(HNM) - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam 4 tháng với Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến - hai nghi can trong vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở Bình Phước làm rung động dư luận cả nước nhiều ngày qua. Những kẻ sát nhân máu lạnh đã nhận tội, vụ án đã bước sang giai đoạn tố tụng.
Tuy nhiên, những câu chuyện ly kỳ, thiên về cái ác xoay quanh nạn nhân và những kẻ sát nhân vẫn tiếp tục là đề tài săn đuổi, mở rộng của nhiều trang báo mạng, nhiều tờ phụ san phục vụ một tầng lớp xã hội mà ở khía cạnh nào đó có thể xem là biểu hiện của sự tha hóa về thị hiếu. Một vị lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông đã đề nghị: Các cơ quan báo chí nên chấm dứt việc xâm phạm quyền nhân thân, gây dư luận xấu... Thế nhưng tình hình với danh nghĩa "chống cái ác" bằng sự miêu tả cũng không kém... nhẫn tâm về các khía cạnh liên quan cũng như chẳng ăn nhập gì đến vụ thảm sát vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu, đã và đang để lại trong xã hội không ít "vết thương" và cả sự âu lo.
Có thể nói, hơn một tuần qua, xã hội như "ngập lụt" trong những thông tin trên báo chí liên quan đến vụ án giết 6 người trong một gia đình tại Bình Phước. Báo chí đã phản ánh trung thực tinh thần trách nhiệm, quyết liệt chỉ đạo, quyết tâm phá án của lực lượng điều tra và những cảnh báo mang tính giáo dục, có ích cho xã hội. Thế nhưng, phần lớn các tờ báo, nhất là các trang báo mạng, nhiều tờ phụ san đã dẫn dắt độc giả vào những tình tiết ly kỳ của tội ác: Giết người không chỉ vì hận tình, Nguyễn Hải Dương từng dặn Vũ Văn Tiến "khai sẽ chết"...; hoặc đào khoét trong tận cùng mất mát: "Nỗi đau xé lòng người mẹ kẻ thủ ác", "Tiếng khóc than xé nát đêm đen của người thân gia đình bị thảm sát..."; hoặc tạo áp lực cho các cơ quan thực hiện tố tụng: "Kẻ gây thảm án ở Bình Phước khó thoát khung cao nhất"...
Thậm chí, để câu view, người ta sẵn sàng "đào bới lý lịch" của gia đình người bị hại và đặt ra những câu hỏi thiếu nhân văn, vô trách nhiệm: Ai là cha mẹ đẻ thật sự của bé Na? (cháu bé 18 tháng tuổi - người duy nhất còn sống trong vụ thảm sát). Những câu chuyện nêu trên cho thấy điều gì?...
Cũng trong tuần qua, chuyện trùm ma túy Mexico Joaquin El Chapo Guzman vượt ngục đã khiến giới truyền thông thế giới "chao đảo". Những góc độ khác nhau về cuộc tẩu thoát cũng như cuộc sống cá nhân của trùm ma túy đã được nhiều trang mạng trong nước khai thác kỹ lưỡng từ các trang mạng nước ngoài. Từ việc trùm ma túy Mexico vượt ngục như trong phim hành động đến những thông tin liên quan đến cô vợ hoa khôi và cả lễ công bố kết hôn gây náo động của Guzman và người tình trẻ... Đáng nói hơn, thay vì lên án khu biệt, loại bỏ những thông tin về thế giới của những "ông trùm" tội ác khỏi tư duy con người và đời sống xã hội, một bộ phận của giới truyền thông trong nước copy từ trang mạng nước ngoài đã "lãng mạn hóa" những hành vi phạm tội và coi thường pháp luật của giới tội phạm để phục vụ nhu cầu thông tin của một bộ phận độc giả có thị hiếu thông tin, giải trí... không bình thường.
Vì sao một câu chuyện về cái ác trong vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở Bình Phước và chuyện vượt ngục của tên tội phạm ở xa nửa bán cầu lại có sức hấp dẫn với giới truyền thông nước nhà như vậy?
Những hành vi phạm tội, những vụ án giết người cướp của với mức độ tàn bạo, phi nhân tính đang có chiều hướng gia tăng cho thấy: Đạo lý đang bị xói mòn, bị lấn át bởi tư duy vật chất, thực dụng, bởi sự tha hóa về nhân cách trong một bộ phận người dân. Đó là một thực tế rất đáng quan ngại. Nhưng đáng quan ngại hơn, cái xấu, cái ác đang ngày càng có sức hấp dẫn với nhiều độc giả. Nhiều tờ báo đã "đánh" vào thị hiếu - nói cách khác, đã "cung phụng" cho "thượng đế" những món ăn có nhiều "độc tố". Và qua mỗi bài viết kiểu như vậy người đọc cảm nhận được sự hỉ hả, sự thích thú của tác giả cũng như bản báo. Để rồi những "độc tố" ấy sẽ phát tác bất kỳ lúc nào. Khi cái ác được "truyền cảm hứng" sẽ lây lan như virus, độc, "di căn" trong mọi tế bào xã hội và trong "thế giới phẳng" thông tin hiện nay và "hiệu ứng" đô-mi-nô diễn ra với một tốc độ khủng khiếp. Những vụ án giết người man rợ ở bên kia bán cầu hoàn toàn có thể tác động hoặc gợi mở cho những hành động phi nhân tính của những kẻ thủ ác tại Việt Nam.
