(HNM) - Mù Cang Chải, nội cái tên thôi đã gợi nên ấn tượng về một vùng đất mù mịt xa xăm, hoang vắng...
Mù Cang Chải, nội cái tên thôi đã gợi nên ấn tượng về một vùng đất mù mịt xa xăm, hoang vắng. Song, mấy năm gần đây huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái này vụt trở thành tâm điểm chú ý của du khách trong và ngoài nước, nhất là vào dịp tháng 8, tháng 9 - khi lúa vàng trên những triền ruộng bậc thang nhấp nhô bát ngát, vừa hùng tráng vừa mỹ lệ.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. |
Về ngữ nghĩa, theo tiếng địa phương "Mù" là đọc trại của "mồ" nghĩa là "rừng gỗ", "Cang" là đọc trại của "căng" nghĩa là "khô" và "Chải" là "đất" với nghĩa không gian, là vùng, miền, không phải nghĩa vật liệu. Mù Cang Chải là "đất gỗ khô". Huyện Mù Cang Chải rộng gần 2.000km2, nằm dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, có khoảng 5 vạn dân, 95% là người Mông. Đặc sắc Mù Cang Chải là 2.500ha ruộng bậc thang ở 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình. Đây là thành quả của hàng nghìn năm người dân địa phương vật lộn với thiên nhiên để tồn tại. Năm 2007, ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được Nhà nước công nhận là Danh thắng quốc gia.
Người Mù Cang Chải rất có ý thức giữ gìn và phát huy báu vật di sản. Cũng nhờ có danh thắng, khách du lịch về nhiều, người Mù Cang Chải dần hội nhập với cả nước và quốc tế. Đến Mù Cang Chải chiều 27-9, trước hôm khai mạc Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch Mù Cang Chải một ngày, chúng tôi được Phó Bí thư Huyện ủy Vừ Thị Pàng người Mông và Phó Chủ tịch UBND huyện Lường Thị Xuyến người Thái cho hay, lúa trên ruộng bậc thang đã đến ngày gặt, nhưng để du khách có dịp chiêm ngưỡng danh thắng, huyện đã vận động dân chưa gặt vội, thậm chí xuất gạo cấp cho bà con, chờ qua tuần lễ hội.
Dọc quốc lộ 32, ở những nơi cảnh đẹp nhiều du khách tụ tập chụp ảnh, thường có nhiều người Mông, nhất là những bà già, sẵn sàng làm người mẫu. Họ mang theo kim chỉ, tấm vải thổ cẩm thêu dở, ngồi ven đường nhẩn nha từng mũi kim đường chỉ. Dường như các bà rất biết du khách - những tay săn ảnh, thích có được những tấm hình đã quá quen thuộc, trở thành mô tip. Đó là cảnh một hoặc hai bà già người Mông trang phục dân tộc sặc sỡ, khuôn mặt nhăn nheo, miệng móm mém cười hồ hởi trên nền hậu cảnh là những cánh đồng ruộng bậc thang. Các bà không ra giá nhưng nếu muốn chụp ảnh họ, mỗi tốp du khách thường trả dăm ba chục nghìn đồng. Ngày cao điểm, các "người mẫu" bản địa này có thu nhập đáng kể.
Điểm nhấn của Lễ hội là Phiên chợ vùng cao Mù Cang Chải với chủ đề "Sắc màu Tây Bắc", nghe nói có chảo thắng cố đăng ký lập Kỷ lục Guinness Việt Nam, to đến nỗi có thể chứa cả con ngựa. Vào chợ tìm hàng thắng cố, chỉ thấy cái chảo bé tí, đường kính khoảng 0,8m. Hỏi cái nồi Guinness to thế nào, ông chủ bảo to hơn cái này một tí, để ở nhà hàng! Chủ hàng cũng láu cá, hôm trước một nồi lẩu thắng cố cho 6 người giá 400.000 đồng, sáng 28-9 khai mạc Hội chợ vọt lên 600.000 đồng, đến trưa thì giá đã là 700.000 đồng mà chủ hàng vẫn múc mỏi tay.
Tối đến, chúng tôi nghỉ ở nhà ông Lường Văn Dương ở bản Thái Kim Nọi. Nhà ông là nơi cho thuê khách trú. Nhà sàn dài rộng, khách ở gian ngoài, vợ chồng con cái chủ nhà trong buồng. Một dãy chăn, đệm trải sát vách, khách đông thì xếp thêm dãy nữa giữa nhà, khoảng 25 người. Với giá 80 nghìn đồng/người/ngày đêm, vào lúc cao điểm mỗi ngày nhà ông Dương thu ít nhất khoảng 2 triệu đồng. Ông Dương 72 tuổi, mặt hiền hậu, phong thái khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ. Nhà có 9 người con nhưng ông bà ở với con trai thứ 6 tên Hòa, nhân viên kỹ thuật Đài Phát thanh - Truyền hình huyện. Hòa có con gái 4 tuổi là cháu Bảo Châu, xinh xắn, biết làm duyên, khách bảo chụp ảnh là cười, chấm tay vào má, diễn thành thục.
