(HNM) - Bây giờ thì cơ sở kinh doanh của thương binh Nguyễn Văn Dũng ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã hoành tráng lắm rồi. Bữa gặp mặt làm lễ tri ân, cầu siêu và thả hoa cho những chiến sỹ hy sinh ở quần đảo Trường Sa, nhiều đồng đội của Dũng ngỡ ngàng hỏi:
Nghe bạn hỏi, Dũng chỉ cười hiền. Chẳng là khi mới từ viện về, Dũng đã chọn một nơi hoang vắng, cách xa trung tâm thành phố để mở quán. Ngày ngày anh xuống biển mò đá đem lên làm nhà. Có người thấy Dũng khật khưỡng bê từng viên đá, leo lên dốc, chốc chốc lại nghỉ vì đau, chạnh lòng thương, tụt xuống hỏi thăm. Còn kẻ ác mồm thì to nhỏ: Đạn găm vào lưng sao mà lại "chạy" lên đầu để khùng thế nhỉ, định làm dã tràng sao?...
Thương binh Nguyễn Văn Dũng đang hướng dẫn nhân viên cách nuôi tôm hùm. |
1. Dẫn tôi tìm nhà anh Dũng là ông Nguyễn An Trọng, cựu chiến binh, từng công tác ở Trường Sa từ năm 1978 đến năm 1980. Trong lúc đợi anh Dũng về, tôi tranh thủ “khai thác” được kha khá chuyện. Là y sỹ đảo Trường Sa Lớn, trong vòng ba năm, ông Trọng đã 7 lần mổ ruột thừa cho các chiến sỹ và là người đầu tiên mổ ruột thừa thành công ngoài đảo Trường Sa.
- Trước tôi cũng có người bên đảo Nam Yết mổ ruột thừa, nhưng không được, phải úp bát vào, tiêm kháng sinh, gọi tàu từ bờ ra đón - ông Trọng kể. Ca đầu tiên tôi mổ vào lúc 3 giờ chiều, trong hầm quân y tối quá, phải đem bệnh nhân (tên là Sơn, người Quảng Bình) ra đường băng để mổ. Các chiến sỹ lấy chăn để chắn cát, hồi đó Trường Sa không nhiều cây như bây giờ, gió cát dữ lắm. Những người khác soi đèn pin và phụ mổ. Trước khi tiến hành phẫu thuật, cũng phải gọi điện ra Hải Phòng để xin ý kiến có đồng ý cho mổ ngoài đảo hay không.
Ca mổ “đổi đời” của ông Trọng được thực hiện quãng tháng 4 năm 1980, khi đó một tàu của Hải quân Liên Xô đi ngang qua đảo thì phát tín hiệu có thương binh, xin ghé vào gần đảo để chữa trị. Lúc lên tàu, ông Trọng thấy bạn cũng có hai bác sỹ, bệnh nhân đau bụng dữ dội nhưng họ không chẩn đoán được là bệnh gì. Khám xong, biết là bệnh nhân bị thủng dạ dày, nhưng kẹt nỗi bất đồng ngôn ngữ, không làm sao nói cho bạn hiểu bệnh tình. Ông Trọng nhanh ý vẽ cái dạ dày và một lỗ thủng ra giấy, hai bác sỹ của bạn hiểu ngay, gọi điện về bên kia xin phép mổ. Ca mổ được thực hiện hoàn hảo, xong việc tàu còn ở lại đảo 3 ngày để theo dõi bệnh nhân, đến khi ổn định mới nhổ neo. Sau ca mổ đó chừng vài tháng, ông Trọng có điện từ đất liền gọi vào đi học ở Liên Xô. Cũng chỉ kịp qua nhà thăm vợ có một đêm và lại biền biệt mấy năm trời...
Đợi miết rồi thì Nguyễn Văn Dũng cũng về. Nhìn cái dáng nhỏ thó, lật khật bước xuống dốc, ông Trọng xót xa: “Rõ khổ, thương binh như hắn nhẽ ra được nghỉ ngơi, đằng này cứ lăn vào làm kinh tế!”.
Dũng kéo chúng tôi ra sàn bê tông nằm sát mép sóng ngồi nói chuyện.
- Mấy trăm mét vuông sàn bê tông lấn biển này do tôi tự thiết kế, chỉ đạo thi công. Là cũng học cách công binh Hải quân đổ cọc, xây nhà giàn trên đảo chìm - Dũng hào hứng kể.
- Anh bị thương năm nào?
