(HNM) - Thời gian qua, Báo chí Cách mạng Việt Nam đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước. Những thành tựu của báo chí không thể phủ nhận và điều quan trọng nhất trong sự phát triển báo chí là rất cần tính chuyên nghiệp, hiện đại, đặc biệt là trách nhiệm xã hội và đạo đức của nhà báo.
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hoàng Hữu Lượng về vấn đề này.
|
Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng. |
Trách nhiệm và bản lĩnh- Thưa ông, ông có thể đánh giá một số nét nổi bật của báo chí hiện nay trong thực hiện tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của mình?- Nước ta hiện có 849 cơ quan báo in, 67 Đài Phát thanh - Truyền hình với gần 200 kênh truyền hình, 98 cơ quan báo chí điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp, 420 mạng xã hội được phép hoạt động với lượng truy cập cao, ảnh hưởng ngày càng lớn về thông tin. Có thể nói, chưa bao giờ điều kiện tiếp cận thông tin của người dân được tốt như hiện nay. Báo chí là công cụ hữu hiệu nhất tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, thông tin pháp luật tới người dân. Tuy nhiên, mặc dù số lượng cơ quan báo chí nhiều, đa dạng về loại hình, đáp ứng được nhu cầu thông tin nhưng còn không ít bất cập, dẫn đến lãng phí nguồn lực, tài chính. Bên cạnh những người làm báo chấp nhận dấn thân, tâm huyết, phụng sự cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vẫn có những phóng viên chưa xác định mình là ai?... Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy cảm, thiếu tầm nhìn bao quát nên chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa của mình, có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích. Một số tờ báo có khuynh hướng thương mại hóa, thông tin sơ hở, thiếu sót, tạo điều kiện cho thế lực xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước. Công tác đấu tranh, phản bác trên hệ thống báo chí chưa thật kịp thời, sâu sắc...
- Nói chung độc giả có nhu cầu thông tin nhưng đó phải là thông tin chính xác chứ không phải bị sai lệch. Ông có thể cho biết một số tồn tại, hạn chế của báo chí liên quan vấn đề này?- Vừa qua, một số tờ báo còn mắc tình trạng thông tin sai sự thật, không đúng đắn, ảnh hưởng đến dư luận xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của một đơn vị, thậm chí của một ngành. Sự phản ánh chưa toàn diện, thiên về những vấn đề tiêu cực chỉ xảy ra ở một số tờ báo nhưng lại tác động rất lớn, khiến bức tranh xã hội bị nhìn nhận sai lệch... Tôi thấy, đa số cơ quan báo chí, nhà báo đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; song cũng có một số ít phóng viên, nhà báo lợi dụng nghề nghiệp đã che giấu khuyết điểm cho nơi mình tác nghiệp, hoặc viết theo ý chủ quan nhằm tăng nặng các mức độ sai phạm, gây áp lực để xin quảng cáo hay cố ý làm sai lệch thông tin… Trên thực tế, đã có một số trường hợp bị xử lý.
- Bài học cần nghiêm túc rút kinh nghiệm qua những sai phạm ở đây là gì, thưa ông?- Để phát triển một cách lành mạnh, hoạt động báo chí phải dựa trên cơ sở pháp luật đã quy định, đặc biệt là Luật Báo chí; bên cạnh đó là các nghị định, quy định của Chính phủ, các thông tư của Bộ TT&TT… Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là phải tăng cường đào tạo nâng cao bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ và đạo đức cho nhà báo. Trước hết, các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí phải thực hiện tốt chức năng quản lý, giám sát, phát hiện kịp thời sai phạm để đưa ra các biện pháp chấn chỉnh, xử lý. Bên cạnh đó, mặc dù Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan nhà nước cung cấp thông tin cho báo chí nhưng nhiều nơi khi xảy ra sai sót mới thực hiện. Chúng ta phải chọn lựa cách thông tin cho đúng, lựa chọn cách tiếp cận, vào cuộc một cách có trách nhiệm thay vì né tránh.
