(HNM) - Chiều 24-8, hàng trăm người dân và 150 cán bộ chiến sỹ bộ đội, công an vẫn đang làm việc cật lực để tìm kiếm thi thể 7 nạn nhân xấu số bị vùi sâu dưới đất khi một mảng núi lớn ở vùng giáp ranh hai bản Dề Thàng và bản Thào Chua Chải, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái sạt xuống lúc 14 giờ ngày 22-8.
Đã hai ngày qua, con suối nhỏ Hán Tàu Dê chảy qua nơi sạt đất và suối lớn Nậm Kim chảy qua huyện lỵ Mù Cang Chải đỏ ngầu vì bùn đất. Khi nhóm PV Báo Hànộimới vượt hàng trăm kilômét trong mưa lớn tiếp cận khu vực bị sạt đất, việc kiếm tìm các nạn nhân dù được thực hiện khẩn trương nhưng chưa có kết quả.
Kinh hoàng
Lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm 7 nạn nhân mất tích. Ảnh: Dương Hiệp
Anh Giàng A Páo vẫn chưa hết bàng hoàng khi người vợ của anh mất tích cách anh chỉ vài bước chạy. Đã hai ngày qua, anh Páo thẫn thờ trong nhà, loay hoay với mấy đứa nhỏ bỏ cơm khóc đòi mẹ. Thi thoảng anh Páo lại cùng các con ra ngóng người ta tìm xác vợ mình. Hôm ấy, mới đầu giờ chiều, Giàng A Páo cùng vợ là Hảng Nhị Sông lên nương bẻ ngô. Mới bẻ được gần chục bắp ngô cho vào lù cở thì nghe thấy tiếng hét của một người đàn bà ở mé núi bên kia. Páo thấy đất dưới chân mình dịch chuyển. Chỉ kịp hét lên "Núi sạt rồi, chạy đi", Páo cắm đầu chạy chếch lên núi. Chị Sông vợ Páo chạy sau vài bước chân. "Núi sạt nhanh lắm! Sợ lắm! Chỉ biết chạy thôi. Lúc quay đầu lại thì không thấy vợ đâu nữa" - anh Páo kể lại mà mắt đỏ hoe.
Vợ Páo chỉ là 1 trong số 7 nạn nhân xấu số trong vụ sạt đất kinh hoàng. Thương tâm hơn cả là trong số 7 nạn nhân thì có 3 nạn nhân cùng một nhà là vợ chồng Giàng A Sàng, Vàng Nhị Nhứ và cháu bé Giàng A Sử. 4 nạn nhân còn lại là Hờ Nhị Dê, Hảng Nhị Sông, Giàng A Chang và Giàng A Cha đều người bản Dề Thàng. Ngay sau khi nhận được tin báo của UBND xã Chế Cu Nha, thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn, lực lượng quân đội, công an huyện Mù Cang Chải đã nhanh chóng đến hiện trường vụ sạt lở để tìm kiếm nạn nhân bị mất tích.
Từ QL32A vào bản Dề Thàng, ngược con suối Hán Tàu Dê đi bộ mất 3 con dốc cheo leo, chúng tôi mới vào đến hiện trường. Từ xa nhìn vào, vệt núi bị sạt nhức nhối một sắc nâu đỏ của thứ đất ủng do ngâm nước lâu ngày. Dòng suối Hán Tàu Dê mọi ngày chảy vắt qua các sườn non chênh vênh sâu tới vài mét, xanh ngắt một màu, giờ đỏ ngầu màu đất. Con suối vẫn cuốn đất đỏ ra dòng Nậm Kim để lại sự đau đớn tột bậc của những gia đình người Mông vừa mất người thân trong phút chốc.
