(HNM) - An toàn lao động (ATLĐ) luôn là vấn đề sống còn đối với mỗi người lao động (NLĐ). Song, lâu nay công tác bảo đảm ATLĐ cho NLĐ mới ở việc tập huấn, kiểm tra, xử lý vi phạm gây hậu quả về ATLĐ.
Đây là phần ngọn, còn phần gốc là công tác quản lý nhằm giảm tối đa mất an toàn, tai nạn lao động và việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Bảo đảm đủ các trang thiết bị bảo hộ sẽ giúp người lao động tránh được những tai nạn rủi ro. Ảnh: Viết Thành |
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Xây dựng Hà Nội cho biết, CĐ ngành quản lý khoảng 20% đơn vị xây lắp có nguy cơ tai nạn, mất an toàn lao động tiềm ẩn. Có một thực tế đáng buồn là nhiều đơn vị thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) kiểu đối phó, tuy có trang thiết bị nhưng không tập huấn, không phân công người thực hiện hoặc không giao trách nhiệm cụ thể, khiến công tác này bị bỏ lửng. Phổ biến tình trạng công nhân đứng trên giàn giáo chênh vênh không thiết bị bảo hộ, các thiết bị vệ sinh công nghiệp sơ sài. Trong khi đó, mũ bảo hiểm của công nhân thì xếp đống ở vỉa hè; chủ đầu tư công trình do cạnh tranh giá cả đấu thầu đã tự "cắt" khoản bảo hộ lao động... Còn theo ông Nguyễn Bá Châu, Phó Chủ tịch CĐ Công thương Hà Nội, công tác thi hành pháp luật lao động tại các đơn vị vẫn vướng. Cán bộ CĐ không đủ trình độ, kiến thức để xác định thế nào là an toàn hay mất an toàn. Mức xử phạt thấp, văn bản chồng chéo khiến nhiều lúc, nhiều nơi vấn đề ATVSLĐ nặng tính hình thức.
|
Các cán bộ CĐ và những người làm công tác bảo đảm ATVSLĐ bức xúc trước bất cập khá phổ biến hiện nay, đó là chủ DN không những không tổ chức tuyên truyền huấn luyện về an toàn lao động, có trường hợp tự đi mua giấy chứng nhận an toàn lao động rồi bằng cơ chế "chui" đóng dấu của cơ quan quản lý để làm bình phong, che mắt cơ quan chức năng. Hiện tượng "hợp đồng ngầm" trong công tác đo kiểm xảy ra ở nhiều đơn vị, DN do tự mời cơ quan đo kiểm không đúng chức năng, kết quả đo không chính xác.
Báo cáo của LĐLĐ TP tại hội thảo đánh giá thi hành pháp luật về ATVSLĐ từ năm 1995-2012 khẳng định, Hà Nội nằm trong số 10 địa phương có số tai nạn lao động, cháy nổ cao nhất cả nước, đặc biệt tai nạn chết người. Đơn cử, 9 tháng đầu năm 2012, xảy ra 142 vụ, làm 156 người bị nạn, có tới 35 người chết.
Ông Đặng Minh Thuần, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP thừa nhận, tình trạng vi phạm pháp luật về ATLĐ diễn ra phổ biến, chế độ chính sách về bảo hộ lao động đối với NLĐ còn bị vi phạm, trình độ nhận thức, tác phong công nghiệp của NLĐ còn thấp. Đặc biệt công tác thanh tra xử lý các DN vi phạm chưa nghiêm, chế tài chưa đủ sức răn đe, số vụ tai nạn lao động bị khởi tố hình sự quá ít. Vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi NLĐ trong công tác ATVSLĐ ở CĐ cơ sở còn mờ nhạt. Hệ thống văn bản dưới luật nhiều bất cập khó đi vào thực tế, thủ tục hành chính về lĩnh vực này còn rườm rà… Ví dụ như quy định thời gian một lần huấn luyện định kỳ ATVSLĐ DN khó thực hiện; điều kiện NLĐ được hưởng chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật chưa hợp lý; cơ chế đo kiểm môi trường thiếu khách quan, dễ tạo tiêu cực; việc thi hành các quyết định xử phạt hành chính thiếu cơ chế thực hiện...
Các cán bộ CĐ và cán bộ làm công tác ATVSLĐ cho rằng, cần "siết" lại công tác ATLĐ bằng cơ chế phối hợp chặt, với nội quy cụ thể cho việc đo kiểm môi trường nghiêm túc, chỉ ra được sai phạm của DN. Không bố trí việc có nguy cơ mất an toàn và tai nạn lao động cao cho lao động phổ thông. Có chế tài ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư nếu không thực hiện tốt yêu cầu về ATVSLĐ. Ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động, Sở LĐ TB&XH Hà Nội cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ATVSLĐ trên địa bàn. Tăng cường công tác huấn luyện cho người sử dụng lao động và NLĐ về ATVSLĐ - PCCN, đặc biệt là đối với các DN vừa và nhỏ, các hợp tác xã nông nghiệp và làng nghề…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.