- Mình ra đảo hai đợt. Lần đầu là tháng 12 năm 1987, ra giữ đảo Châu Viên, sau quay về Vũng Tàu. Lần hai đi tiếp, ra giữ các đảo Sinh Tồn, Nam Yết, Chữ Thập, Đá Đông. Hôm đó mình cùng đồng đội chiến đấu giữ một đảo chìm. Tổ 3 người, một người có nhiệm vụ giữ cờ, một làm thông tin và người còn lại cảnh giới. Địch đông hơn, cho xuồng chở hơn hai chục lính, ào lên áp đảo, tìm mọi cách lấn tới, nhưng bên ta quyết giữ đến cùng, một li cũng không rời. Từ sáng đến chiều, dùng mọi thủ đoạn mà không chiếm được đảo, địch hậm hực rút ra tàu, nã pháo vào. Dũng chỉ còn nhớ, ngay từ loạt đầu anh đã bị hất tung lên trời và ngất đi, khi tỉnh lại đã thấy mình nằm ở bệnh viện trong đất liền. Sau này, đồng đội kể, tiểu đội của anh hôm đó hy sinh hết, chỉ còn anh sống sót. Cũng là do may mắn, chỗ các anh đứng gần một vực nước rất sâu, dưới đó có nhiều cá mập. Ngày ấy các chiến sỹ Hải quân bảo vệ quần đảo Trường Sa được phát mỗi người hai gói thuốc chống cá mập, luôn phải mang theo. Anh Dũng cũng có hai gói, nhưng do hết mực viết thư cho gia đình, anh đã bóc một gói ra làm mực, chính cái gói dở đó đã tan tức thì khi anh bị rơi xuống nước, thuốc loang ra, khiến bầy cá mập không dám đến gần.
- Lẽ ra bây giờ mình đã tan thành sóng nước rồi - Giọng anh Dũng nghẹn lại, mắt ngấn nước. Trước khi bị thương, có một tàu ra giữ đảo, chuyến đó mình không đi được vì bị viêm họng, lính thông tin mà nói khọt khẹt ai nghe được. Anh Phan Tấn Dư, quê Phú Yên đi thay, ba ngày sau thì nghe tin dữ, anh Dư hy sinh. 5 năm trời từ khi được vào bờ, lặn lội tìm hỏi nhà anh Dư, mãi mới biết địa chỉ. Hôm đến nhà, má anh Dư 85 tuổi, tóc bạc trắng cứ ôm riết mình xoa đầu mà khóc lặng đi. Má bị lẫn, tưởng mình là anh Dư khiến mình cũng khóc, cứ như hồi con nít. Từ bữa đó, mình có thêm một người mẹ nữa.
2. Sau 9 tháng nằm viện, lúc cầm bệnh án từ Viện 103 về, Nguyễn Văn Dũng vô cùng tuyệt vọng. Các bác sỹ thấy anh buồn rười rượi, thương lắm, nhưng cũng chỉ biết đùa động viên: “Cậu về kiếm một em nghề chài lưới, khỏe và vâm như cá mập làm chỗ dựa. Nhưng nhớ, cái lưng như thế, đừng ham “quăng chài, vãi lưới” nhiều, tập đi cho vững đã”... Mà đúng là chẳng làm ăn gì được thật, với viên đạn găm vào vùng xương chậu, Dũng đi lại rất khó khăn. Những ngày đầu ở nhà, anh vùi đầu vào rượu để trốn những cơn đau và sự mặc cảm về bệnh tật. Sau nằm bê bết mãi cũng chán, anh nghĩ mình còn trẻ, phải làm gì đó cho bản thân và gia đình, không thể cậy là thương binh ỷ lại mãi được. Nhưng làm gì đây khi chỉ có hai bàn tay trắng? Cũng đã nhiều lần Dũng tìm đến các cơ quan của tỉnh để xin việc, nhưng nơi nào cũng từ chối khéo, lý do là anh cần nghỉ ngơi và xứng đáng được hưởng sự ưu đãi của xã hội. Bây giờ tĩnh tâm lại, Dũng ngẫm thấy ngày ấy mình cũng “khùng” thật, nơi nào mà dám nhận một anh thương binh 2/4 trình độ mới hết trung học, đi không vững?
Không được vào cơ quan thì chẳng còn con đường nào khác là phải tự bươn chải ngoài đời, nhưng muốn lập nghiệp trong thời kinh tế thị trường, ngoài vốn ra phải có sức khỏe và kiến thức. Vốn thì có thể vay bạn bè, đồng đội, người thân, nhưng sức khỏe, kiến thức thì phải tự trang bị. Không có tiền thuê mặt bằng mở quán, Dũng tìm một khu đất ven biển, cách xa trung tâm thành phố Nha Trang gần chục cây số, nơi ít người để dựng quán.
