(HNM) - Thông tin từ LĐLĐ TP Hà Nội, năm 2012, Hà Nội là một trong những địa phương có số tai nạn lao động lớn nhất cả nước, với 152 vụ, làm chết 37 người, bị thương hàng chục người.
Riêng từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 7 vụ, làm 7 người chết, 2 người bị thương nặng. Song, đáng nói là, con số này được đánh giá thấp hơn nhiều so với tình hình thực tế, bởi số cơ sở lao động thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) chỉ chiếm 1%...
Người lao động chủ quan không coi trọng việc thực hiện quy định về an toàn lao động là nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Ảnh: Bảo Lâm |
Tai nạn chủ yếu do sai quy trình lao động
Vốn là một thanh niên cao lớn, khỏe mạnh, trụ cột của gia đình, nhưng kể từ khi bị TNLĐ mất đi đôi chân, anh Nguyễn Văn Du, 37 tuổi, công nhân Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi, thủy nông Ứng Hòa (nay là Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư, phát triển Thủy lợi Sông Nhuệ) nay chỉ còn có thể ở nhà chăm sóc đàn gia cầm giúp vợ và mẹ già gần 80 tuổi. Nhớ lại vụ TNLĐ trong quá trình vận hành máy bơm chống úng tại trạm bơm Mai Đình cách đây đã 10 năm, anh Du chưa hết ân hận, bởi chỉ vì chủ quan, không thực hiện đúng quy trình lao động, anh Du bị ngã xuống nước và bị hút vào máy bơm công suất lớn... Tai nạn nặng làm anh Du hoàn toàn mất khả năng lao động, song vẫn còn may mắn so với trường hợp anh Nguyễn Thành Lâm, 30 tuổi, công nhân sản xuất bóng đèn huỳnh quang của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông bị TNLĐ do sơ suất làm nổ bình khí, gây chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong.
Ông Tạ Văn Dưỡng, Phó ban Chính sách pháp luật LĐLĐ TP Hà Nội cho biết: Thời gian qua, CĐ các cấp của thành phố đã có nhiều nỗ lực, tham gia cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho NLĐ, tăng cường tổ chức tập huấn, hội thảo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ, nhằm tăng hiệu quả bảo vệ an toàn cho NLĐ. Nhưng thực tế, kết quả chỉ như "muối bỏ bể", bởi có hai rào cản khiến CĐ nhiều lúc bị bó tay. Một là nhận thức của NLĐ về ATLĐ còn quá mờ nhạt, chủ quan, không coi trọng việc thực hiện thao tác đúng kỹ thuật, quy trình, quy chuẩn, yêu cầu của sản xuất. Hai là, thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của không ít cơ quan, đơn vị, DN, chưa đầu tư kinh phí, chưa quan tâm tạo điều kiện thời gian cho công tác bảo hộ lao động, cũng như các điều kiện bảo đảm an toàn trong quá trình lao động sản xuất của NLĐ. Đơn cử như quy định mạng lưới an toàn vệ sinh viên được thành lập, CĐ có trách nhiệm tổ chức hoạt động của mạng lưới, nhưng kinh phí phụ thuộc cơ quan, đơn vị, DN nên nếu không được quan tâm thì CĐ cũng không phát huy được. Hiện nay, tình trạng mạng lưới này được thành lập chỉ để đối phó với cơ quan chức năng là phổ biến.
Thiếu chế tài đủ mạnh và thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm
Thực tế, thời gian qua, các cấp CĐ thành phố đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai hàng loạt hoạt động về bảo đảm an toàn cho NLĐ, đơn cử như chỉ đạo 100% LĐLĐ quận, huyện, ngành, thị xã, CĐ cấp trên cơ sở xây dựng kế hoạch, hưởng ứng tuần lễ quốc gia ATVSLĐ. Trung bình một năm, LĐLĐ TP bồi dưỡng nghiệp vụ và chỉ đạo tập huấn kiến thức cho khoảng 15 nghìn cán bộ CĐ và cán bộ an toàn vệ sinh viên; tổ chức gần 100 hội thi, hội thảo chuyên đề về lĩnh vực này; hơn 400 cuộc kiểm tra và hơn 2 nghìn cuộc CĐ cơ sở tự kiểm tra tại đơn vị mình, nhằm phát hiện kiến nghị chủ sử dụng lao động quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn cho NLĐ...
Tuy tích cực, nỗ lực trong việc triển khai các hoạt động, nhưng nhiều cán bộ CĐ thừa nhận, hiệu quả vẫn còn thấp so với tình hình thực tế. Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đặng Minh Thuần cho biết, những tồn tại hạn chế do một số CĐ cấp trên chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, nên vai trò CĐ còn mờ nhạt. Lực lượng cán bộ làm công tác bảo hộ lao động của CĐ hầu hết kiêm nhiệm, dễ thay đổi, ảnh hưởng tới việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Công tác thanh tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực ATVSLĐ chưa nghiêm, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe (mức xử phạt cao nhất chỉ 5 triệu đồng). Số cuộc kiểm tra của các ngành chức năng còn quá ít. Điều kiện, môi trường làm việc, thiết bị cũ, lạc hậu không bảo đảm. Trình độ nhận thức, văn hóa công nghiệp của NLĐ còn kém, sẵn sàng làm bừa, làm ẩu, coi thường nguy hiểm cũng như nội quy, kỷ luật lao động.
Giải pháp hàng đầu của các cấp CĐ thời gian tới là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ATVSLĐ cho CNVCLĐ để họ tự ý thức bảo vệ mình, sau đó tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về công tác này tại các đơn vị, DN trên địa bàn. Quan trọng hơn là cần sự cố gắng nỗ lực của các cấp CĐ trong triển khai thực hiện, nhất là đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.