- Trách nhiệm của người làm báo trong giai đoạn hiện nay là gì?- Đất nước ta đổi mới, phát triển và hội nhập, có rất nhiều vấn đề mới đặt ra, người làm báo không những chỉ tham gia phản ánh mà còn phải góp phần lý giải, phát hiện kịp thời và đề xuất những giải pháp, kiến nghị phù hợp. Người làm báo phải có bản lĩnh, gương mẫu trong chấp hành pháp luật; đồng thời, cần thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bởi trên thực tế có những sai phạm bắt nguồn từ hạn chế chuyên môn… Phẩm chất quan trọng của người làm báo là phải có tâm huyết, trách nhiệm cộng đồng cao, dám xả thân vì công việc và phải đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên. Và để tăng tính nhân văn, nâng cao trách nhiệm cũng như đạo đức báo chí, quan trọng nhất là người làm báo phải có lập trường, tư tưởng vững vàng trước cái sai - đúng, có óc phân tích vấn đề, sự khéo léo để truyền tải thông tin một cách đúng mực, hấp dẫn và có lợi cho xã hội... Người làm báo phải đấu tranh và ủng hộ đấu tranh chống tiêu cực... Bởi trách nhiệm của báo chí suy cho cùng là trách nhiệm với từng thân phận con người trong xã hội.
Rà soát lại hệ thống cơ quan báo chí- Công nghệ thông tin - truyền thông ngày càng mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đặt ra không ít vấn đề đối với người làm báo. Ông nhìn nhận như thế nào về xu thế này?
- Những năm gần đây, báo chí điện tử phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng, hình thức và nội dung. Công nghệ truyền thông ngày càng mang lại nhiều lợi ích cho các nhà báo nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về đạo đức nghề nghiệp như: Nhanh và đúng; thông tin trung thực, khách quan; tôn trọng sự thật và quyền được biết sự thật của công chúng; xâm phạm bí mật, quyền riêng tư của cá nhân; xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; phương pháp khai thác thông tin; đạo văn và vi phạm bản quyền… Bên cạnh đó, đã có nhiều quy định không còn phù hợp với thực tế và phải sửa đổi. Trong sự phát triển của các cơ quan báo chí, cũng không thể tránh khỏi cạnh tranh thông tin, dẫn đến thông tin chồng chéo, có thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, phản cảm, câu khách. Trước việc phát triển quá "nóng" của các loại hình báo chí trong thời gian qua, các cơ quan từ trung ương đến địa phương, một số tổ chức, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và kể cả người dân đều nhận thấy rằng, đang có một sự lãng phí lớn về nguồn lực báo chí, có nhiều tờ báo na ná nhau và thiếu bản sắc.
- Cần phải rà soát lại hệ thống cơ quan báo chí như thế nào, thưa ông?- Bộ TT&TT đang trình Chính phủ đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Quy hoạch không chỉ thanh lọc, giảm bớt số lượng cơ quan báo chí mà quan trọng hơn là quy hoạch để phát triển, xây dựng hệ thống báo chí hợp lý về số lượng, nâng cao chất lượng nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu xã hội…
- Ông có thể cho biết một số nội dung cơ bản của đề án quy hoạch này?- Đề án quy hoạch báo chí có mục đích xây dựng một hệ thống báo chí vừa đủ cung cấp thông tin cho nhân dân nhưng tránh lãng phí và chồng chéo thông tin, tiến đến xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại... Theo đó, việc sắp xếp hệ thống báo chí được gắn với đổi mới mô hình, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí; xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng thông tin báo chí, thông tin trên mạng internet; giảm tỷ lệ mất cân đối về hưởng thụ báo chí giữa thành thị với nông thôn; khắc phục tình trạng dàn trải đầu tư, buông lỏng quản lý, xa rời tôn chỉ, mục đích, nặng về thông tin mặt trái, tiêu cực; thông tin không chuẩn xác… Những cơ quan báo chí hoạt động kém hiệu quả thì không nên tiếp tục tồn tại; sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực của Nhà nước; tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ cho các cơ quan báo chí, tạo bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ của hệ thống báo chí cả nước. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách, quy định về tài chính tạo điều kiện phát triển hệ thống báo chí theo hướng: Nhà nước không bao cấp hết, khuyến khích các cơ quan làm tốt, lành mạnh trong tự chủ tài chính nhưng không buông lỏng chỉ đạo, quản lý... Bên cạnh đó là xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là của cơ quan chủ quản, người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới. Quy hoạch báo chí cũng xác định báo điện tử, thông tin điện tử là xu hướng thời đại; xác định hoạt động liên kết, hay xã hội hóa là xu hướng chung…
