(HNM) - Hôm nay 23-4 là Ngày sách và Bản quyền thế giới - do UNESCO khởi xướng từ năm 1995. Đây là lúc có thể nhìn lại chặng đường 6 năm kể từ ngày chúng ta tham gia Công ước Bern (2004). Rõ ràng là, dù đã có tiến bộ đáng kể nhưng câu chuyện bản quyền trong làng sách Việt vẫn còn nhiều điều đáng nói...
Vi phạm bản quyền sẽ làm tổn hại tới uy tín của ngành xuất bản Việt Nam. Ảnh: Trung Kiên |
Nhà xuất bản “thờ ơ”, tư nhân sốt sắng
Đáng buồn cho các nhà xuất bản (NXB) là nhiều giao dịch bản quyền do đối tác tư nhân thực hiện. Trong thực tế, chỉ có vài “nhà” trong số 60 NXB cả nước là thường xuyên thực hiện các giao dịch bản quyền. Đi tiên phong trong vấn đề này là các NXB Trẻ, Kim Đồng, Văn hóa - Thông tin, Phụ nữ và Công an nhân dân… Rất nhiều đơn vị không có người phụ trách bản quyền chứ đừng nói là thành lập phòng bản quyền.
Vì sao NXB “thờ ơ” với việc này, trong khi quỹ bản thảo ngày càng ít, đặc biệt thiếu đề tài mới, chất lượng? Một cán bộ có thâm niên gần 20 năm ở một NXB chia sẻ: “Hằng năm, do vẫn được bao cấp nên NXB không phải quá lo mà lao ra thị trường; lãnh đạo NXB có người chưa nhận thức được chính xác vai trò của giao dịch bản quyền trong hoạt động xuất bản. Mặt khác, có mua được bản quyền thì cũng không biết phát hành kiểu gì. Có khi lại phải đi “chào” bản thảo cho đối tác tư nhân. NXB chỉ thu mỗi phí quản lý và phí giao dịch bản quyền”.
Giữa lúc đó, cuộc đua của làng sách tư nhân trong việc cạnh tranh những đầu sách “hot” trên thế giới đang nóng hơn bao giờ hết. Còn nhớ, khi bộ “Chạng vạng” của nhà văn Stephanie Meyer, do NXB Trẻ độc quyền phát hành ở Việt Nam đang tung hoành trên thị trường thì một nhà sách có tiếng tỏ ra vô cùng tiếc rẻ bởi đã chậm chân hơn. Trước đây vài năm, khi Nhà sách Phương Nam “một mình một ngựa” ở thị trường bản quyền sách văn học Trung Quốc với những tác giả nổi tiếng như Mạc Ngôn, Vệ Tuệ, Thiết Ngưng… thì nay, có cả chục công ty, nhà sách tham gia thị trường này, như Bách Việt, Alpha Books, Dân Trí, Nhã Nam…
Giờ đây, ngay cả đối với tác phẩm của tác giả nổi tiếng cỡ J.K.Rowling, Dan Brown, Tony Buzan... thì một số nhà sách ở Việt Nam cũng có thể mua, nhiều khi là “mua bằng được” dù phải trả giá cao. Cuốn “Hồi ký Hillary Clinton và chính trường nước Mỹ” (Living History) do NXB Simon & Schuster – NXB lớn và uy tín nhất ở Mỹ - và đích thân phu nhân cựu Tổng thống Hoa Kỳ Hillary Clinton giữ bản quyền, là một ví dụ. Công ty Trí Việt đã phải mất một năm thương thảo trực tiếp mới có được bản hợp đồng. Sự cạnh tranh nóng đến mức có “chuyên gia” giao dịch bản quyền phải ra lời cảnh báo “cho dù tác phẩm văn học của một tác giả Trung Quốc có xuất sắc cỡ mấy cũng không có giá trên 1.000 USD” để ngăn chặn tình trạng phá giá thị trường.
Sự trưởng thành đáng kể
Những ví dụ trên cho thấy sự trưởng thành đến không ngờ của làng sách Việt. Việc một đầu sách vừa in xong đã được tái bản ngay nay đã là chuyện thường. Thay vì nhất loạt in 1.000 bản như trước đây, giờ một đầu sách có số bản in từ 5.000 đến một vạn cũng là điều chẳng lạ. Đây rõ ràng là tín hiệu của sự minh bạch qua việc công khai số lượng bản in, thay vì loanh quanh “ỡm ờ” chỉ có 500 đến 1.000 bản/đầu sách và tìm cách nối bản.
Đối tác bản quyền ở nhiều nước giờ đã nhìn thị trường xuất bản Việt Nam với con mắt khác. Các nhà sách Việt Nam giờ đây không phải đi “xin” mà đàng hoàng đàm phán với đối tác bản quyền. Họ cũng không còn xấu hổ khi phải trả lời câu hỏi “Dân số nước bạn gần 90 triệu, sao một đầu sách lại chỉ được in với số lượng 1.000 bản?”. “Biểu tượng thất truyền” do Công ty cổ phần Xuất bản và Truyền thông IPM mua bản quyền đã được in với số lượng 5.000 bản ngay ở lần in thứ nhất; Bên nhau trọn đời của Bách Việt còn “khủng” hơn, những 15.000 bản... Nhiều nơi tự tin in và phát hành đồng loạt trong cùng một ngày trên phạm vi cả nước (Hồi ký Hilary Clinton, năm 2006), cùng lúc với tất cả các nước trên thế giới (Harry Potter and the deathly hallows - tập 7, Fahasa phát hành lúc 7h30 sáng 21-7-2007).
“Khoảng tối” bản quyền
Mừng thật đấy, nhưng thị trường bản quyền ở Việt Nam vẫn còn khoảng tối. Cách đây không lâu, dư luận xôn xao bởi một vụ vi phạm bản quyền mà các đối tác liên quan có cả nhà sách và NXB, cả đối tác trong và ngoài nước. NXB Đồng Nai cấp giấy phép cho Nhà sách Quỳnh Mai in hàng trăm đầu sách học ngoại ngữ đã được NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh mua bản quyền. Vụ việc ồn ào không chỉ vì số lượng sách lậu (38.000 cuốn) mà còn bởi liên quan tới 6 nhà xuất bản nước ngoài (Oxford, Cambridge, Pearson Education, Cengage Learning, McGraw Hill và Macmillan). Những sự vụ kiểu như vậy rõ ràng đã gây tổn hại tới uy tín của ngành xuất bản Việt Nam, cần phải được ngăn chặn.
Chuyện vi phạm bản quyền vẫn còn trong làng sách Việt. Bức xúc nhất là đối tượng vi phạm rất rộng: từ NXB (cấp giấy phép cho những bản thảo không có bản quyền hoặc dưới tựa đề biên dịch) đến nhà in (in không đúng số xin phép, in lậu), nhà sách (“luộc” sách của nhau), các cửa hàng sách ở Đinh Lễ, Nguyễn Xí đến “thiên đường sách lậu” Phạm Văn Đồng (vẫn nhận bán sách in lậu) và cả người tiêu dùng (mua sách lậu với giá rẻ)…
Làm cách nào để hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền hiện nay? Không lẽ vì khó quá mà không thể có lời giải?!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.