao động”.
Xuất phát từ thực tế đó, đồng thời hướng đến Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2020, với chủ đề: “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”, ngày 25-2, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 43/QĐ-UBND về tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động thành phố năm 2020. Theo đó, thành phố yêu cầu các ngành, địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất của đơn vị.
Hiện tại, những địa phương có nhiều cơ quan khối hành chính, văn phòng đã hướng dẫn các đơn vị phát động phong trào thi đua xây dựng cơ quan “Xanh - sạch - đẹp - bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”; những địa phương có nhiều công trình xây dựng, doanh nghiệp, làng nghề đang hoạt động đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn cho người lao động biết cách tự bảo vệ bản thân. “Sau khi tham gia lớp tập huấn trực tuyến về an toàn, vệ sinh lao động, tôi đã hiểu bụi gỗ dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp, nên đã chủ động giữ gìn sức khỏe bằng cách sử dụng bảo hộ lao động”, ông Nguyễn Văn Thanh ở làng nghề tiện gỗ Nhị Khê, xã Nhị Khê (huyện Thường Tín) chia sẻ.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về lao động, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, việc cải thiện điều kiện lao động luôn được các cơ quan chức năng thành phố đôn đốc. Trong đó, tập trung khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở các lớp tập huấn nâng cao về an toàn, vệ sinh lao động; tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người lao động, khi thấy bản thân phải làm việc ở những nơi thiếu an toàn, cần phản ánh, phối hợp, đối thoại với người sử dụng lao động, từ đó cùng nhau cải thiện môi trường làm việc.
Đề xuất tăng hình phạt với chủ thể vi phạm
Để giảm thiểu tai nạn lao động, bên cạnh việc cải thiện điều kiện làm việc, kiểm soát các nguy cơ, các cơ quan chức năng thành phố đã tăng cường thanh tra, kiểm tra (trung bình mỗi năm giai đoạn 2017-2019, lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính hơn 100 doanh nghiệp với số tiền lên tới hàng tỷ đồng); đồng thời, yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp rà soát, bổ sung nội quy, quy trình vận hành máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; tiếp nhận kiến nghị của người lao động về nguy cơ rủi ro có thể xảy ra, từ đó điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy trình an toàn...
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Tám, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mê Linh, việc kiểm tra ở lĩnh vực này gặp không ít khó khăn, do một số đơn vị không hợp tác. Trong trường hợp phát hiện sai phạm, chế tài xử lý cũng chưa đủ sức răn đe, chủ yếu dừng lại ở xử lý hành chính. Đồng quan điểm, ông Lương Tuấn Dũng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ba Đình kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số quy định của pháp luật về an toàn lao động theo hướng tăng nặng hình phạt với chủ thể vi phạm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin, Hà Nội và một số địa phương khác đã kiến nghị với các bộ, ngành liên quan như: Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng… Hiện, việc điều chỉnh, bổ sung quy định của pháp luật liên quan đến việc tăng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm an toàn, vệ sinh lao động đang được các bộ, ngành xây dựng, xin ý kiến các cơ quan chức năng.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong năm 2019, toàn thành phố xảy ra 452 vụ tai nạn lao động, làm 464 người chết và bị thương - tăng 83 vụ việc, 84 người bị nạn so với năm 2018. Trên thực tế, số vụ tai nạn lao động còn lớn hơn nhiều số liệu công bố, vì trung bình mỗi năm, toàn thành phố chỉ có khoảng 5-7% số doanh nghiệp báo cáo về tình hình an toàn lao động. Đây cũng là tình trạng phổ biến ở các địa phương khác trên cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.