Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bản quyền phần mềm: Khó xác định ranh giới vi phạm

Việt Nga| 08/06/2012 07:25

(HNM) - Theo số liệu của Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA), tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm (BQPM) máy tính năm 2011 tại Việt Nam còn 81%, giảm 2% trong hai năm liên tiếp, so với mức 83% năm 2010 và 85% năm 2009.


Kiểm tra vi phạm bản quyền phần mềm tại một doanh nghiệp.

Đại diện của BSA thừa nhận, tuy việc giảm tỷ lệ vi phạm BQPM tại Việt Nam xuống ngang bằng với tỷ lệ của khu vực (60%) hoặc thế giới (42%) là một khó khăn không nhỏ, nhưng với những gì mà Việt Nam đang thực hiện cho thấy đó là hướng đi đúng. Từ năm 2008, BSA đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chương trình hợp tác bảo vệ BQPM với nhiều chiến dịch tuyên truyền, hội thảo về quản lý tài sản phần mềm thu hút nhiều thành phần tham dự như DN bán lẻ sản phẩm công nghệ thông tin, các cơ sở giáo dục… góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức về sử dụng phần mềm có bản quyền từ khối các DN. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với cơ quan công an về phòng chống tội phạm công nghệ cao thường xuyên kiểm tra các DN… cũng đã góp phần không nhỏ vào giảm tỷ lệ vi phạm.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin một số cửa hàng, siêu thị máy tính của Topcare, Viettel… tại địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vi phạm về BQPM; một số DN kinh doanh máy tính và gần đây nhất trong tháng 5-2012 là tại trụ sở của Tập đoàn Mai Linh ở TP Hồ Chí Minh đã "xài chùa" phần mềm lậu… Tất nhiên, đoàn kiểm tra đều có các quyết định xử phạt, song từ việc kiểm tra này đã đặt ra không ít vấn đề. Đó là, lãnh đạo DN, cửa hàng này đều cho biết họ đã có quy định không cài đặt phần mềm trái phép cho khách hàng, song nhân viên vẫn tự ý hỗ trợ khách, vì không phải khách hàng nào cũng có đủ tiền và chịu bỏ tiền ra mua phần mềm! Có DN không chịu thừa nhận biên bản vì cho rằng còn nhiều nơi cũng vi phạm BQPM chứ không chỉ mỗi đơn vị mình. Điều đáng nói, nhiều DN có vốn điều lệ khá lớn và từ đó cho thấy DN hoàn toàn có khả năng mua BQPM nhưng họ vẫn cố tình "xài chùa". Từ những thông tin này cho thấy, việc kiểm tra, xử phạt DN vi phạm không đơn giản, vì phải xác định được ranh giới giữa vi phạm hành chính và mức độ vi phạm hình sự. Mà vấn đề này lại liên quan đến việc xây dựng chính sách pháp luật, trong khi các quy định về pháp luật sở hữu trí tuệ vẫn cần phải hoàn thiện.

Nói như vậy, không có nghĩa là việc xử lý các vi phạm về BQPM bị ảnh hưởng, trong tháng 4 vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao tại TP Hồ Chí Minh đã chấp nhận xử một vụ kiện vi phạm bản quyền ở Công ty Bán lẻ máy tính Sáng Tạo khi cài phần mềm lậu để bán máy tính xách tay. Được biết, vụ kiện này sẽ diễn ra trong vòng 4 tháng và hiện hai bên (Công ty Sáng tạo và DN phần mềm) nếu đàm phán không thành công, tòa án sẽ bắt đầu xét xử, khi đó rất có thể, Công ty Sáng tạo sẽ phải chịu nhiều thiệt hại… Hy vọng, với sự quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, nạn vi phạm BQPM sẽ từng bước được ngăn chặn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bản quyền phần mềm: Khó xác định ranh giới vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.