(HNM) - Gần 6 năm trước, bằng cách phát động hàng loạt cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử, các nhà lãnh đạo thân phương Tây ở Ucraina, trong đó Thủ tướng sắp mãn nhiệm, bà Yulia Timôsencô, đã thành công trong cuộc cách mạng Cam đưa thủ lĩnh Víchto Yusencô lên nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Giờ đây, với tham vọng ngồi vào chiếc ghế quyền lực nhất của quốc gia 46 triệu dân này, "người đẹp" cách mạng Cam lại toan tính giở lại chiến thuật cũ với ông Víchto Yanucôvích - người nắm chắc phần chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 2 vừa diễn ra ngày 7-2.
Bầu không khí trên chính trường Ucraina vốn đã căng thẳng trong suốt quá trình tranh cử nay trở nên ngột ngạt hơn, khi bà Timôsencô tuyên bố sẽ làm tất cả để đòi tiến hành bỏ phiếu vòng 3 và đấu tranh đến cùng để bảo vệ thắng lợi thông qua khiếu kiện tại các tòa án. Tuy nhiên, xét một cách thực tế, cơ hội để "bà đầm thép phương Đông" lật ngược thế cờ là quá mong manh. Vì bối cảnh hiện nay tại Ucraina đã hoàn toàn khác với những gì diễn ra cách đây nửa thập kỷ.
Thứ nhất, sau 5 năm trải nghiệm những thành quả cay đắng của cách mạng Cam cùng "lá bài" thân phương Tây, người dân Ucraina quá thấm thía thế nào là chiếc "bánh vẽ dân chủ". Điều này có thể nhìn thấy rõ trong ngày kỷ niệm cách mạng Cam vào cuối năm ngoái. Hình ảnh hàng trăm nghìn người hừng hực khí thế trên quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiép đã không còn. Chỉ có khoảng 100 người cố nhen nhóm lại ngọn lửa màu cam nhân 5 năm diễn ra cuộc cách mạng. Đây là lý do khiến người ta tin rằng bà Timôsencô rất ít có khả năng tập trung được lực lượng để tiến hành cuộc lật đổ như hồi năm 2004.
Thứ hai, chiến thắng của ông Yanucôvích không chỉ được Ủy ban Bầu cử trung ương Ucraina (SIK) công nhận mà còn được sự ủng hộ của cả cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và các nước châu Âu. Điều này cho thấy, phương Tây đã quá thất vọng đối với các chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền Kiép thời gian qua. Nó không chỉ khiến Ucraina lâm vào thế bế tắc, mà còn khiến các nước châu Âu "phát rét" khi không chỉ một lần bị biến thành "con tin" trong cuộc chiến khí đốt với Nga. Cũng nên nhắc lại rằng, 1/4 lượng khí đốt tiêu thụ ở châu Âu hiện nay trong đó 80% trung chuyển qua Ucraina là do Nga cung cấp. Vì thế, chính sách "bài Nga" của Kiép đã khiến nước này rơi vào thế "gậy ông đập lưng ông" và trở thành một "đại lý" trung gian kém cỏi, không đáng tin cậy trong con mắt các "ông bầu" châu Âu.
Ngoài ra, trong bối cảnh vị thế nước Nga đang không ngừng được củng cố, phương Tây cần sự hợp tác của ông bạn lớn phía Đông cả trong lĩnh vực năng lượng và giải quyết những vấn đề nóng của thế giới, việc tiếp tục hậu thuẫn Ucraina, chọc tức Nga sẽ là một ý tưởng thiếu khôn ngoan. Đây là lý do sau những ngày sôi sục của cách mạng Cam, phương Tây cũng chỉ đưa Ucraina vào cùng nhóm với Bêlarút và Ácmênia như đối tác thông thường với định lượng quan hệ kinh tế vừa phải. Lẽ dĩ nhiên, khi người dân Ucraina đã quá mệt mỏi và phương Tây không còn "sốt sắng" thì "nước cờ cũ" của bà Timôsencô khó có thể thi thố.
Từ nỗi buồn của cách mạng Cam ở Ucraina, người ta lại liên tưởng đến “cách mạng Hoa hồng" ở Grudia. Cũng đã hơn 8 năm xảy ra chính biến, nhưng Grudia vẫn chưa thoát được cảnh khốn cùng do kinh tế sụt giảm, khủng hoảng chính trị triền miên bởi các cuộc đấu đá nội bộ dẫn đến phân hóa sâu sắc. Lực lượng tham gia cách mạng Hoa hồng ở Grudia năm nào nay đã chia năm xẻ bảy và cũng trở thành đối thủ chính trị của nhau trên chính trường. Nay chỉ cần một cuộc bầu cử sớm thì Tổng thống đương quyền sẽ khó mà tại vị. Đó là chưa kể "người hùng" của cách mạng Hoa hồng Mikhain Xaacasvili đã đưa quốc gia này dấn thân vào cuộc chiến tranh 5 ngày với Nga mà hậu quả của nó không dễ dàng khắc phục ngày một ngày hai.
Khép lại cuộc bầu cử tổng thống đầy kịch tính và quyết liệt ở Ucraina, những người khởi xướng cách mạng Cam cách đây gần 6 năm đã phải khăn gói ra đi vì không giữ được chữ "tín". Một cuộc đua mới giành lại lòng tin của dân chúng lại mở ra, nhưng lần này sẽ không còn chỗ cho những gương mặt Cam năm xưa. Một chương mới đang mở ra cho lịch sử Ucraina.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.