Hướng tới nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại- Mục tiêu đặt ra của báo chí Việt Nam trong đề án quy hoạch báo chí là hướng tới một nền báo chí ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại... Theo ông, thời gian tới phải làm gì để đạt được mục tiêu này?- Trong cương lĩnh của Đại hội Đảng khóa XI có nêu báo chí chúng ta phải xây dựng phương tiện thông tin truyền thông đại chúng đồng bộ, hiện đại. Như vậy, hiện đại là hướng để chúng ta tiến lên. Những người đứng đầu cơ quan báo chí đều phải tính toán để bên cạnh hệ thống báo giấy là chính thống phải song hành phát triển hệ thống báo mạng, điện tử, báo truyền hình; đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ truyền thông đa phương tiện nhằm tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài tính chiến đấu thì chất nhân văn của báo chí cũng rất quan trọng, báo chí vì con người và giá trị nhân văn. Hiện nay, công nghệ làm báo có sự đổi mới rõ rệt. Nền báo chí hiện đại phải cập nhật kinh nghiệm hiện đại, sử dụng được các công cụ hiện đại trong quá trình thông tin. Nhưng dù hiện đại thế nào thì mỗi người làm báo đều phải có trách nhiệm công dân. Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân luôn gắn bó chặt chẽ trong hoạt động của người làm báo chuyên nghiệp...
- Nhưng làm thế nào để xây dựng được nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại khi đa số cơ quan báo chí gặp rất nhiều khó khăn về nguồn thu, vừa phải tự cân đối tài chính vừa phải bảo đảm tuyên truyền đúng định hướng chính trị và tôn chỉ, mục đích của mình?- Theo tôi, báo chí hiện nay, nhất là báo in đang phải cạnh tranh quyết liệt trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Muốn tồn tại, báo chí phải thực sự đổi mới tư duy và đổi mới cách thể hiện. Ngoài chất lượng thông tin thì tốc độ thông tin đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các phương tiện kỹ thuật hiện đại có ý nghĩa sống còn trong việc truyền bá thông tin. Trong dự thảo Luật Báo chí sửa đổi có đề cập vấn đề xã hội hóa một số khâu trong quá trình sản xuất báo chí. Theo đó, mọi thành phần có thể tham gia đầu tư cho việc in ấn, phát hành, truyền dẫn, giúp tiết kiệm về nguồn lực. Cơ quan báo chí được phép liên kết hoạt động với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật sau khi được sự đồng ý của cơ quan chủ quản.
- Việc kêu gọi xã hội hóa báo chí nhằm tận dụng được nguồn lực xã hội về vật chất, kinh tế, trí tuệ nhưng cũng đặt ra không ít vấn đề mà xu hướng thương mại hóa là một biểu hiện. Vậy làm thế nào để hạn chế tình trạng này?- Thời gian gần đây, hoạt động liên kết báo chí diễn ra sôi động, đặc biệt ở các đơn vị phát thanh truyền hình và báo điện tử, nhưng vẫn chưa có cơ sở để ban hành các văn bản pháp luật để quản lý, vẫn còn nhiều vi phạm. Để hạn chế tình trạng trên, trước hết cơ quan báo chí phải bám sát tôn chỉ, mục đích, lấy việc phục vụ, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin chính đáng của bạn đọc, lợi ích của đất nước và của nhân dân là mục tiêu. Về mặt tác nghiệp, báo chí phải nhanh chóng khắc phục triệt để việc thông tin không chính xác, thông tin chưa kiểm chứng hoặc chồng chéo, trùng lặp về nội dung. Về mặt nội dung, báo chí phải tăng cường biểu dương các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; cổ vũ phong trào thi đua yêu nước; đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tệ nạn xã hội; phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch... Vấn đề quan trọng là người cung cấp chịu trách nhiệm về thông tin và cơ quan báo chí thẩm định nguồn tin và thông tin trước khi đăng phát. Việc liên kết sản xuất chương trình phát thanh - truyền hình chỉ được phép ở mảng giải trí, còn tin tức thời sự chính trị thì phải chủ động. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực báo chí như: Việc triển khai quy chế về phát ngôn và cung cấp thông tin, quy chế phỏng vấn, quy chế xác định nguồn tin...; khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về báo chí nhằm tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm sự công bằng, minh bạch…
- Trân trọng cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi!