Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo chí thành phố Hồ Chí Minh hoạt động ổn định sau khi sắp xếp

Nguyễn Lê| 06/10/2022 12:32

(HNMO) - Sáng nay, 6-10, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị sơ kết giai đoạn 1 đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025.

Quang cảnh hội nghị.

Theo Quyết định số 1786/QĐ-UBND ngày 22-5-2020 của UBND thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, trong giai đoạn 1 triển khai đề án, thành phố thực hiện sắp xếp hệ thống cơ quan báo chí theo hướng tinh gọn dưới hình thức chuyển đổi cơ quan chủ quản, mô hình hoạt động, sáp nhập từ 27 cơ quan báo chí (không tính Báo Công an thành phố) sắp xếp còn 19 cơ quan báo chí.

Kết quả trong giai đoạn 1, đã hoàn thành việc sắp xếp 25/27 cơ quan báo chí, đạt tỷ lệ 92,59%; còn 2/27 cơ quan báo chí đang sắp xếp (Báo Tuổi trẻ, Báo Cựu chiến binh thành phố), tỷ lệ 7,4%.

Tuy nhiên, Tạp chí Nghiên cứu phát triển đã tạm dừng hoạt động để cơ cấu lại bộ máy tổ chức; Báo Khăn quàng đỏ đang thực hiện sáp nhập vào Báo Tuổi trẻ; Báo Cựu chiến binh thành phố đang làm hồ sơ chuyển cơ quan chủ quản và mô hình hoạt động.

Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi 12 bộ hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động báo chí mới (thay thế giấy phép cũ) gồm: 4 cơ quan báo chí trực thuộc Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (Báo Phụ nữ thành phố, Báo Người lao động, Báo Tuổi trẻ, Tạp chí Cựu chiến binh thành phố); 6 cơ quan báo chí trực thuộc UBND thành phố Hồ Chí Minh (Báo Pháp luật thành phố, Tạp chí Giáo dục thành phố, Tạp chí Du lịch thành phố, Tạp chí Khoa học phổ thông, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn); 1 cơ quan báo chí thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh (Tạp chí Văn nghệ thành phố); 1 cơ quan báo chí thuộc Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh (Tạp chí Khoa học phát triển nhân lực).

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương đã thẩm định và cấp Giấy phép hoạt động báo chí cho 10/12 cơ quan báo chí của thành phố, gồm 3 báo và 7 tạp chí: 2 cơ quan báo chí thuộc Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (Báo Người lao động, Báo Phụ nữ thành phố); 6 cơ quan báo chí thuộc UBND thành phố Hồ Chí Minh; 1 cơ quan báo chí thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh; 1 cơ quan báo chí thuộc Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh.

Nhìn chung, các cơ quan báo chí sau khi sắp xếp đã nhanh chóng đi vào ổn định, hoạt động bình thường, tuân thủ các quy định pháp luật; bảo đảm công tác tổ chức, nhân sự, tài chính không xảy ra vướng mắc; xây dựng kế hoạch hoạt động hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo yêu cầu mới.

Tại hội nghị, ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau khi sắp xếp, chuyển cơ quan chủ quản từ thuộc Sở Tư pháp thành phố sang thuộc UBND thành phố, vị thế của tờ báo được nâng lên, qua đó điều kiện tác nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên cũng thuận lợi hơn.

Tuy vậy, trước sự phát triển bùng nổ của truyền thông đại chúng, Tổng Biên tập Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh Mai Ngọc Phước kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ chung cho các cơ quan báo chí thành phố nhằm ổn định đường truyền, nâng cao tính bảo mật; kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền của các cơ quan báo chí.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến nay, việc sắp xếp cơ học cơ bản đã xong, bây giờ phải tính phương án để các cơ quan báo chí hoạt động ổn định, trong đó cần quan tâm đời sống của người lao động tại các cơ quan báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng cơ chế để các cơ quan báo chí phát triển kinh tế báo chí hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, sắp tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức hội nghị với cộng đồng doanh nghiệp và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực truyền thông đề nghị cam kết không quảng cáo trên các trang tin, mạng xã hội không có giấy phép. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cung cấp danh sách các tờ báo, trang thông tin, mạng xã hội có giấy phép hoạt động.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 theo hướng mở rộng nội hàm để quản lý báo chí phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

Tại hội nghị, 4 tập thể và 9 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND thành phố Hồ Chí Minh do có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong quá trình triển khai thực hiện đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Báo chí thành phố Hồ Chí Minh hoạt động ổn định sau khi sắp xếp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.