Đêm, trời Mù Cang Chải se lạnh. Cái lạnh từ khí núi tỏa ra cứ từ từ len lỏi qua khe áo, thấm vào da thịt. Tôi xuống gian nhà bán tạp hóa, kem của ông Dương, cũng là nơi ông bà nghỉ, nghe ông kể chuyện. Ông Dương đã từng nghiện thuốc phiện 15 năm. Bà Lò Thị Vinh vợ ông nằm sau tấm ri đô vải hoa bảo, ngày ông nghiện bà khổ lắm. Ngày ấy thuốc phiện trồng phổ biến trên vùng cao này, giá 2.000 đồng một chỉ. Ông cũng đi mua thuốc phiện rồi bán lại, lấy lãi mua thuốc cho mình dùng. Năm 1993, Nhà nước cấm tiệt thuốc phiện, ông bỏ được, từ bấy đến nay khỏe hẳn lên. Ông có bài thuốc cai nghiện gia truyền, từng đi Lào Cai, Yên Bái chữa cho khoảng gần trăm người cả Mông cả Thái. Ông khoe còn có nhiều bài thuốc chữa bệnh gan, thận thậm chí "anh nào có bệnh yếu sinh lý lên đây tôi chữa cho". Năm 2001, ông là nhân vật chính trong một chương trình phóng sự của Đài Truyền hình tỉnh Yên Bái, là gương lương y chữa cai nghiện tại cộng đồng. Ông bảo người nghiện họ ngại đến y tế, nên họ đến nhờ ông cai cho. Những người được ông cai khỏi có 2/3 không tái nghiện, chủ yếu là người có tuổi. Chỉ một số bọn trẻ sẵn tiền, bạn bè rủ rê mới hút lại.
Cả nhà ông Dương có phong cách làm du lịch khá chuyên nghiệp, thái độ thân thiện. Khi cần, con trai chủ nhà sẵn sàng ngồi uống với khách dăm chén rượu rồi xin cáo lui. Cơ sở lưu trú được đầu tư khá bài bản, toillet có nước nóng, xí bệt vòi xịt, sẵn kem đánh răng Colgate, sữa tắm xịn. Ông Dương bảo, phải đầu tư thế mới đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của khách dưới xuôi và cả khách Tây nữa".
Đỉnh Khau Phạ sáng 29-9 người đông dần. Đây là nơi Câu lạc bộ Dù lượn Vietwings Hà Nội thuộc Câu lạc bộ Hàng không phía Bắc chọn làm điểm tập kết thực hiện Chương trình "Bay trên thảm lúa" trong khuôn khổ Tuần lễ Danh thắng Mù Cang Chải. Hàng trăm du khách và dân địa phương đứng kín triền núi chờ xem các vận động viên dù lượn xuất phát. Họ ngưỡng mộ nhìn các vận động viên như nhìn người từ hành tinh khác đến, bởi anh nào nom cũng "hầm hố" với quần nhiều túi, bao Kangaroo thắt quanh bụng, ba lô lỉnh kỉnh trên lưng. Chỉ chốc lát nữa thôi, họ sẽ từ đỉnh Khau Phạ cất cánh bay trên thảm lúa dưới thung lũng Tú Lệ.
Tôi làm quen với người đàn ông mảnh khảnh, trong đội hình phi công chờ bay. Ông bảo tên là Nguyễn Hữu Nam, 62 tuổi, nhà ở 128 Đại La, Hà Nội. Nghe tôi trầm trồ, ông Nam cười: "Tôi cũng bị bệnh tim mạch, huyết áp đấy", rồi ông lôi ra cái máy đo huyết áp điện tử, rút cả ví, mở ra cho tôi xem hai viên thuốc nhỏ xíu. "Coversyl đấy anh ạ". Cái loại biệt dược hạ huyết áp này thường được nhiều người cao tuổi mang theo phòng khi khẩn cấp. Ông Nam bảo mình là người yêu thích môn thể thao dù lượn, "mỗi khi bay lơ lửng trên không trung thấy mọi phiền muộn tan biến".
Đáng tiếc là, hôm ấy gió to, tốc độ 17-18m/s, ngang gió cấp 7 nên Ban Tổ chức quyết định hoãn bay, chờ khi tốc độ gió giảm xuống 10m/s mới cho đội dù lượn xuất phát. Nhưng đâu như đến hết ngày hôm đó, gió vẫn không giảm.
Quá trưa, chúng tôi về đến thị trấn Nghĩa Lộ, được bạn đãi cơm tại nhà sàn, thưởng thức xòe Thái. Nhìn các cô gái Thái Mường Lò tròn lẳn, căng tràn trong trang phục dân tộc, tươi tắn với những điệu xòe, tôi thêm hiểu vì sao Tây Bắc có sức hút du khách ghê gớm đến thế.
Tây Bắc, Mù Cang Chải đang phát triển trong xu thế hội nhập, có hay có dở nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng. Cái di sản văn hóa quý báu ấy chắc chắn sẽ được truyền đời gìn giữ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.