Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh: Việc làm thường xuyên

Hạnh Hiệp Thành| 14/09/2020 06:19

(HNM) - Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2.800 trường học, hơn 2,1 triệu học sinh, do đó nỗi lo về mất an toàn giao thông trên đường đến trường của học sinh luôn thường trực. Ngay từ những ngày đầu năm học 2020-2021, cùng với nâng cao chất lượng dạy - học, việc bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh là nhiệm vụ được các cấp, ngành chức năng của thành phố chú trọng, xác định là việc làm thường xuyên.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh Trường Trung học cơ sở Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Thế Đại

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Ngay tuần đầu tiên của năm học mới 2020-2021, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã ra quân xử lý tình trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông. Theo ghi nhận, tại các khu vực gần trường học, tình trạng vi phạm đã giảm, nhưng còn diễn biến phức tạp.

Ngày 11-9, có mặt tại cổng Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (quận Hà Đông), phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy chỉ trong 30 phút trước giờ vào lớp, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 10 (Phòng Cảnh sát giao thông) đã xử lý hơn 10 học sinh điều khiển xe máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, chủ yếu là các lỗi không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe...

Trên quốc lộ 6 đoạn qua thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ), tình trạng học sinh điều khiển xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm diễn ra khá phổ biến. Hình ảnh này cũng dễ bắt gặp tại khu vực Trường Trung học phổ thông Xuân Mai vào giờ tan học...

Trung tá Huỳnh Tấn Nam, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 10 nhận định, nguyên nhân chính do việc giáo dục về an toàn giao thông học đường thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn, trách nhiệm này thuộc về nhà trường, gia đình và lực lượng chức năng. Đáng nói, nhiều phụ huynh vẫn cho con sử dụng xe máy phân khối lớn (dung tích xi lanh hơn 50cm3) đi học dù biết đó là sai; nhiều học sinh không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, thậm chí còn dàn hàng ngang, phóng nhanh, lạng lách. Bên cạnh đó, một số phụ huynh còn viện lý do nhà gần trường để biện minh cho việc không đội mũ bảo hiểm cho con khi đưa đón…

Ông Uông Ngọc Thanh, phường Láng Hạ (quận Đống Đa) cho rằng, một số trường học trên địa bàn chưa quan tâm đúng mức đến việc tuyên truyền, giáo dục học sinh tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn giao thông, hoặc việc tuyên truyền chưa gắn với thực tế.

Trong khi đó, từ đầu năm 2020 đến nay việc xử lý học sinh vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên. Theo Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông), từ tháng 3-2020 đến nay, Cảnh sát giao thông Hà Nội mới xử lý 230 học sinh, sinh viên điều khiển xe máy; 266 học sinh, sinh viên điều khiển xe máy điện, xe đạp điện vi phạm các quy tắc giao thông đường bộ.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội xử lý trường hợp học sinh vi phạm an toàn giao thông trên địa bàn quận Long Biên. Ảnh: Chu Dũng

Thực hiện Công văn số 4171/UBND-ĐT ngày 31-8-2020 của UBND thành phố Hà Nội về "Tháng cao điểm về an toàn giao thông cho học sinh đến trường" (tháng 9-2020), theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, trước khi bắt đầu năm học mới 2020-2021, Sở đã chỉ đạo các nhà trường triển khai ký cam kết với phụ huynh không cho học sinh sử dụng xe máy. Việc phối hợp với Công an thành phố trong tuyên truyền giáo dục về trật tự an toàn giao thông cũng được duy trì thường xuyên, giúp học sinh hình thành thói quen ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Khương Đình (quận Thanh Xuân) Đỗ Thị Việt Hiền cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2020-2021, nhà trường làm việc với Công an phường Khương Đình triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng hỗ trợ phân luồng vào giờ cao điểm, đồng thời bố trí thời gian vào lớp và tan học lệch giờ nhau từ 20 phút đến 30 phút nhằm hạn chế ùn tắc.

Tương tự, thực hiện chỉ đạo của UBND quận Ba Đình, từ tháng 4-2020, 100% các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn quận đã triển khai việc sắp xếp chỗ dừng, đỗ xe tạm thời cho phụ huynh trong thời gian đưa, đón học sinh trước cổng trường. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, việc sắp xếp chỗ dừng, đỗ xe tạm thời cho phụ huynh được duy trì và thực hiện nền nếp giúp việc đưa, đón học sinh nhanh, thuận tiện, an toàn hơn. Theo chị Vũ Thị Lan, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Giảng Võ, từ khi có vạch phân luồng, tình trạng dừng, đỗ xe lộn xộn, gây ách tắc khu vực cổng trường đã giảm hẳn.

Tại huyện Phúc Thọ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kiều Trọng Sỹ cho biết, toàn ngành tập trung xây dựng các mô hình “Cổng trường an toàn", có sự tham gia của nhà trường, chính quyền, lực lượng công an, các tổ chức đoàn thể, bước đầu tạo chuyển biến về ý thức tự giác chấp hành các quy định an toàn giao thông của phụ huynh và học sinh.

Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, ngoài việc tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm, đơn vị còn phối hợp với các nhà trưởng tổ chức các buổi tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông cho học sinh các cấp học. Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã thực hiện chuyên đề xử lý xe khách quá niên hạn được sử dụng làm xe chở học sinh đến trường, chủ yếu là khu vực ngoại thành, để bảo đảm an toàn cho các em.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh: Việc làm thường xuyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.