Hôm qua, ngày 10/10, hơn 30.000 người, trong đó có hàng nghìn binh lính, đã diễu hành kết thúc 10 ngày đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sự kiện đã làm sống lại niềm kiêu hãnh của một đất nước đã từng chiến thắng các cường quốc xâm lược.
Hôm qua, ngày 10/10, hơn 30.000 người, trong đó có hàng nghìn binh lính, đã diễu hành kết thúc 10 ngày đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sự kiện đã làm sống lại niềm kiêu hãnh của một đất nước đã từng chiến thắng các cường quốc xâm lược.
Theo AFP, đây là lần đầu tiên từ nhiều năm qua, Việt Nam huy động nhiều tầng lớp dân chúng, từ công nhân, thanh niên, cho đến các sắc dân thiểu số, các thành phần tôn giáo tham gia một trong những đại lễ quan trọng nhất.
Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết xác định: "Bao nhiêu thế hệ kế tiếp nhau kiên cường chiến đấu, hiến dâng cho Thủ đô và Tổ quốc cuộc đời mình, cả tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc, để bảo vệ từng tấc đất của tổ tiên, nguồn cội". Chủ tich khẳng định người Việt yêu chuộng hòa bình nhưng không khuất phục trước bạo lực.
Theo trang Voice of Russia, những ngày này, đoàn ca múa nhạc quốc gia Nga mang tên Piatniski đang biểu diễn tại Hà Nội. Hà Nội được vua Lý Thái Tổ thành lập năm 1010. Tương truyền, khi nhà vua đi chơi thuyền trên sông Hồng, một con rồng xuất hiện từ mặt nước. Theo truyền thuyết, rồng là cha của người Việt, vì vậy Lý Thái Tổ ra lệnh xây thủ đô mới đúng chỗ rồng bay lên và đặt tên là thành Thăng Long.
“Tôi đã chờ đợi rất lâu cho ngày này. Đây là ngày một nghìn năm mới có một lần”, tờ New York Times dẫn lời sinh viên Nguyễn Thị Thúy tự hào nói giữa dòng người đang đổ về trung tâm thủ đô mừng đại lễ. Còn theo báo Bangkok Post của Thái Lan ngày 10/10, khi Hà nội kỷ niệm 1000 năm tuổi trong tuần này, giới trẻ háo hức hướng tới một tương lai thịnh vượng. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục ở mức cao, 6,2% năm 2009 và nhiều khả năng sẽ đạt 6,5% năm 2010.
Một loạt tờ báo nước ngoài còn ghi lại cảm nhận trong mỗi người dân Việt Nam về một lễ hội nhân dân hết sức đông vui, vẻ hân hoan không chỉ có trên gương mặt người dân thủ đô mà cả những người đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và cả trong Nam. “Tôi nhìn thấy những người nông dân đi giữa đường phố Hà Nội rất hân hoan, vui vẻ. Cái lớn của lễ hội của nhân dân chính là người đi xem. Họ mới là động lực, sức mạnh và đồng thời cũng là niềm hân hoan của Đại lễ này. Người đi xem đã làm nên lễ hội”, hãng tin AFP dẫn lời một người từ miền Trung ra Hà Nội dự lễ nói.
Nhân sự kiện Việt Nam tổ chức đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đầy màu sắc, tuần san Le Monde của Pháp đã dành hẳn 6 trang viết với tựa đề: “Hà Nội, giấc mơ thiên niên kỷ”. Bài viết lược lại lịch sử chống ngoại xâm của Hà Nội từ thời Lý Công Uẩn đến nay, và sau những thăng trầm của lịch sử, Hà Nội bắt đầu phát triển vượt bậc từ 20 năm qua.
“Hà Nội hiện tại đầy nguyến rũ trong sương buổi sáng bên hồ Hoàn Kiếm, với những con đường rợp bóng cây, những ngõ dân cư đông đúc, những công trình kiến trúc và công viên. Hồ Gươm là trung tâm thu hút của khu phố cổ, với hàng chục ngôi chùa, đình, đền. Khu phố cổ luôn là điểm thu hút du khách đến khám phá những “kho báu” bình yên, xa những tiếng ồn ào của xe cộ nơi phố thị”, tờ báo viết.
“Dọc theo các đại lộ được xây dựng thời Pháp là công viên và các khu biệt thư xinh xắn. Việt Nam đã khéo léo khi biết tiếp nhận và bảo tồn di sản này. Khu phố cổ 36 phố phường luôn thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm. Chính sách mở cửa của chính phủ và sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam từ những năm 1990 đã làm cho Hà Nội trở thành một thành phố rực rỡ sắc màu”.
Đài BBC lưu ý đến thông tin trong động thái hướng về miền Trung, giới chức Hà Nội hôm 8/10 đã quyết định ngừng bắn pháo hoa tại 29 địa điểm trong dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, để dùng số kinh phí này hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung chịu thiên tai. Trận lũ lụt kinh hoàng tại miền Trung xảy ra trước đó mấy ngày thực sự là nỗi buồn lớn cho cả đất nước, chứ không phải chỉ riêng cho miền Trung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.