Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo Anh: Yếu tố thúc đẩy Việt Nam trở thành điểm sáng của châu Á

Theo Thu Hằng-Văn Phong/TTXVN/Vietnam+| 15/03/2021 20:37

Trang MoneyWeek của Anh mới đây đăng bài viết đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường triển vọng nhất của châu Á trong suốt một thời gian dài.

Sản xuất linh kiện điện tử tại công ty TNHH 4P (Hưng Yên), dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, khả năng tham gia sâu vào chuỗi liên kết khu vực và toàn cầu. Ảnh: TTXVN

Bài báo khẳng định Việt Nam đang thoát khỏi cuộc khủng hoảng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và ngày càng “tỏa sáng” hơn bao giờ hết.

Theo bài viết, Việt Nam nổi bật trong danh sách các quốc gia hiếm hoi ghi nhận tăng trưởng dương trong năm 2020. Dù tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 chỉ là 2,91%, thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình 6-7% của Việt Nam suốt nhiều năm qua, song vẫn vượt các nền kinh tế lớn khác ở châu Á và thu hút được sự chú ý trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Ngay cả trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Covid-19 trong quý II-2020, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương và phục hồi nhanh chóng.

Bài viết chỉ ra những lý do giúp Việt Nam đạt được thành tích ấn tượng trên. Trước hết, đó là khả năng ứng phó tốt với dịch Covid-19. Mặc dù có đường biên giới sát với Trung Quốc - nước phát hiện ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đầu tiên trên thế giới, nhưng với các biện pháp quyết liệt, mau lẹ, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh mà vẫn đảm bảo được tăng trưởng kinh tế.

Bài viết cho rằng việc Chính phủ Việt Nam hành động nhanh chóng, dứt khoát, nhất quán cùng với sự ủng hộ, đồng lòng từ phía người dân đã tạo nên thành công trong thời gian qua. Đây là nền tảng vững chắc để các tập đoàn kinh tế lớn tin tưởng môi trường đầu tư tại quốc gia này.

Các nhà đầu tư chuyên nghiệp tại Việt Nam, trong đó có Dominic Scriven của Dragon Capital, Andy Ho và Khanh Vu của VinaCapital và Craig Martin của Dynam Capital, đều đánh giá cao những thành tích và nỗ lực của Việt Nam trong công tác chống dịch.

Công nhân Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định. Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Bên cạnh đó, phải kể đến những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Khả năng ngăn chặn đại dịch và nỗ lực duy trì mở cửa nền kinh tế là một trong những nguyên nhân quan trọng mang lại thành tích tốt cho Việt Nam trong năm 2020.

Trong bối cảnh đại dịch, nhiều công ty, tập đoàn đã lựa chọn nhiều nước khu vực Đông Nam Á là điểm đến đầu tư nhưng không phải quốc gia nào cũng có thể "hấp thụ" được nguồn lợi này.

Trong khi đó, Việt Nam đã có chiến lược chủ động, chuẩn bị những điều kiện quan trọng, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, từ việc thu hút việc đầu tư trong lĩnh vực dệt may cho đến giành được sự quan tâm từ các tập đoàn điện tử khổng lồ như Apple, Samsung...

Ngoài ra, trình độ giáo dục và kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam tương đối tốt và chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo bài viết, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động dồi dào, có kỹ năng, trình độ và kinh nghiệm. Đây là nguồn lực giá trị thu hút sự quan tâm của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn. Nếu trong quá khứ, cơ sở hạ tầng là một trong những điểm yếu lớn nhất của Việt Nam, thì hiện lĩnh vực này đã có thêm nhiều triển vọng.

Với những phân tích trên, bài viết lạc quan về khả năng Việt Nam sẽ tăng trưởng bền vững trong dài hạn và trở thành một trong những thị trường triển vọng nhất của châu Á.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Báo Anh: Yếu tố thúc đẩy Việt Nam trở thành điểm sáng của châu Á

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.