Xét từ góc độ kinh doanh, các kênh - đài truyền hình tại Việt Nam cạnh tranh nhau trong cuộc đua giành phát sóng các trận đấu Giải bóng đá ngoại hạng Anh là điều tất yếu trong cuộc đua để tồn tại và phát triển, điều này không có gì bất hợp lý.
MP&Silva là công ty thắng thầu và có quyền phân phối bản quyền truyền hình giải bóng đá ngoại hạng Anh tại Việt Nam. Các kênh - đài truyền hình của Việt Nam đều muốn được độc quyền phát sóng các trận đấu thuộc loại “hot” nhất hành tinh này. Trong cuộc đua đó, VSTV (sở hữu thương hiệu kênh truyền hình K+) đã thắng thế với mức phí 10 triệu USD trả cho MP&Silva cho ba mùa giải liên tiếp kể từ mùa giải 2010-2011.
Tuy nhiên, MP&Silva đã rất khôn khéo trong chiến lược kinh doanh của họ khi để VSTV được phát sóng tất cả các trận đấu trong tuần, nhưng họ chỉ được độc quyền vào ngày chủ nhật. Còn lại họ còn phân phối cho các kênh - đài truyền hình khác như cho SCTV gói “thứ 7 không độc quyền” với giá 1,7 triệu USD; cho VCTV với giá khoảng 1,8 triệu, cho VTC chỉ được phát trên hệ HD với giá 300.000 USD.
Theo chúng tôi, việc có một số ý kiến cho rằng các kênh - đài truyền hình của Việt Nam (một số đài phần vốn của VTV chiếm trên 50%) là “gà nhà đá nhau” là cách nhìn nhận chưa thỏa đáng và toàn diện.
Chúng ta hiểu rằng, các kênh hoặc đài truyền hình hiện nay (trừ các đài truyền hình phát sóng mang tính chất phục vụ nhiệm vụ của Nhà nước) phần lớn hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường. Vì thế, dù có một số công ty nhà nước là cổ đông chi phối, thì các đài truyền hình vẫn phải tuân theo quy luật tất yếu của thị trường là kinh doanh để sinh lợi nhuận.
Giải bóng đá ngoại hạng Anh là một trong những giải đấu hấp dẫn và thu hút đông đảo người xem truyền hình. Trước đây, sở dĩ khán giả được xem miễn phí bởi các trận đấu của giải này được các thương hiệu lớn như Tiger Beer mua và tài trợ cho Đài truyền hình Việt Nam phát sóng, đổi lại Tiger Beer được quảng cáo sản phẩm của mình trên hệ thống của VTV3.
Nhưng hiện nay, khi các đài truyền hình buộc phải hoạt động theo cơ chế thị trường với tư cách là một doanh nghiệp, việc giành được quyền phát sóng giải bóng đá ngoại hạng Anh sẽ là một thành công lớn để phục vụ mục tiêu đầu tư, kinh doanh (thành công về uy tín, độ quảng bá, thành công về tài chính thu từ các hợp đồng quảng cáo, lợi nhuận từ bán thiết bị đầu phát, lợi nhuận từ thuê bao…).
Xét từ góc độ kinh doanh, các kênh - đài truyền hình tại Việt Nam cạnh tranh nhau trong cuộc đua giành phát sóng các trận đấu Giải bóng đá ngoại hạng Anh là điều tất yếu trong cuộc đua để tồn tại và phát triển, điều này không có gì bất hợp lý. Khi các doanh nghiệp cùng tham gia một cuộc đua, mà ở đó họ biết chính xác các tiêu chí mà mình tham gia như giá cả đến mức nào là chấp nhận được, đồng thời các yếu tố “phi tài chính” khác không thể tính được bằng tiền… mà họ có thể chấp nhận để đạt được, thể hiện họ có những toan tính để thành công trong lĩnh vực truyền hình.
Có ý kiến cho rằng tại sao các doanh nghiệp này không ngồi cùng với nhau để đàm phán mức giá mua từ phía đối tác nước ngoài để được rẻ hơn, mặc dù các doanh nghiệp tham gia phần lớn là những doanh nghiệp do nhà nước nắm cổ phần chi phối. Nhưng, cần thấy rằng ý kiến trên chỉ hợp lý khi lợi ích của tất cả các doanh nghiệp tham gia cuộc đua giành quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh là tương đối đồng nhất. Trong khi đó, sự khốc liệt của nền kinh tế thị trường thì lại không như vậy, các doanh nghiệp có lớn, có bé, có tiềm lực, không có tiềm lực, có thương hiệu, và không có thương hiệu… do đó chi phối tới các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn sẽ khác nhau, từ nội tại của từng doanh nghiệp tham gia cuộc đua giành quyền phát sóng sẽ khác nhau.
Một số ý kiến cho rằng, từ sự việc trên cần xem xét VSTV dưới góc độ Luật cạnh tranh vì lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường thu phí thuê bao cao hơn mặt bằng chung theo chúng tôi là không hợp lý.
Thứ nhất, chúng ta thử xem xét VSTV có chiếm quá thị phần truyền hình ở Việt Nam hay không, để theo Luật cạnh tranh thì VSTV được coi là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.
Thứ hai, việc VSTV có mức phí thuê bao và giá thiết bị cao có phải là hành vi vi phạm luật cạnh tranh hay không (hay là ngược lại).
Đối chiếu với luật cạnh tranh thực tại chúng tôi thấy rằng không có cơ sở để nói rằng VSTV có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh.
Hoạt động của các đài truyền hình tại Việt Nam hiện nay đang ngày một phát triển theo mô hình doanh nghiệp chứ không giống như các đơn vị sự nghiệp nhà nước như trước đây. Các doanh nghiệp này bắt buộc phải tự chủ về hoạt động kinh doanh và phải tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp, do đó quyền lợi của người dân đối với việc thụ hưởng các giá trị tinh thần từ các kênh - đài truyền hình mang lại cũng không giống như trước.
Tuy nhiên, để đảm bảo cho quyền được thụ hưởng các giá trị tinh thần của người dân được đảm bảo, chúng tôi hy vọng cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách mang tính định hướng để các doanh nghiệp truyền hình tham gia vào thị trường và cạnh tranh với nhau một cách lành mạnh và phát triển bền vững, để qua đó người xem truyền hình sẽ được hưởng lợi từ những chính sách này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.