Phải mất vài phút trấn tĩnh, em Giàng A Tỉnh (sinh năm 1994) - người may mắn sống sót được trong trận lở đất kinh hoàng mới kể lại cho chúng tôi về vụ việc. Tỉnh nói ngắt quãng, "Em... với anh Cha (Giàng A Cha) đi... đẩy viên đá chắn dòng nước không để nước chảy vào nương của nhà. Em chỉ cách anh Cha vài bước chân. Khi nghe tiếng động lớn, như tiếng nổ "ùm", em lao lên phía trước. Quay lại thì cả nương ngô và anh Cha đã biến mất. Suối Hán Tàu Dê cũng biến mất". Anh trai của Tỉnh và Cha là Giàng A Sùng (sinh năm 1979) bình tĩnh hơn kể lại: "Mấy hôm trước, thằng Giàng A Tông (em của Sùng) nhà ngay gần nương ngô đã bảo rồi, phải chờ 10 ngày nữa xem thế nào đã vì đất gặp mưa lớn lâu ngày đã có dấu hiệu sạt lở. Nhưng mới được 7 ngày thằng Cha và thằng Tỉnh không nghe cứ đi ruộng. Mới vừa đặt chân đến ruộng chưa hái được bắp nào thì cả bản nghe hai tiếng nổ liên tiếp, chạy đến thì cả nương ngô và con suối phía dưới biến mất".
Nỗ lực tìm kiếm người mất tích
Nhận được tin dữ, họ hàng nhà anh Giàng A Sùng ở các bản lân cận cũng chạy đến người tay cuốc, tay xẻng theo sự chỉ dẫn của lực lượng cứu hộ lao xuống suối Hán Tàu Dê xăng xái đào đất khơi thông dòng chảy tìm người thân. Bác Giàng A Chứ (hơn 70 tuổi) ở bản Thùa Chua Chải, vợ chồng anh Thào A Lẩu và Vàng Thị Sông ở bản Sáng Nhì cách bản Dề Thàng cả chục cây số là những người đã có mặt tại hiện trường ngay từ đầu để tìm kiếm người thân. Cùng với các lực lượng chức năng và bà con dân các bản làng xã Chế Cu Nha đã làm việc cật lực trong hai ngày hai đêm, ăn mì tôm uống nước suối... đào hàng vạn mét khối đất đá. Nhưng người vẫn chưa tìm thấy đâu.
Ngay giữa hiện trường, Đại tá Nguyễn Trung Thái, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái, cũng là tổng chỉ huy việc tìm kiếm những người mất tích, vừa chỉ đạo các lực lượng vừa cho biết, mãi đến sáng 24-8, mới đưa được thêm hai máy xúc vào khu vực tìm kiếm. Trời vẫn mưa, lối vào không có nên việc đưa phương tiện vào gặp nhiều khó khăn. 150 cán bộ chiến sỹ quân đội, công an và hơn 200 dân quân tự vệ cùng hàng trăm người dân đã được huy động vào việc tìm kiếm. Đại tá Thái khẳng định, chúng tôi sẽ chỉ dừng việc khi đã tìm đủ 7 nạn nhân xấu số để phần nào giảm bớt nỗi đau của những gia đình có nạn nhân. Tuy nhiên, do lượng đất đá quá lớn, địa hình chật hẹp khó huy động phương tiện, sức người có hạn nên việc tìm kiếm gặp nhiều trở ngại. Các lực lượng đã phải dùng vòi nước cứu hỏa xịt nước để rửa trôi phần bùn nhão bên trên, vừa để tìm người vừa để dọn mặt bằng để đưa thêm phương tiện cơ giới vào. Đại tá Thái cũng bày tỏ sự lo ngại khi nhận được thông tin cơn bão số 3 có thể gây mưa lớn ở vùng núi phía bắc. "Nếu trời mà mưa lớn, công việc tìm kiếm sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa, thậm chí có thể phải tạm dừng vì cũng cần phải bảo đảm an toàn tính mạng cho những người tham gia tìm kiếm", Đại tá Thái nói.
Đêm Rằm tháng Bảy, ánh trăng lạnh lẽo từ đỉnh đèo Khau Phạ phủ xuống bản Hán Tàu Dê. Dưới lòng suối nhỏ, ba chiếc máy xúc chong đèn cùng hàng trăm bộ đội và công an tỉnh Yên Bái miệt mài công việc tìm kiếm các nạn nhân xấu số. Và chúng tôi cũng đã thức trắng cùng đội cứu nạn. Đâu đó trong gió, thoảng khói hương của ngày Xá tội vong nhân khiến nhiều người thêm quặn lòng. Chúng tôi thầm cầu mong cho những người dân bản Thào Chua Chải đã khóc hết nước mắt mấy ngày qua sẽ sớm tìm được người thân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.