Khi con người thường xuyên tiếp xúc với cái ác, không rành mạch giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tốt và cái xấu cũng là lúc họ bước chấp chới bên bờ vực mà không biết. Có nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng: Xã hội hiện đại ẩn chứa nhiều mặt trái; nhiều người trẻ xem quá nhiều phim đồi trụy, phim bạo lực, miên man cùng những trò chơi điện tử với cảnh bắn súng, chém giết máu chảy đầu rơi... nên đã bị ám ảnh bởi những hình ảnh. Khoảng cách giữa "hành động ảo" và hành động phạm tội đã đến gần nhau hơn. Thêm nữa, môi trường sống bạo lực, thiếu tình yêu thương và nhận thức thiếu chuẩn mực cũng góp phần đẩy con người đến chỗ coi cái ác là chuyện bình thường và hành vi phạm tội của họ cũng trở nên... bình thường như các hành vi khác. Như vậy, liệu có thể đặt câu hỏi về trách nhiệm của báo chí, truyền thông trong vấn đề này?
Việc chạy theo những thông tin cái ác quá nhiều của các cơ quan báo chí, sự "hồn nhiên" của bạn đọc cũng như các cơ quan quản lý đã tạo ra những hiệu ứng xấu không đáng có. Câu chuyện truyền thông mang tên Lê Văn Luyện là một ví dụ. Hình ảnh của kẻ sát nhân máu lạnh xuất hiện liên tục và dày đặc trên các báo điện tử, phụ san, các trang mạng xã hội, trong trò chơi game, khơi nguồn cho những bản nhạc "chế" và đáng nói hơn, kẻ thủ ác đã trở thành "hình tượng" cho những nhóm thanh niên mới lớn, thiếu giáo dục. Và rồi không ít nhóm côn đồ tự nhận là "đàn em Lê Văn Luyện" đã gây ra những vụ án kinh hoàng... Sẽ chạnh lòng nếu ai đó ví một bộ phận nhà báo hiện nay như những con kền kền. Thế nhưng, sẽ không là quá đáng nếu nhận xét rằng: Một bộ phận báo chí, truyền thông đang chạy theo lợi nhuận một cách vô cảm, từ đó tiếp tay, thậm chí cổ vũ cho cái xấu, cái ác phát tác trong đời sống.
Cái ác là một hiện tượng xã hội, có ở mọi nơi và căn tính bạo lực luôn tiềm tàng trong mỗi con người có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu không được rèn luyện, không có khả năng nhận thức và hành động theo "tri lý". Do vậy, không thể lẩn tránh mà phải chấp nhận đối mặt để ngăn chặn nó. Loại trừ cái ác là trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cũng là trách nhiệm của mọi thành viên trong xã hội, trong đó có trách nhiệm của báo chí, truyền thông. Nếu ai đó đưa ra quan điểm "cái ác quyến rũ không kém gì cái thiện" để bao biện cho việc chạy theo lợi nhuận, chạy theo thị hiếu của một bộ phận độc giả đang có sự tha hóa về nhận thức, chạy theo khát khao được nổi tiếng vì... viết về cái ác, là hết sức nguy hiểm. Cái ác dù trong vỏ bọc nào cũng là cái ác. Báo chí, truyền thông với chức năng định hướng xã hội không thể bao biện, thỏa hiệp với cái ác, càng không thể trở thành mảnh đất màu mỡ cho cái ác lây lan làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội.
Tình trạng nhiễu loạn thông tin mà các nhà quản lý, những người làm báo chân chính cảnh báo đã hiện hữu và thực tế đã trở thành một vấn nạn rất đáng lo ngại. Việc các tờ báo, trang mạng xã hội tràn lan thông tin liên quan đến vụ thảm sát tại một gia đình ở Bình Phước, vụ vượt ngục của trùm ma túy Mexico... với những bình luận vô trách nhiệm không chỉ gây hoang mang trong dư luận mà còn tác động tiêu cực đến đời sống cộng đồng, làm mất niềm tin vào một xã hội tốt đẹp mà mỗi người đang hướng đến. Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại, không thể ngăn cấm việc chia sẻ thông tin hoặc quan điểm cá nhân về một vấn đề, một sự kiện nào đó trên báo chí và mạng xã hội.
Báo chí truyền thông phải làm gì để giải quyết những thông tin độc hại xuất phát từ những hành vi vô thức, vô cảm hoặc cố tình tạo "bão dư luận" cho mục đích riêng?
Để loại bỏ cái xấu, cái ác khỏi đời sống xã hội, bên cạnh việc yêu cầu các cơ quan báo chí, truyền thông không gây áp lực buộc người cầm bút phải chạy theo những thông tin "câu khách", "đào bới" đời tư để rũ bỏ trách nhiệm công dân, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thì việc các cơ quan chức năng phải tích cực, chủ động cung cấp thông tin đúng, thông tin chính xác, phối hợp chặt chẽ với báo chí, truyền thông trong việc giải quyết các "điểm nóng" dư luận. Nhưng quan trọng hơn là phải nhanh chóng cơ cấu lại hệ thống báo chí, truyền thông và đặc biệt là đầu tư thỏa đáng về tiềm lực công nghệ, tiềm lực con người để có những tờ báo đủ mạnh, đủ sức dẫn dắt thông tin, định hướng dư luận. Một khi thông tin tốt kịp thời đến với bạn đọc thì những thông tin xấu, thông tin bất lợi sẽ bị đẩy lùi.
Không thể là những "con kền kền" như ai đó ví von cực đoan (dù chỉ là một nhận xét mang tính cá nhân), báo chí, truyền thông không thể thỏa hiệp và dung dưỡng cái xấu, cái ác. Trách nhiệm hàng đầu của người cầm bút vẫn phải là dẫn dắt độc giả hướng tới cái đẹp, cái thiện trong hành trình tất yếu của nhân loại bằng những tác phẩm giàu trí tuệ và nhân văn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.