Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo chí không được phép rời bỏ trận địa của chính mình

Cù Xuân Trường| 10/08/2015 05:12

(HNM) - Tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X, những câu chuyện nghề nghiệp trong một "thế giới phẳng" thông tin tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới báo chí và người dân. Trong đó, không ít vấn đề liên quan đến trách nhiệm công dân, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo được đặt ra. Nhưng quan trọng hơn, nếu báo chí không tiếp tục đổi mới và đổi mới mạnh mẽ, chắc chắn sẽ lạc điệu, tụt hậu ngay với cuộc sống sôi động của đất nước.


Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, công cụ truyền thông có mặt ở mọi nơi, mạng xã hội, blog cá nhân phát triển với tốc độ chóng mặt dẫn đến việc công chúng không còn tiếp nhận một cách bị động mà cũng chủ động xuất bản, chia sẻ, cung cấp thông tin. Điều này dẫn đến một thực tế là báo chí không chỉ mất vị thế độc quyền thông tin, mà còn chịu tác động, nếu không muốn nói nhiều lúc bị dẫn dắt bởi mạng xã hội. Đáng nói hơn, trong cuộc cạnh tranh thông tin mang ý nghĩa sống còn, nhiều trang báo mạng, ấn phẩm phụ đã chạy theo xu hướng giật gân, nhảm nhí, tự "lá cải hóa" để "tương tác", chạy theo thị hiếu lệch lạc của một bộ phận công chúng. Một mặt họ chạy theo thị hiếu lệch lạc của một bộ phận công chúng, mặt khác sau một thời gian chạy theo thì họ lại trở thành người "định hướng" thị hiếu lệch lạc cho bộ phận công chúng khác. Trong khi đó, không ít tờ báo giữ vai trò cơ quan ngôn luận dường như vẫn ngại ngần trước những "điểm nóng" thông tin, trước những vấn đề "nhạy cảm" trong đời sống xã hội, để rồi tự đánh mất vai trò định hướng dư luận, định hướng thẩm mỹ... Liệu đây có phải là vấn đề đáng lo ngại với báo chí - truyền thông hiện nay?

Ở nhiều nước, "báo lá cải" - là khái niệm để chỉ những tờ báo có nội dung giải trí với những thông tin nhảm nhí, giật gân, khai thác vô tội vạ chuyện đời tư, scandal của những nhân vật nổi tiếng với mục đích tối đa hóa lợi nhuận. Những tờ báo loại đó tồn tại song hành với dòng báo chính thống chuyên đăng tải thông tin về đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội với tinh thần đề cao chức năng định hướng xã hội. Ở Việt Nam chưa có một cơ quan báo chí, truyền thông nào tự nhận mình là "báo lá cải", thế nhưng những năm gần đây, xu hướng "lá cải hóa" lại đang diễn ra với tốc độ chóng mặt - và có thể nói, những thông tin "lá cải" đã kiếm được nơi trú ngụ "an toàn" trên nhiều báo điện tử, nhiều tờ phụ san, thậm chí xuất hiện cả ở những ấn phẩm chính của một số tờ báo lâu nay vẫn được tiếng là ngay ngắn, chuẩn chỉ.

Những sự kiện lạ, những vụ án ghê rợn, những tấm ảnh "nóng" của người nổi tiếng đang được khai thác tối đa một cách vô trách nhiệm. Và một xu hướng rất đáng quan ngại là thông tin, hình ảnh càng "độc", càng "lạ" càng có hấp lực, càng có nhiều người truy cập. Có cầu thì ắt có cung. Nhan nhản trên những trang báo mạng, những tờ phụ san là đủ kiểu thông tin như: Cha chồng con dâu chết trong biệt thự; những tiết lộ chưa công bố trong vụ thảm án; nam sinh giết người tình già; nhan sắc giai nhân hải ngoại khi tuổi thanh xuân đi qua... Nhiều vụ việc, sự kiện rất bình thường nhưng đã bị khai thác đủ mọi góc cạnh, bị "thổi" một cách quá mức, trở thành bất thường... đem lại những cái nhìn sai lệch cho độc giả. Thậm chí, đã xuất hiện những thông tin được ngụy tạo để gây "sốc" trong dư luận, hoặc mánh lới "đánh bóng" người này, "ném đá" người kia, hoặc thông tin nửa vời phục vụ một nhóm lợi ích ích kỷ nào đó...

