(HNM) - Trong tiến trình lịch sử cách mạng, đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, Thủ đô nói riêng đã đồng hành, bám sát, đóng góp xương máu, dũng cảm hy sinh để phản ánh kịp thời, chân thực sự phát triển của đất nước và Thủ đô. Báo chí cũng đã nỗ lực thực hiện tốt trách nhiệm đối với xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải:Cầu nối giữa tổ chức Công đoàn với công nhân, lao động
Báo chí đã có nhiều đóng góp tích cực, tuyên truyền về phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn; phản ánh về đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động; là cầu nối giúp cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ và đông đảo các tầng lớp nhân dân cả nước hiểu thêm về các hoạt động phong phú, đa dạng, hiệu quả của tổ chức Công đoàn... Đặc biệt, các hoạt động hướng về biển, đảo như chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” ủng hộ ngư dân, đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá và các lực lượng thực thi nhiệm vụ giữ vững, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc; hoạt động xây dựng Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma, tri ân công lao của những người đã ngã xuống vì chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc... của Tổng Liên đoàn đã được các cơ quan báo chí đồng tình ủng hộ, theo dõi và thông tin kịp thời, tạo dư luận tốt trong xã hội. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự phối hợp, cộng tác chặt chẽ của các cơ quan thông tấn, báo chí, các phóng viên, biên tập viên, những người đã góp phần không nhỏ vào thành công của tổ chức Công đoàn trong 6 tháng đầu năm 2015 cũng như trong suốt thời gian qua.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP Hà Nội:Báo chí góp phần gìn giữ an ninh trật tự
Trên mặt trận bảo đảm trật tự an toàn xã hội, các cơ quan báo chí cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng đã đi sâu, phản ánh chân thực các vấn đề xã hội, định hướng dư luận một cách chính xác, từ đó an ninh trật tự được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), vai trò của báo chí càng quan trọng, việc tuyên truyền sâu rộng các kiến thức về PCCC, cứu nạn, cứu hộ đã giúp nâng cao ý thức người đứng đầu cơ sở cũng như các tầng lớp nhân dân, qua đó đã hạn chế được các vụ cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản. Những năm qua, phóng viên Báo Hànộimới luôn đồng hành, góp phần giúp lực lượng PCCC Thủ đô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam là dịp để các cơ quan báo chí nhìn lại và tự hào về những thành tích đã đạt được nhưng đồng thời cũng là dịp để nhận thức rõ trách nhiệm của mình và tiếp tục phát huy truyền thống, đóng góp tích cực hơn nữa cho nền báo chí cách mạng nước nhà ngày càng phát triển.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Phùng Minh Sơn:Luôn đồng hành với phong trào “Người tốt, việc tốt”
Liên tục trong nhiều năm qua, TP Hà Nội luôn đi đầu trong phong trào “Người tốt, việc tốt”. Đóng góp vào sự thành công đó, có vai trò quan trọng của báo chí Thủ đô vì đã luôn đi sát với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố. Sự tích cực tuyên truyền về người tốt, việc tốt (NTVT) được thể hiện bằng những việc cụ thể, thiết thực như mở các chuyên trang, chuyên mục giới thiệu NTVT, liên tục cập nhật các thông tin mới từ nhiều nguồn tin nên lượng thông tin về NTVT phong phú và rộng khắp các địa bàn của Hà Nội. Từ việc phát hiện và tuyên truyền của báo chí đã có nhiều gương tốt đã được các cấp, các ngành bồi dưỡng, phát triển, khen thưởng, tạo ra nhân tố tích cực để khen thưởng cao. Điều đó có tác dụng để chính những gương này có thêm niềm tin về ý nghĩa công việc mình đang làm và sẽ là tấm gương để người khác học tập noi theo. Hiện nay, trên các báo đều có cả tin tốt, tin xấu, song, nếu tin tốt nhiều lên thì sẽ tạo niềm tin xã hội tốt hơn. Do đó, trên các báo càng cần tăng cường thông tin về cái hay, cái đẹp, góp phần lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Đó chính là thực hiện mục tiêu của phong trào NTVT.
Anh Lê Việt Dũng (xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai): Báo chí là kênh thông tin thiết thực
Thông qua báo chí, đặc biệt là trên các báo Nhân Dân, Hànộimới, An ninh Thủ đô... người dân chúng tôi được tiếp cận kịp thời với chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các văn bản của thành phố... Đơn cử như khi trên địa bàn các quận, huyện thực hiện các dự án về đường sá, xây dựng điểm công nghiệp, khu đô thị thì những quy định của Nhà nước liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, quyền và nghĩa vụ của công dân, mục tiêu dự án của thành phố giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của các dự án. Khi cần tìm hiểu rõ, cụ thể hơn từng vấn đề, các cơ quan ngôn luận trở thành "người bạn" song hành cùng chúng tôi, góp phần đưa tiếng nói của nhân dân đến với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời hồi âm những thông tin chúng tôi cần tìm hiểu. Rõ ràng, báo chí là kênh thông tin thiết thực, hiệu quả, gần gũi với người dân.
Ông Lê Hữu Thành (phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây): Báo chí góp phần "hạ nhiệt" ở điểm "nóng"Thông qua việc tiếp cận thông tin trên báo chí, tôi thấy, khi đưa một vấn đề có tác động lớn đến xã hội, báo chí luôn bảo đảm tính đa chiều, có kiểm chứng từ nhiều phía và chính xác trong thông tin. Đặc biệt là trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, định hướng dư luận và đấu tranh với kẻ xấu lợi dụng kích động người dân, người làm báo đã tiếp cận, lắng nghe đầy đủ ý kiến từ nhiều phía để phản ánh. Việc này giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh kịp thời những bất hợp lý trong thực tế, tạo nên sự đồng thuận giữa người dân với cơ quan công quyền, giữa người lao động với cơ quan quản lý... Cách tiếp cận và phản ánh của báo chí đã góp phần dung hòa, tạo được sự đồng thuận xã hội cao và đặc biệt là "hạ nhiệt" ở điểm "nóng". Thiết nghĩ, để có những tác phẩm đi sâu vào lòng người mang lại hiệu quả thiết thực, ý nghĩa trong cuộc sống, người làm báo cần nâng cao chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh để đáp ứng với yêu cầu phát triển của xã hội.
Ông Vũ Anh (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy): Báo chí phải đại diện cho tiếng nói của nhân dân
Đặt giả thiết, nếu không có báo chí thì không hiểu cuộc sống sẽ ra sao, thế giới phát triển thế nào? Nói như vậy để thấy báo chí thực sự có giá trị rất cao trong đời sống của con người và là "món ăn" tinh thần không thể thiếu. Thời gian gần đây, tôi đánh giá rất cao việc các cơ quan có thẩm quyền thể hiện chức năng "gác cổng" rất tốt, do đó, nhiều tác phẩm báo chí đã bị "tuýt còi" vì nội dung được dàn dựng chứ chưa phản ánh đúng thực tại cuộc sống, hoặc nguồn thông tin không được kiểm chứng nên đã gây hoang mang, khiến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Tôi mong báo chí mãi là cầu nối giữa người dân với các cơ quan chức năng, báo chí phải nói được tiếng nói của nhân dân, phải vì quyền lợi của cộng đồng xã hội. Báo chí phải có chính kiến riêng, bênh vực lẽ phải và quan trọng hơn, các bài viết phải mang tính định hướng, có tinh thần xây dựng để thực sự là niềm tin của nhân dân.