Sợ bạn bè, người nhà biết sẽ xúm vào giúp, anh nói dối là đi thăm đồng đội ở xa để tự mình luyện sức khỏe. Lúc đầu anh tập bê những viên đá nhỏ từ dưới biển lên. Bấm từng ngón chân đến tứa máu, người đu đưa như gặp bão, thường ngày Dũng đi lại đã khó khăn, nay phải ôm theo đá leo dốc nên dù bụng bảo dạ phải cẩn thận nhưng không ít lần anh vẫn bị ngã. Nhớ lời bác sỹ dặn “Ngã nhớ lao đầu về phía trước. Xương cốt như thế, để ngã ngửa về sau thì... hết thuốc chữa, chỉ nằm một chỗ”, mỗi lần trượt chân, vấp ngã, Dũng cố lao về trước. Mất chân trụ, tay bê đá không kịp chống, mặt cứ thế “hồn nhiên” đập xuống đất. Lại chảy máu, đau đến ứa nước mắt. Lau máu ở chân, ở mặt, nghỉ lấy sức, Dũng cắn răng, leo tiếp. Vì chỗ làm quán gần đường, có người qua lại, thấy một trung niên nhỏ thó, ngày ngày bất chấp nắng mưa, lầm lũi ôm đá từ dưới biển trèo lên, mặt mũi bầm dập, lưng đẫm mồ hôi, máu khô loang thành vệt trên áo, hỏi làm chi kỳ vậy? thấy Dũng không trả lời, họ kết luận “khùng” và bỏ đi.
Tập chừng bốn tháng, đi đã vững và có được một cái quán xinh xinh lợp lá cọ trên nền đá nhìn ra biển thì Dũng bị bạn bè, đồng đội “phát hiện” ra. Cảm phục ý chí của anh, mọi người giúp anh vốn xây hẳn một nhà hàng khang trang. Có nhà hàng, sức khỏe tốt hơn trước nhiều rồi, việc quan trọng bây giờ là lo quản lý cho tốt. Để có kiến thức về vi tính, Dũng xin làm thợ phụ tại nhà một người bạn bán hàng điện tử, vừa học, vừa làm, sau 9 tháng anh thi được bằng trung cấp tin học. Tiếp đó anh tìm thầy để củng cố kiến thức, ôn thi vào lớp quản trị kinh doanh, khoa tại chức của một trường đại học kinh tế và sau gần 3 năm anh có thêm tấm bằng đại học.
- Nhà hàng của anh xa trung tâm thành phố, sao vẫn đông khách thế?
- Làm gì cũng phải có tâm - Dũng trả lời. Ban đầu mở hàng, nể mình là thương binh, bạn bè, đồng đội đến ủng hộ rất đông, nhưng thời buổi khó khăn chẳng ai có thể dang tay giúp mãi được. Khi sáng hẹn bạn nhưng đến muộn là do mình phải tự đi chợ chọn đồ, bây giờ cơ sở của mình đã có hơn chục em giúp việc, tất cả đều là con, cháu đồng đội và trẻ khuyết tật, nhưng kinh nghiệm còn non, để giữ khách mình thực hiện phương châm hàng thật, tình cảm thật và lợi nhuận thấp. Nhẹ khau mau tát, lấy công làm lãi, thế nên nhà hàng luôn được khách nhớ đến.
Khi tôi hỏi anh Dũng về doanh thu, ông Trọng đỡ lời: Vì nhà hàng mới mở nên được có vài tỷ đồng một năm, trả lương của nhân viên gần 3 triệu đồng/tháng, nhưng với Hội cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa, anh Dũng là tấm gương sáng về ý chí vượt khó. Rồi ông Trọng chỉ cho tôi dãy bằng khen treo kín một góc tường. Tôi thấy trong đó có Bằng khen của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng CCB Nguyễn Văn Dũng có thành tích xuất sắc trong xóa đói giảm nghèo 5 năm (2007 - 2011); Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen CCB, doanh nhân xuất sắc trên mặt trận kinh tế thời kỳ đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Anh Dũng khoe với tôi, sau hơn 10 năm họp mặt, tự kết nối, năm nay Tỉnh hội CCB Khánh Hòa đã có quyết định công nhận ngày 24-2 hằng năm là Ngày truyền thống bộ đội Trường Sa khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Hôm gặp mặt làm lễ tưởng niệm đồng đội đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, khi những vòng hoa tươi thả xuống dập dờn trôi trên sóng bỗng từng đàn cá mối vụt bay lên trắng xóa. Rồi mưa xuống, mỗi lúc một to nhưng 150 cán bộ, chiến sỹ và thân nhân gia đình liệt sỹ cùng nhạc sỹ Huỳnh Phước Long, ca sỹ Anh Đào vẫn nắm chặt tay nhau hát dưới mưa ca khúc Gần lắm Trường Sa. “Sóng vỗ ngàn trùng quanh đảo trúc san hô/Trường sa ơi bên đảo quê hương/Vẫn đứng hiên ngang giữa sóng cồn bão dạt/Đảo quê hương canh giữ đêm ngày giữa biển khơi/Thương nhớ sao vơi người chiến sỹ Trường Sa ơi/Không xa đâu Trường Sa ơi/Không xa đâu Trường Sa ơi”...
Những ca từ vang lên át tiếng sóng biển. Nước mắt hòa lẫn nước mưa. Ai cũng thầm nguyện phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội và dù có khó khăn đến đâu cũng không được gục ngã, phải giữ vững bản lĩnh người lính Trường Sa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.