Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bánh chưng Tranh Khúc - Đậm đà hương vị ngày Tết

25/01/2016 07:30

Làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh chưng. Bánh làng Tranh bán ở khắp nơi phục vụ nhu cầu dịp lễ, tết.

Trước đây, người làng Tranh luộc bánh bằng than, củi, bây giờ chuyển sang luộc bằng nồi điện và hơi nước. Tuy số vốn đầu tư ban đầu lớn (khoảng 100 triệu đồng/hệ thống đun hơi) nhưng người làm nghề đã bớt vất vả và giảm ô nhiễm môi trường. Nồi luộc bánh được làm bằng inox, giống như những chiếc bể chứa nước, hình vuông.

Gói bánh chưng tại làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, Thanh Trì (Hà Nội).


Nếu đun bằng điện thì đáy nồi đặt thiết bị lò xo làm sôi, bên trên là lớp phên kim loại để xếp bánh. Theo người dân nơi đây, để bánh chưng ngon, việc chọn nguyên liệu là rất quan trọng. Gạo phải là gạo nếp cái hoa vàng, nếp nhung; đậu xanh phải hạt to, chắc mẩy; lá dong bánh tẻ, xanh mướt; thịt lợn nuôi bằng bỗng rượu, thơm và lựa phần có mỡ, có nạc; gia vị là nước mắm cốt truyền thống và hạt tiêu sọ… Khi luộc phải đủ giờ, đủ nước bánh mới rền, nguyên liệu ngấm vào nhau tạo thành vị ngọt, bùi, ngậy... và bí quyết lớn nhất để bánh chưng làng Tranh vào được siêu thị, trường học, được khách hàng khó tính chấp nhận là sạch, đậm hương vị, sắc xanh truyền thống… Hiện nay, bánh chưng làng Tranh đều sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, do bạn hàng lâu năm cung cấp. Hằng năm xã cũng phối hợp với ngành chức năng của huyện và thành phố tổ chức các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân làng nghề; đồng thời kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất bánh… Do nhận thức của bà con ở đây khá tốt nên chưa cơ sở sản xuất nào vi phạm phải xử lý.

Làng làm bánh thôn Tranh Khúc được TP Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2011. Hiện nay, làng có 215 hộ sản xuất bánh chưng với số lao động tham gia khoảng trên 1.000 người, chiếm 50% lao động của làng. Mỗi hộ sản xuất thường có 3-4 lao động thường xuyên, chủ yếu là người trong gia đình, nhưng đến thời điểm cuối năm, các cơ sở sản xuất phải thuê thêm lao động để kịp đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Làng nghề hiện đã có hệ thống mã vạch cho thương hiệu tập thể làng nghề Tranh Khúc, bánh chưng làm xong được ép chân không, ghi mã vạch, chuyển đến các điểm tiêu thụ, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ. UBND xã Duyên Hà đã giao cho Hợp tác xã Văn Khúc quản lý thương hiệu làng nghề và giám sát việc sử dụng thương hiệu làng nghề của các cơ sở sản xuất.

Mỗi năm, làng nghề sản xuất và cung cấp cho thị trường hơn 20 nghìn chiếc bánh, đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng, những ngày giáp Tết, sản lượng bánh tăng 8-10 lần so với ngày thường. Bánh chưng của làng nghề Tranh Khúc hiện đáp ứng 50-60% nhu cầu của khu vực nội thành và các tỉnh lân cận.

Hiện nay, làng nghề Tranh Khúc được huyện Thanh Trì hỗ trợ các gia đình chi phí mua lò hơi, hỗ trợ tuyên truyền quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm bằng hệ thống bao bì in mã số mã vạch, ép chân không… Xã cũng đã xây dựng đề án phát triển làng nghề Tranh Khúc gắn với an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, kết hợp du lịch.

Khách hàng có nhu cầu sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm liên hệ theo địa chỉ:

HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Khúc
Địa chỉ: Thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội
Đại diện: Ông Nguyễn Đăng Ngữ - Chủ nhiệm HTX
Điện thoại: 0974869468.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bánh chưng Tranh Khúc - Đậm đà hương vị ngày Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.