(HNMO) - Hôm nay, lực lượng cứu hộ ở Bangladesh đã xác định chấm dứt hy vọng tìm thấy thêm người sống sót trong đống đổ nát của tòa nhà sụp đổ cách đây năm ngày, và bắt đầu sử dụng máy móc hạng nặng để đào bới đống vật liệu.
Cho đến ngày 29-4, ít nhất 380 người đã thiệt mạng đã được xác định khi toà nhà 8 tầng Rana Plaza sụp đổ vào sáng thứ tư tuần trước. Khoảng 2.500 người sống sót. Chủ sở hữu tòa nhà, Mohammed Sohel Rana, đã bị bắt giữ vào hôm qua, 28-4, tại thị trấn biên giới phía tây Benapole khi đang cố gắng trốn sang Ấn Độ.
Đến ngày 28-4 vẫn còn rất nhiều thân nhân của những người mất tích tụ tập trưng ảnh tìm người nhà bị mất tích trong đống đổ nát. Ảnh: AP |
Các tình nguyện viên, binh lính và lính cứu hỏa đã làm việc suốt ngày đêm kể từ thứ tư, chủ yếu là sử dụng tay và các thiết bị chiếu sáng để tìm, cứu những người sống sót. Bắt đầu từ khoảng nửa đêm chủ nhật, chính quyền triển khai cần cẩu thủy lực và máy cắt lớn để phá vỡ các tấm bê tông lớn thành các tấm nhỏ có thể dỡ bỏ đi.
"Có rất ít hy vọng tìm thấy bất cứ ai còn sống. Người của chúng tôi đã đào bới khá sâu vào trong và nhìn thấy một số xác chết trong tầng trệt. Nhưng không ai còn sống", Tướng Ali Ahmed Khan, người đứng đầu của đội cứu hỏa tại hiện trường cho biết.
Sáng thứ hai, 29-4, Thủ tướng Sheikh Hasina đã đến thăm các nạn nhân tại bệnh viện.
Các quan chức địa phương cho biết, toà nhà Rana Plaza đã từng xuất hiện các vết nứt từ trước đó và chính quyền địa phương đã ra lệnh di tản. Một ngân hàng và một số cửa hàng đã đóng cửa, nhưng quản lý của các nhà máy may mặc ở những tầng trên vẫn cho công nhân làm việc, và hậu quả đã xảy ra. Một nhóm các nhà sản xuất hàng may mặc cho biết, các nhà máy trong tòa nhà sử dụng 3.122 công nhân, nhưng vẫn chưa rõ có bao nhiêu người có mặt vào lúc nó sụp đổ. Khoảng 2.500 người được xác định đã may mắn sống sót.
Cảnh sát cũng đã bắt giữ chủ sở hữu toà nhà cùng bốn ông chủ của ba nhà máy. Ngoài ra, hai kỹ sư phê duyệt thiết kế toà nhà cũng đang bị giam giữ để thẩm vấn.
Cách đây năm tháng, một vụ sập nhà tương tự cũng đã xảy ra ở Bangladesh làm chết 112 người thế nhưng các tiêu chuẩn an toàn lao động dường như không được thay đổi ở Bangladesh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.