Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bán vé qua tin nhắn… vắng khách!

Nguyễn Đức| 02/12/2010 07:46

(HNM)- Nhu cầu mua vé tàu trong những dịp cao điểm luôn là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong dư luận. Những năm gần đây, ngành đường sắt đã tổ chức nhiều hình thức bán vé mới giúp hành khách mua dễ dàng hơn, trong đó có việc bán qua tin nhắn SMS. Nhưng, tại Hà Nội, dịch vụ bán vé qua tin nhắn khá đìu hiu…


Vé tàu Tết Thống Nhất còn nhiều

Ga Hà Nội tổ chức bán vé tàu Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 từ ngày 15-11-2010. Đến nay số lượng vé vẫn còn nhiều. Phó Trưởng ga Hà Nội Phùng Thị Lý Hà cho biết, ga được phân bổ 15% số vé chiều Sài Gòn - Hà Nội (5.012 vé) đi trong dịp cao điểm trước Tết (từ ngày 25-1 đến 1-2-2011), nhưng đến hết ngày 30-11 mới xuất bán 2.979 vé. Với chiều ngược lại đi trong dịp cao điểm sau Tết Nguyên đán (từ ngày 6-2 đến 17-2-2011), ga được phân bổ 27.240 vé, đến nay mới bán được 9.867 vé. Như vậy, lượng vé trong dịp cao điểm còn nhiều. Lý giải nguyên nhân, đặc biệt là chiều Hà Nội - TP Hồ Chí Minh sau Tết Nguyên đán, bà Hà cho biết, có thể do thời gian còn dài nên nhiều người chưa mua. Tuy nhiên, để bảo đảm có vé đi sau Tết, Ga Hà Nội khuyến cáo, hành khách nên chủ động mua sớm. Nếu đợi đến gần ngày đi mới mua, khả năng không mua được là rất cao, bởi lượng vé hiện còn nhiều, nhưng sẽ được bán dần trong hai tháng tới.

Ít người gửi tin nhắn mua vé

Để tạo điều kiện cho hành khách mua vé thuận lợi trong thời gian cao điểm lễ, tết, những năm qua, Ga Hà Nội đã cải tạo khu vực bán vé, tổ chức lấy số xếp hàng tự động để tránh lộn xộn, mất trật tự. Ga còn có một loạt đại lý bán vé ở các địa phương, tổ chức bán vé qua điện thoại, bán vé tại các trường đại học, cao đẳng… Dịp Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, ga tổ chức dịch vụ bán vé qua tin nhắn SMS. Theo bà Hà, đây là hình thức bán vé hiện đại, thuận lợi cho hành khách, nhất là những người ở xa. Có thể gửi tin nhắn mua cả vé tàu trong những ngày bình thường và dịp Tết. Để mua vé qua tin nhắn, hành khách gửi tin theo cú pháp: vetau (cách) mã tàu (cách) ngày đi (cách) ga đi (cách) ga đến (cách) loại chỗ (cách) số lượng vé và gửi đến 8205. Mã tàu là ký hiệu tàu muốn đi như: SE1, SE2, SE3, SE4… Ngày đi phải viết liền cả ngày tháng năm ví dụ như: 31.12.2010. Tên ga đi, ga đến viết liền, không có dấu như: hanoi, danang… Loại chỗ có thể viết là ngoi (nếu mua vé ngồi), nam (nếu mua vé nằm) hoặc chi tiết hơn là ngoicung (ngồi cứng), ngoimem (ngồi mềm), namcung (nằm cứng),

nammem (nằm mềm)… Sau khi đặt vé theo cú pháp trên, hệ thống sẽ gửi tới người mua qua tin nhắn trong đó có mã đặt vé. Để xác nhận mua, soạn tin theo cú pháp: OK (cách) mã đặt vé (cách) số chứng minh thư và gửi tới 8605. Trong 48 giờ kể từ khi đặt vé thành công, người mua phải thanh toán cho ngành đường sắt và đến lấy vé trước khi tàu chạy tối thiểu 2 tiếng. Việc thanh toán có thể qua các điểm giao dịch hoặc hệ thống ATM của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank). Thanh toán qua ngân hàng khi đến lấy vé phải đem theo phiếu xác nhận thanh toán hoặc biên lai giao dịch ATM, chứng minh thư. Nếu thanh toán tại ga phải mang theo mã đặt vé đã được cung cấp, chứng minh thư. Mỗi tin nhắn có thể mua được 4 vé và nếu giao dịch thành công, hành khách sẽ mất 15 nghìn đồng phí. Tuy nhiên, trái ngược với TP Hồ Chí Minh, số người hưởng ứng dịch vụ mua vé qua tin nhắn ở Hà Nội rất thấp. Gần một năm, Ga Hà Nội chỉ bán được 490 vé qua hình thức này. Đặc biệt, dù đã tổ chức bán vé tàu Tết Nguyên đán 2011 từ lâu và dành hẳn một cửa bán vé phục vụ người mua qua tin nhắn để khuyến khích, nhưng số người mua qua hình thức này vẫn rất hạn chế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bán vé qua tin nhắn… vắng khách!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.