Đáng nói hơn, những thông tin "lá cải" đã và đang có được một lượng lớn (ngày càng đông hơn) độc giả là những người có trình độ văn hóa như công chức, viên chức nhà nước. Nhiều người nói rằng, họ đọc thông tin "lá cải" như một hình thức giải trí để "giải tỏa những áp lực từ cuộc sống", hoặc đơn giản để "không bị lạc lõng trong câu chuyện với đám đông hiếu kỳ ở nhiều cơ quan, công sở" hiện nay. Tuy nhiên, khi đã "lá cải hóa" báo chí, cũng là lúc người ta đánh mất chức năng thông tin, chức năng định hướng. Hàng loạt "sự cố" (hay có người còn mạnh dạn gọi là "khủng hoảng") truyền thông liên quan đến vụ giết người ở Bình Phước, vụ chàng nông dân "hay hát" Lệ Rơi... đã để lại không ít hệ lụy. Có thể nói, những hiệu ứng ngược của báo chí - truyền thông khi bị "lá cải hóa" và việc những thông tin "lá cải" tác động vào nhận thức của một bộ phận độc giả, đã và đang góp phần rất nguy hiểm tạo nên thứ "văn hóa lá cải" trong thị hiếu tiếp cận thông tin.

Những người làm báo chân chính phê phán, chỉ trích "báo lá cải" đi ngược lại tính chân thực, khách quan của báo chí. Rất nhiều độc giả "dị ứng" với những thông tin "lá cải". Thế nhưng ngăn chặn xu hướng "lá cải hóa" đang lan rộng trong các loại hình báo chí hiện nay là vấn đề thật sự khó khăn. Là sản phẩm văn hóa nhưng báo chí cũng là một loại hàng hóa, trong cơ chế thị trường, các giải pháp hành chính chỉ là tình thế và không thể thay cho quy luật "cung - cầu". Tương tự như vậy, trong một "thế giới phẳng" thông tin, không thể sử dụng biện pháp kỹ thuật để ngăn cản việc chia sẻ thông tin trên các mạng xã hội hay blog cá nhân.

Vậy, đâu là giải pháp để hạn chế những thông tin thiếu trách nhiệm trên các mạng xã hội và những hệ lụy của xu hướng "lá cải hóa" báo chí?

Theo một thống kê, Việt Nam có khoảng 39,8 triệu người sử dụng internet, trong đó có 28 triệu người thiết lập tài khoản mạng xã hội và trung bình mỗi người tiêu tốn 3 giờ 4 phút mỗi ngày trên mạng xã hội. Những con số nêu trên cho thấy mức độ "can dự" tương đối của người Việt Nam vào môi trường mạng cũng như "không gian" tác động của nó đối với đời sống xã hội hiện nay. Khi trở thành công dân của kỷ nguyên kỹ thuật số, con người phải chung sống với cả những tích cực và tiêu cực của mạng xã hội, của blog cá nhân. Vấn đề là khai thác, sử dụng như thế nào? Thông tin đưa lên mạng không cấm được mà vấn đề là báo chí phải đưa đúng để định hướng công chúng. Những thông tin nào chưa đúng làm người dân phân tâm thì báo chí phải nói lại để xã hội hiểu đúng. Và các cơ quan có thẩm quyền phải chủ động cung cấp thông tin chính thống, kịp thời, minh bạch cho báo chí - truyền thông. Đó là giải pháp hiệu quả nhất trước những thông tin sai trái trên mạng, thay vì những rào cản theo lối hình chính hóa nhiều khi không những kém hiệu quả mà còn phản tác dụng...

