Người phát ngôn của Cục Thuỷ lợi Hoàng gia Thái Lan ông Boonsanong Suchatpong cho biết: Hiện còn 8,5 tỷ m3, trong đó, khoảng 3 tỷ m3 ở sông Chao Phraya, 3,5 tỷ m3 ngập các tỉnh miền Trung và bị chặn lại ở phía bắc Bangkok. Phần còn lại đã thâm nhập vào thủ đô Thái Lan.
Do gần một nửa lượng nước này đã thoát ra biển với tốc độ 400m3/ngày, phần còn lại khoảng 5 tỷ m3 sẽ được xử lý trong khoảng 10 đến 11 ngày tới.
Ông Boonsavong bác thông tin sắp có một lượng nước lớn từ phía bắc tấn công Bangkok.
Người dân Bangkok vẫn đang phải vật lộn với lũ lụt (Ảnh: Reuters) |
Hiện mực nước lụt tại huyện Bang Sai, tỉnh Ayutthaya và huyện Pak Kret, tỉnh Nonthaburi sát Bangkok đang giảm rõ rệt.
Trong khi đó, tại Bangkok, nước tiếp tục gây ngập nhiều nơi. Ngày 9/11, thị trưởng Sukhumbhand Paribatra tuyên bố: Chính quyền Bangkok sẽ tìm mọi cách không để nước ngập đường Rama 2, tuyến đường nối Bangkok với các tỉnh miền Nam.
Con đường này đang bị đe doạ sau khi Trung tâm Giảm nhẹ lũ lụt của Chính phủ Thái Lan (FROC) nắn dòng chảy nước lụt từ cao nguyên miền Trung sang phía tây và đông thủ đô Bangkok.
Hiện phần lớn đường Phetkasem, tuyến đường Khun Thian - Bang Bon đã bị ngập. Nước chỉ còn cách đường Rama 2 khoảng 1km.
Hãng hàng không quốc gia Thái Lan đã được lệnh tăng chuyến bay giảm giá cho khách đi miền Nam trong trường hợp đường Rama 2 bị ngập.
Tại Bang Phlat - một trong những quận bị ngập nặng nhất ở phía tây Bangkok, mức nước lụt giảm khoảng 10cm. Cầu Krung Thon Buri ở đường này đã có thể tiếp nhận xe mô tô qua lại. Các quận khác như: Lad Prao, Kana Yao, Lak Si… mực nước chưa có thay đổi.
Đợt lũ lụt lịch sử kéo dài từ cuối tháng 7 tại Thái Lan đã gây ngập tại 31 tỉnh thành trong đó Bangkok là địa phương cuối cùng. Mức thiệt hại được dự đoán sẽ lên trên 1.000 tỷ baht (hơn 30 tỷ USD).
Một vấn đề đang gây lo ngại trong người dân thủ đô Bangkok là rác thải, gây ô nhiễm nước và là nguyên nhân của dịch bệnh, như bệnh tiêu chảy, đau mắt đỏ, nước ăn chân và các bệnh khác đi theo dòng nước ngập úng.
Rác thải ở Bangkok hiện có hai loại đó là rác thải do người dân vùng ngập lụt và rác thải theo dòng nước từ các tỉnh khác đổ về. Đó là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước, dịch bệnh.
Cảnh báo của ngành y tế Thái Lan, các bệnh xuất hiện theo dòng nước và sau khi nước rút như: Bệnh về đường hô hấp, cúm, viêm phổi, bệnh về hệ thống đường tiêu hóa, nước ăn chân sốt xuất huyết, bệnh ngoài da do phải tiếp xúc với nước ô nhiễm.
Theo con số thống kê không chính thức, sau khi nước rút hết ước tính sẽ có hàng triệu tấn rác thải mà thành phố phải giải quyết, trong đó gồm rác thải thông thường, rác là các đồ giường, gối, quần áo chăn màn… của các gia đình bị ngập trong nước và ô tô ngâm trong nước lâu ngày .
Theo thị trưởng Bangkok, Sukhumbhand Paribatra thông thường mỗi ngày Bangkok có thể thu gom 8.700 tấn rác, do lũ lụt chỉ thu gom rác được hơn 7.000 tấn/ngày. Phần còn lại khoảng 30% là rác ở trong các khu vực bị ngập lụt nặng.
Thu gom rác thải ở các khu vực ngập lụt nặng gặp nhiều trở ngại, ô tô thông thường thu gom rác của Bangkok không thể đi vào vùng lụt mà phải cải tiến các bộ phận như ống bô không để cho ngập nước hoặc dùng thuyền thay ô tô. Hơn nữa nhiều nhân viên thu gom rác nhà bị ngập lụt nghỉ, thiếu nhân công.
Trước tình hình đó, thành phố Bangkok đã có các biện pháp giải quyết tình trạng rác ngập thành phố bằng cách thuê nhân công vớt rác trôi nổi trong dòng nước, rác mắc trong các cống thoát nước; phun thuốc nước vi sinh EM ở các khu vực ngập úng, phát 1 triệu túi đựng rác rưởi các loại.
Việc thu gom rác giải quyết tình trạng ứ đọng rác của thành phố sẽ được tiến hành bắt đầu từ ngày 10/11. Bangkok có 18 quận bị ngập nước cần phải thu gom rác thải.
Về rác bệnh viện, Bộ trưởng Y tế Vitthaya Buranasiri cho biết, ông đã chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị các container đựng rác chứa vi trùng lây bệnh và hóa chất trong các bệnh viện trong thời gian 1 - 2 tháng sau đó sẽ xử lý theo đúng phương pháp bảo đảm an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.