(HNMO)- Mới đây, cái tên Lê Kiều Như còn chưa hề được công chúng biết tới, ngay cả đối với giới truyền thông cũng có người biết người không. Nói cho đúng thì, cô gái này vẫn chỉ là một nghệ sỹ vô danh.
(HNMO)- Mới đây, cái tên Lê Kiều Như còn chưa hề được công chúng biết tới, ngay cả đối với giới truyền thông cũng có người biết người không. Nói cho đúng thì, cô gái này vẫn chỉ là một nghệ sỹ vô danh. Nhưng trong vòng 1 tuần gần đây, khi vào mạng internet, vào trang tìm kiếm của google, chỉ cần gõ “Kiều Như” hoặc “sex” thì đã thấy tràn lan tin bài của các trang web đưa tin về cô gái này.
Câu chuyện bắt nguồn từ việc, Kiều Như chỉ là một ca sỹ “vô danh”, nếu không nói cô chỉ là một con số 0 tròn trĩnh trước khi cô có những tuyên ngôn táo bạo về chuyện “sex”, và đặc biệt là việc cô cho phát hành cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình viết về tình dục mang tên “Sợi xích” với một lễ ra mắt hoành tráng tại TP.HCM. Cuốn truyệnđược Công ty Youbooks (thuộc Vinabook) mua bản quyền và liên kết với NXB Hội Nhà văn cùng xuất bản. Nhưng ngay lập tức, NXB Hội Nhà Văn đã có công văn đình chỉ việc phát hành cuốn truyện này vì nội dung quá nhậy cảm, và đã nhận trách nhiệm của mình.
Nhưng chính điều này càng khiến cho “Sợi xích” trở thành đề tài “nóng” trên khắp các diễn đàn báo mạng, còn ở các hiệu sách phía Nam đều được độc giả tìm đọc một cách sôi động. Và dù là “cháy” hàng ở góc độ nào thì ca sỹ Lê Kiều Như đã đạt được cái đích là gây sự chú ý.
Thể hiện quan điểm về vấn đề này, nhà báo Đỗ Thu Hà (Báo Tuổi Trẻ TP.HCM) cho rằng: “Có lẽ chiếm đến 90% lỗi của vụ việc này là do lỗi của các cơ quan truyền thông. Một số báo thì nằm trong danh sách PR cho cuốn truyện, và khi có “chuyện” thì ắt báo khác cũng sẽ nghiễm nhiên đưa tin, bài. Cuối cùng, người được hưởng lợi chính là Lê Kiều Như, vì cô ấy không phải là Diva, cô ca sỹ này cũng chưa từng được biết đến với bài hát nào vào dạng “hit” cả. Vì vậy, báo chí không nên “mắc bẫy” mà đưa tin nữa.
Thực tế, viết về chủ đề “sex” có sao đâu, văn học nước ngoài vẫn viết, và ta vẫn dịch đầy ra đấy thôi. Có điều họ viết về “sex” dưới góc độ văn chương, nên ai đọc cũng vẫn chấp nhận được. Nên sách “sex” của Kiều Như cũng chỉ là đề tài bình thường, nên cũng chả cần cấm, vì cuốn sách này có gì đáng nói đâu. Hơn nữa cấm cũng không được, vì bất cứ cuốn sách nào được in ra tôi tin chắc sẽ được in nối bản. Cô ấy kể những chuyện dung tục tầm thường thôi mà, như vậy thì người nhà, người thân, người yêu cô ấy phải chịu những áp lực mà thôi. Vì đây là một cuốn sách quá dở (theo một số đoạn trích trên báo mạng), nếu cô ấy viết dở thì cứ để công chúng tự thẩm định. Sách dở không ai mua, không ai đọc, không ai quan tâm tác giả là ai thì tác giả sẽ biết rõ vị trí mình đứng ở đâu ngay.
Nhà báo, nhà văn Dương Bình Nguyên (Báo CAND) nhận xét: Thực sự, việc một ca sỹ viết văn là một dấu hiệu vui, vì văn chương không thuộc quyền riêng của ai. Việc Lê Kiều Như ra sách, tôi đã được nghe từ trước đó chừng nửa năm. Khi đó cô đã gửi bản thảo đến nhiều nơi, trong đó có NXB Công an nhân dân, nhưng bị NXB này từ chối. Nhà văn Bùi Anh Tấn, Trưởng cơ quan đại diện của NXB này tại TPHCM có nói, văn chương rất kém, khả năng ngôn ngữ yếu, nên cần phải được viết lại. Nhưng bất ngờ, nửa năm sau, có hẳn một công ty đứng ra mua bản quyền và phát hành cuốn sách. Tôi nghĩ, công ty này đã tính đến chuyện sẽ kinh doanh sách thông qua độ "hot" của Lê Kiều Như với sở trường của cô, đó là sự sexy.
Nhưng khi tôi được đọc cuốn sách (ngay trong ngày họp báo ra mắt) thì cảm giác đầu tiên là thất vọng vì trái với màn ra mắt hoành tráng, đây là một cuốn sách quá tệ, nó không phải là văn chương, nó là một câu chuyện vội vàng kể lại bằng văn nói. Còn yếu tố sex, tôi nghĩ, rất khó để nói tới mức nào là vừa đủ. Là một người viết, tôi thấy viết về sex là một cuộc lao động cực nhọc, bởi nếu viết không khéo thì nó sẽ phản cảm và hỏng cả tác phẩm. Sex hấp dẫn là bởi vì nó ca ngợi một hành vi đẹp của con người, nó phải biểu hiện cho tình yêu và sự văn minh. Còn sex chỉ là cái phơi lộ ra, nhằm câu khách thì tôi thấy quá sợ hãi. Thật tiếc, cuốn sách của Lê Kiều Như lại rơi vào trường hợp sau. Có những đoạn miêu tả khá trần trụi, tôi cảm thấy ngượng ngùng khi đọc những chi tiết ấy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.