(HNMO) - Ngày 6-7, tại Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp với Bộ LĐTB&XH công bố báo cáo “Tình hình trẻ em thế giới năm 2016: Cơ hội công bằng cho mọi trẻ em”, khuyến nghị đầu tư vào trẻ em thiệt thòi để mang lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho từng quốc gia.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp khẳng định, nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực mang lại công bằng cho mọi trẻ em, bền bỉ thực hiện cam kết không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình tiến tới thịnh vượng. 25 năm phấn đấu thực hiện Công ước về quyền trẻ em, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, thu được thành quả đáng khích lệ.
Thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, Việt Nam đã về đích trước thời hạn với mục tiêu giảm một nửa tỷ lệ nghèo đói, hoàn thành và đạt mục tiêu cao hơn về bình đẳng giới, phổ cập giáo dục tiểu học, đạt nhiều kết quả trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phấn đấu hoàn thành đúng thời hạn về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em, có những biện pháp bảo vệ trẻ em tốt nhất, tạo điều kiện cho trẻ em tham gia thực hiện quyền của mình... Song trên thực tế vẫn còn rất nhiều thách thức.
Hướng tới mục tiêu bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn, Nhà nước Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp - chính sách, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em, giúp trẻ em hiện thực hóa các quyền của mình. Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình, chính sách như Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em, Chương trình Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, Chương trình Bảo vệ trẻ em, Chương trình Phòng chống tai nạn, thương tích, Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS... hướng tới công bằng cho mọi trẻ em trên cả nước…
Theo báo cáo “Tình hình trẻ em thế giới năm 2016”, năm 2015 có 5,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do mắc các bệnh có thể chữa trị được với chi phí thấp; hàng triệu trẻ chưa được tới trường; gần một nửa số người nghèo cùng cực trên thế giới là trẻ em… Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030, trong 15 năm tới, tốc độ phát triển phải nhanh hơn. Các quốc gia phải khẩn trương có giải pháp nâng cao sức khỏe bà mẹ, phát triển đội ngũ hộ sinh lành nghề, bảo đảm dinh dưỡng và các dịch vụ cơ bản, nước sạch… Báo cáo chỉ rõ, nếu phát triển theo tốc độ như 15 năm qua, đến năm 2030 sẽ có khoảng 167 triệu trẻ em (phần lớn ở vùng châu Phi cận Sahara) sẽ vẫn sống trong điều kiện nghèo cùng cực, có thêm 69 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong…
Tại Việt Nam, đã có những bước tiến quan trọng trong giảm nghèo, cứu sống trẻ em, đưa trẻ tới trường. Tỷ lệ nghèo giảm từ 58% (năm 1993) xuống 10% (năm 2014); trẻ tử vong giảm từ 36 ca/1.000 trẻ (năm 1990) xuống 10 ca/1.000 trẻ (năm 2014). Tuy vậy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em, tử vong bà mẹ ở miền núi vẫn cao (gấp 4 lần so với vùng đồng bằng); đòi hỏi có nhiều phương pháp sáng tạo, đầu tư công bằng hơn, tăng cường sự tham gia của các cộng đồng cho trẻ em…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.