Như vậy, nhiệm vụ đặt lên vai các cơ quan ngôn luận chính là thông tin kịp thời, minh bạch, đúng sự thật... Cũng có thể hiểu là báo chí - truyền thông không thể đứng ngoài những "điểm nóng" thông tin. Một người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa đã nói: "Trong đời sống xã hội, những vấn đề "nhạy cảm" thường là những vấn đề không bình thường, nhiều người quan tâm, hoặc do quan niệm như vậy, nó phức tạp hơn, và thường là bức xúc - đó chính là những vấn đề mà cuộc sống đang đòi hỏi phải có câu trả lời...".

Những vấn đề "nhạy cảm" luôn được độc giả quan tâm. Thế nhưng có một thực tế là không ít cơ quan ngôn luận vẫn tránh né, vẫn sợ đụng đến nó, thậm chí tự coi đó là "vùng cấm". Không tự nhiên có sự sợ hãi như vậy. Nhưng lẩn tránh những vấn đề "nhạy cảm" cũng có nghĩa là lẩn tránh thực tế cuộc sống, lẩn tránh trách nhiệm của người cầm bút đối với xã hội. Đây là một biểu hiện thiếu năng lực và khi các cơ quan ngôn luận không đáp ứng được nhu cầu thông tin, độc giả sẽ tìm kiếm thông tin từ những nguồn khác như mạng xã hội, blog cá nhân... Nguy hiểm hơn, khi các cơ quan có trách nhiệm thông tin định hướng dư luận rời bỏ những "điểm nóng", không đụng đến những lĩnh vực "nhạy cảm", hoặc chậm chạp trong thông tin thì cũng có nghĩa là họ đã bỏ "trận địa" cho những nhóm lợi ích chiếm lĩnh, bóp méo, làm sai lệch, nhiễu loạn thông tin phục vụ cho các ý đồ xấu, những lợi ích riêng đi ngược với lợi ích chung, rộng hơn là lợi ích quốc gia, dân tộc. Hiện nay những kẻ xấu có thể tung tin, "thổi" thông tin gây hoang mang trong dư luận một cách dễ dàng. Thực tế đó, ở mức độ nào đấy cho thấy hoạt động báo chí - truyền thông những năm gần đây đã để trống trận địa, để lại cho chúng ta nhiều bài học xương máu.

Khi các cơ quan ngôn luận không chỉ rõ những yếu kém, tụt hậu, những cái xấu, cái ác đang tồn tại trong đời sống xã hội thì cũng có nghĩa là họ chấp nhận những cái không bình thường trong đời sống xã hội. Và như vậy, có thể đặt vấn đề về trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của người làm báo!

Trong "thế giới phẳng" thông tin, sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội đang đặt ra nhiều vấn đề. Cùng với việc sắp xếp lại hệ thống báo chí, truyền thông; đầu tư tích cực cho những tờ báo có khả năng dẫn dắt thông tin để lực lượng này hoạt động thực sự hiệu quả thì việc đổi mới cung cách làm báo của các cơ quan ngôn luận có vai trò đặc biệt quan trọng. Nếu không thay đổi tư duy, phương thức, cách tiếp cận báo chí sẽ lạc nhịp với đời sống hiện tại, sẽ đánh mất bạn đọc... Và điều cuối cùng, mọi yếu tố kia có thể có nhưng người lãnh đạo cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo không có dũng khí thì cũng không thể thay đổi được...

Trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với nhân dân và đất nước đang đòi hỏi báo chí - truyền thông phải chiếm lĩnh những "điểm nóng" thông tin, không được phép rời bỏ trận địa của chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí không được phép rời bỏ trận địa của chính mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.