(HNM) - Bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) là vấn đề hết sức quan trọng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Chuẩn bị cho kế hoạch năm 2013, Đảng, Nhà nước tiếp tục xác định bảo đảm ASXH là ưu tiên hàng đầu.
Thế nhưng, một số đảng viên chưa ý thức rõ nhiệm vụ này, cho rằng đây là việc to tát, vĩ mô, ở tầm cao? Thực tế, nhiệm vụ này đôi khi rất đơn giản, gắn bó chặt chẽ với công tác mà đảng viên vẫn làm hằng ngày.
Những khía cạnh cơ bản của ASXH đã được thể hiện trong lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Ngày nay, ASXH thường tập trung vào hai khía cạnh chính: đối tượng và giải pháp trợ giúp đối tượng đó. Đối tượng của ASXH là những người yếu thế hoặc đang đối mặt với nguy cơ như trẻ em, phụ nữ, người già, người khuyết tật, người thất nghiệp, người bị ốm đau… Để bảo đảm ASXH, nước ta đã xây dựng hệ thống ASXH hướng tới mục tiêu bảo đảm mức sống tối thiểu cho mọi người dân. Hệ thống ASXH này có ba tầng lưới gồm: phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro.
Trong những tầng của hệ thống ASXH đó, mỗi đảng viên đều có thể tham gia tích cực bằng sự gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, bằng cách thông tin kịp thời, bảo vệ những con người yếu thế, những trường hợp khó khăn chưa được trợ giúp ở địa bàn cư trú. Trên thực tế, có không ít trường hợp, đảng viên, chi bộ thậm chí cả hệ thống chính trị ở cơ sở chưa làm hết trách nhiệm trong vấn đề bảo đảm ASXH. Đó là chuyện trẻ em bị bạo hành hay chuyện người già nghèo khó không có người chăm sóc… Những trường hợp như vậy xảy ra, dư luận không chỉ lên án chính quyền địa phương mà còn đặt câu hỏi, những đảng viên trong khu dân cư ở đâu, những người được giao nhiệm vụ gắn bó mật thiết với quần chúng tại sao không phản ứng trước những việc như vậy?
Trách nhiệm cụ thể của đảng viên trong việc bảo đảm ASXH đã được ghi rõ trong Điều lệ Đảng: Đảng viên có nhiệm vụ liên hệ chặt chẽ với nhân dân (…); chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân (…) (mục 2 Điều 2). Sự chăm lo ấy đôi khi chỉ là những việc cụ thể như thông tin kịp thời với tập thể, với các cấp có thẩm quyền về những hoàn cảnh khó khăn, những trường hợp éo le, những bất công đang xảy ra với đồng chí, đồng bào xung quanh mình. Thêm nữa là đề xuất, kiến nghị giải pháp hoặc chủ động vận động, kêu gọi giúp đỡ khắc phục.
Mỗi đảng viên đều có ý thức tham gia bảo đảm ASXH, Đảng, Nhà nước sẽ có thêm những cánh tay nối dài để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.