Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo chí viết về Khoa học và Công nghệ: Phải có sức hút mới đem lại hiệu quả

Ánh Tuyết| 15/01/2016 06:53

(HNM) - Với nhiều kỷ lục được xác lập về số lượng tác phẩm dự thi cũng như số tác phẩm đoạt giải xuất sắc, Giải thưởng báo chí về Khoa học và Công nghệ lần thứ 4 tiếp tục khẳng định vai trò của truyền thông...

Tại lễ trao giải thưởng báo chí về KH&CN năm 2015, diễn ra ngày 14-1, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Dững - Chủ nhiệm Khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), thành viên Hội đồng chung tuyển giải thưởng).

- Thưa ông, với tư cách là người trong Hội đồng chấm giải, ông có thể nói khái quát về các tác phẩm dự thi năm nay?

- Giải thưởng báo chí về KH&CN năm nay ghi nhận số lượng các tác phẩm cao nhất, với 855 tác phẩm và nhóm tác phẩm. Nhiều tác phẩm đã gây được tiếng vang và có tác động lớn đến hoạt động của ngành KH&CN. Các tác phẩm của các cơ quan báo chí địa phương, nhất là báo in, báo hình đã bước đầu cạnh tranh được với các cơ quan báo chí trung ương mặc dù chưa có nhiều tác phẩm thật sự xuất sắc, nổi trội. Đặc biệt, năm nay có nhiều loạt tác phẩm công phu, tâm huyết hơn hẳn những năm trước.

Hoạt động truyền thông khoa học được đẩy mạnh góp phần giúp xã hội có cái nhìn chính xác hơn về đời sống khoa học - công nghệ nước nhà. Ảnh: Nhật Nam


- Ông có thể cho biết ấn tượng về một số tác phẩm cụ thể?

- Nhiều bài báo đã đặt ra những vấn đề mới, phản ánh được những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chương trình trọng điểm hay quan điểm của Bộ KH&CN để góp phần thúc đẩy nền KH&CN nước nhà phát triển và hội nhập, góp phần xây dựng kinh tế tốt hơn. Nhiều góc cạnh của đời sống đã được phản ánh. Ví dụ như loạt bài về "Khoa học giúp doanh nghiệp vững bước vào thị trường" được đăng tải trên Báo Khoa học phổ thông. Bởi vì khoa học muốn phát triển thì phải có ý tưởng, nhưng ý tưởng muốn phát triển được thì phải có doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, ở nước ta, vấn đề này chưa thành một động lực mạnh mẽ. Doanh nghiệp KH&CN của Việt Nam hiện nay đầu tư cho KH&CN còn nhiều hạn chế, thị trường KH&CN chưa được chú tâm, do đó, tôi đánh giá cao những bài viết này ở chỗ sẽ góp phần mở ra một lối mới cho các doanh nghiệp KH&CN của Việt Nam.

Loạt bài nói về năng lực của KH&CN Việt Nam để hội nhập hay vươn ra thị trường thế giới đề cập tới việc sản xuất vắc xin, thể hiện những nỗ lực của các nhà khoa học trong bối cảnh thị trường vắc xin thế giới cũng còn nhiều chỗ bỏ ngỏ. Ngoài ra còn có những loạt bài về tấm gương sáng trong hoạt động KH&CN và các nhà khoa học trẻ cũng gây ấn tượng mạnh.

Đặc biệt, năm nay giải thưởng báo chí ghi nhận một thể loại mới, đó là giao lưu trực tuyến "Techmart 2015 - Liên kết hội nhập và phát triển bền vững" đăng trên Báo Hànộimới. Sản phẩm báo chí này đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét, chứa đựng nhiều thông tin vì sự đầu tư công phu và đam mê.

- Qua mỗi mùa giải lại phát hiện thêm những cây bút tốt, nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở mảng ứng dụng và cơ chế chính sách. Điều này khiến nhiều phóng viên viết về mảng tôn vinh các tấm gương điển hình thường ít có cơ hội được giải? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Đúng là có vấn đề này. Với lĩnh vực KH&CN, chúng ta có nhiều góc độ tiếp cận. Nếu tiếp cận theo vấn đề xã hội thì điểm quan trọng đầu tiên là chính sách, tức là phải tạo ra hành lang pháp lý để phát triển. Để có những bài viết hay về vấn đề này đòi hỏi tầm nhìn của người viết, của nhà báo, đó là phải có sự đúc kết, sự rèn giũa trong quá trình làm nghề. Còn khi viết về các tấm gương KH&CN thì báo chí cần phải chọn được tấm gương thực sự để lột tả được phẩm chất trí tuệ và nhiệt huyết của các nhà khoa học, đó mới chính là những tác phẩm báo chí thực sự cần thiết. Phải tạo được sức hút thì mới đem lại hiệu quả.

- Ông có gợi ý nào cho những bạn trẻ muốn tham gia giải thưởng năm tới để có những tác phẩm hay, đúng và trúng hơn nữa?

- Tự bản thân cuộc sống sẽ gợi mở cho các bạn trẻ rất nhiều đề tài. Tôi thấy nói chung, báo chí viết về lĩnh vực nào cũng khó bởi nghề báo đòi hỏi vốn kiến thức phong phú. Tuy vậy, với tư cách là một thành viên trong Hội đồng chung tuyển chấm và thẩm định các tác phẩm, tôi nghĩ viết về KH&CN thì có phần khó hơn. Do đó, nhà báo trẻ viết về KH&CN trước hết là phải hiểu về KH&CN, không chỉ hiểu về KH&CN mà còn phải hiểu về kinh tế thị trường, phải hiểu chính sách, hiểu môi trường, đồng thời cũng cần hiểu về tâm lý, tâm trạng xã hội, hiểu về năng lực sáng tạo. Nói chung là người viết về KH&CN thì phải dày công hơn, phải đọc, nghiên cứu, tích lũy nhiều hơn. Người viết cần phải có tầm tư duy nhất định thì mới phát hiện được vấn đề và đề xuất ra giải pháp, tạo ra sức hút về cảm xúc, trí tuệ đối với công chúng và dư luận xã hội.

- Xin cảm ơn ông!

Báo Hànộimới được trao giải nhì thể loại báo điện tử

(HNM) - Ngày 14-1, Bộ KH&CN đã tổ chức lễ trao Giải thưởng báo chí về KH&CN năm 2015. Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, các tác phẩm đã phản ánh khá tốt mọi mặt hoạt động KH&CN, thể hiện sự đầu tư thích đáng cho các chủ đề mang tính thời sự. Nhiều tác phẩm tạo được hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần kết nối nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, cá nhân làm KH&CN với doanh nghiệp và xã hội.

Trong số 77 tác phẩm vào vòng chung tuyển, Ban tổ chức đã chọn ra 23 tác phẩm xuất sắc để trao giải. Giải nhất duy nhất thuộc lĩnh vực báo in, dành cho nhóm tác phẩm "Khoa học giúp doanh nghiệp vững bước vào thị trường" của Báo Khoa học phổ thông. Ngoài ra, còn có 4 giải nhì, 8 giải ba và 10 giải khuyến khích được trao. Nhóm tác giả Ban Văn hóa - Xã hội và Điện tử của Báo Hànộimới được trao giải nhì thể loại báo điện tử với tác phẩm "Giao lưu trực tuyến: Techmart 2015 - Liên kết hội nhập và phát triển bền vững".

Quỳnh Phạm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí viết về Khoa học và Công nghệ: Phải có sức hút mới đem lại hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.