Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bản sắc đất ''trăm nghề''

Thế Văn| 31/12/2021 06:07

(HNM) - Đan Phượng, Liên Hà, Song Phượng, Tân Hội và Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) là những xã đầu tiên của thành phố Hà Nội về đích xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là một dấu mốc quan trọng, một bước phát triển của nông thôn mới Hà Nội trên chặng đường đã được định hình và không có điểm kết thúc để thành phố có nhiều hơn những miền quê đáng sống mang bản sắc riêng của Thủ đô.

Nông thôn mới kiểu mẫu của Hà Nội trước hết phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tại Quyết định số 691/QĐ-TTg (ngày 5-6-2018) của Thủ tướng Chính phủ về ban hành bộ tiêu chí về xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020. Song Hà Nội là nơi bồi lắng tinh hoa mọi miền đất nước, chất chứa những tiềm năng không nơi nào có được nên nông thôn mới kiểu mẫu của thành phố quan trọng nhất phải mang những nét riêng của Thăng Long - Hà Nội, vừa tiếp dẫn những yếu tố thời đại, vừa kết tinh giá trị của mỗi vùng miền và của đất “văn hiến” - đất “trăm nghề”. 

Nói cách khác, nông thôn mới kiểu mẫu phải là những miền quê đáng sống, nơi người dân được thụ hưởng những giá trị truyền thống và thời đại với hệ sinh thái làng quê gắn kết chặt chẽ với nền nông nghiệp đô thị trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong xu thế đô thị hóa như một tất yếu, nông thôn mới kiểu mẫu của Hà Nội cần tiệm cận với các hình thái đô thị trong tương lai như đô thị sinh thái, đô thị kết nối…

Nói như vậy để thấy, tạo dựng những miền quê đáng sống là một chặng đường dài với những đích đến mới nhưng cũng rất gần với nông thôn mới kiểu mẫu mà Hà Nội đã và đang hướng tới. Điều quan trọng là các địa phương phải chọn được hướng đi phù hợp với tiềm năng và nguồn lực cho từng giai đoạn phát triển. Đặc biệt người dân, với tư cách là chủ thể tạo dựng và hưởng thụ những giá trị nông thôn mới, cần ý thức rõ trách nhiệm của mình với quê hương hôm nay và ngày mai.

Với kinh tế nông nghiệp - nông thôn, trước hết là xây dựng một nền nông nghiệp đô thị - nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; đồng thời phát triển các sản phẩm là đặc sản của vùng miền gắn với chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng… sẵn sàng thích ứng với thách thức và xu thế phát triển của thời đại. Mặt khác, khơi thông cơ chế chính sách phát triển làng nghề, gắn nghề truyền thống với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nâng cao giá trị, thương hiệu, xúc tiến thương mại để sản phẩm làng nghề Hà Nội vươn tới thị trường có giá trị cao; gắn hoạt động làng nghề với phát triển kinh tế xanh, dịch vụ xanh, công nghiệp văn hóa… Đặc biệt là chú trọng thúc đẩy cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng tuần hoàn. Nông thôn mới kiểu mẫu Hà Nội phát triển trên nền tảng kinh tế bền vững!

Với hạ tầng văn hóa - xã hội, các địa phương cần xây dựng, triển khai các cơ chế ứng dụng thành tựu công nghệ trong quản trị nông thôn hướng tới “nông thôn thông minh”; phát huy sức mạnh cộng đồng trong việc bảo tồn giá trị truyền thống mang đặc trưng riêng có của mỗi làng quê, trong đó chú trọng không gian di sản, không gian kiến trúc, nghệ thuật dân gian. Đặc biệt, cần kết hợp hài hòa giá trị truyền thống và thời đại để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu Hà Nội với những làng quê khang trang, yên bình, thật sự là không gian xanh, là nơi đáng sống - nơi người dân được thụ hưởng và cùng cộng đồng tạo dựng những giá trị mới trong đời sống văn hóa - xã hội.

Như thế, nông thôn mới kiểu mẫu của Hà Nội chắc chắn sẽ là những miền quê đáng sống với đặc trưng riêng có của đất “văn hiến”, đất “trăm nghề” phát triển hài hòa, bền vững cùng xu thế thời đại. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bản sắc đất ''trăm nghề''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.