Làm chủ công nghệ, không ngừng sáng tạo... là “mệnh lệnh trái tim” phát ra từ các công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Sự thành công của những công trình này đã và đang làm lợi cho đất nước hàng ngàn tỷ đồng, bảo đảm hiệu quả kinh tế của các nhà máy, mỏ dầu - khí, giúp nhiều địa phương chuyển dịch cơ cấu sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân...
Nhiệm vụ xuyên suốt qua 60 năm xây dựng và trưởng thành
Nhắc đến nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) tại Petrovietnam, phải khẳng định, đây là một nhiệm vụ xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của Tập đoàn. Qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Petrovietnam đã không ngừng nâng cao tiềm lực nghiên cứu và ứng dụng KHCN, chủ động tiếp thu kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và phát huy sáng tạo, tối ưu hiệu quả công nghệ hiện có để đạt trình độ ngang bằng với các công ty dầu khí trong khu vực và trên thế giới. Hàng trăm giải thưởng đã được trao tặng cho các thành tựu về KHCN của ngành Dầu khí, trong đó có những giải thưởng cao quý như 5 Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN… Và trong năm nay, tiếp tục 6 công trình, dự án tiêu biểu nhất cũng được Bộ Công Thương đề cử xét trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những người dầu khí làm nên các công trình khoa học ứng dụng đã miệt mài trong nhiều năm, vừa làm chuyên môn vừa tìm tòi nghiên cứu, thử nghiệm. Đơn cử như Cụm Công trình KHCN “Nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam" được triển khai và hoàn thành sau hơn 10 năm; nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ trong thu gom, xử lý và sử dụng khí đồng hành ở các mỏ của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ lân cận được thực hiện và triển khai liên tục trong 25 năm...
Thành công của “con nhà nghèo”
Thông thường, khi nghe về những con số lợi ích, thành tựu của các công trình khoa học nêu trên đem lại đối với ngành Dầu khí cũng như đối với đất nước, sẽ dễ bỏ qua yếu tố khởi đầu nan… Ví dụ như giải pháp sớm đưa khí đồng hành tại các mỏ dầu ngoài khơi về bờ đem lại lợi nhuận, phát điện tới hàng chục nghìn tỷ đồng cho khu vực Đông Nam Bộ; hay các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã làm lợi khoảng 4.270 tỷ đồng… Nhưng có một điều khá đặc biệt trong công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN tại Petrovietnam, đó là khởi đầu của các công trình khoa học này, người dầu khí đều bắt tay vào thực hiện với tâm thế của “con nhà nghèo”.
Câu chuyện nghiên cứu chế tạo hệ thống trạm đo carota tổng hợp xách tay TBM-02 cũng là một dấu ấn KHCN của Petrovietnam. Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ngay khi Việt Nam xuất khẩu được những tấn dầu đầu tiên, thu về những đồng ngoại tệ mạnh cho đất nước cũng là lúc cán bộ, công nhân viên Vietsovpetro đã nhận ra phải học bằng được công nghệ thăm dò khai thác dầu khí của nước bạn Liên Xô, cũng như san bằng độ chênh về công nghệ giữa Liên doanh và các nước tư bản. Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Giám đốc Xí nghiệp Khoan & Sửa giếng Vietsovpetro, ngành Dầu khí Việt Nam đến những năm 90 của thế kỷ 20 hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ của Liên Xô từ trang thiết bị đến đào tạo. Bởi vậy, để không bị đào thải khỏi cuộc chơi dịch vụ dầu khí, các cán bộ Xí nghiệp Địa vật lý Giếng khoan Vietsovpetro đã nỗ lực tự tìm tòi, học hỏi, sáng tạo nên cái mới, cái ưu việt hơn về công nghệ. Trong những năm đó, các chuyên gia, kỹ sư Vietsovpetro đã nhặt nhạnh cả các thiết bị thuộc dạng “không thể sửa chữa, không thể tìm mua” để mổ xẻ, nghiên cứu, rồi tích hợp những tính năng ưu việt nhất của chúng và chế tạo ra một Trạm đo carota tổng hợp có giá thành chỉ 5.000USD, bằng chưa đầy 10% so với giá thiết bị tương tự nếu phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Còn nhớ, khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam bắt đầu vận hành, đội ngũ kỹ sư, cán bộ của Nhà máy đều thuộc dạng học việc nên va vấp, gặp sự cố là không thể tránh khỏi. Khi đó, Petrovietnam đã xác định, để nâng cao chất lượng vận hành nhà máy là một quá trình bền bỉ và lâu dài. Theo đó, cải tiến, sáng tạo ngay trong thực tế sản xuất vận hành nhà máy đã trở thành hành động thường xuyên liên tục. Và suốt 12 năm qua, hơn 30 giải pháp, sáng kiến đã hoàn thiện, nâng công suất nhà máy vượt thiết kế, bảo đảm chất lượng sản phẩm lên mức cao nhất.
Hiện nay, KHCN đã được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, đặc biệt các nghiên cứu tập trung vào các hướng chuyên môn, chuyên ngành. Các hoạt động khuyến khích tham gia vào nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cũng được Petrovietnam tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú như: Các hội thi sáng tạo; vinh danh xứng đáng các công trình sáng kiến, sáng chế; tổ chức các hội nghị, hội thảo KHCN trong nước và quốc tế… Có thể thấy rằng, việc nghiên cứu, phát triển, đề xuất và áp dụng thành công các giải pháp khoa học và công nghệ dầu khí không những mang lại hiệu quả kinh tế to lớn cho quốc gia, mà còn đóng góp quan trọng cho nền khoa học dầu khí của Việt Nam và thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.