(HNM) - Thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm, Hội Cựu chiến binh (CCB) và Ban Chỉ huy quân sự xã Trung Tú (Ứng Hòa) đã huy động các CCB, bộ đội xuất ngũ và dân quân "ra đồng dựng làng lính" và nhận được sự đồng tình hưởng ứng cao.
Gần 10 năm sau, những người lính Cụ Hồ năm xưa đã biến cánh đồng chiêm trũng thành những trang trại trù phú.
CCB xã Trung Tú làm giàu từ mô hình trang trại. |
Theo chân Chủ tịch Hội CCB xã Trung Tú Trần Ngọc Ngô ra thăm trang trại đầu tiên tham gia phong trào này của xã mới thấy hết sự quyết tâm của những người lính Cụ Hồ. Vùng đất chiêm trũng rộng 4 mẫu năm nào đầy cỏ năn, cỏ lác giờ đã được CCB Chu Văn Cốc cải tạo thành trang trại lúa - cá - vịt và tận dụng đất trống để trồng các loại cây ăn quả cho tổng thu nhập trung bình trên 50 triệu đồng/ha/năm. CCB Chu Văn Cốc chia sẻ: "Ngày đầu nghe tin xã chủ trương dồn điền đổi thửa để xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm gia đình tôi rất mừng vì đây là cơ hội tốt để chúng tôi duy trì nghề nuôi vịt. Là hộ tiên phong ra đồng lập nghiệp, tôi biết rằng để cải tạo vùng đất lầy lội thành khu trang trại không phải đơn giản và trong một sớm một chiều. Khó khăn mà tôi cũng như nhiều gia đình khác gặp phải lúc đầu là thiếu vốn và kinh nghiệm làm kinh tế trang trại. Rất may, chúng tôi đã được xã mời các chuyên gia đến mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và đứng ra bảo lãnh cho vay vốn ngân hàng…".
Cứ thế, năm 2004, "làng lính đa canh" đầu tiên đã ra đời với sự tham gia của 35 hộ gia đình CCB, bộ đội xuất ngũ và dân quân trên cánh đồng của thôn Thanh Hội với diện tích hơn 30 ha. Hiện nay, mô hình "làng lính đa canh" đã phát triển nhân rộng cả 8/8 thôn trong xã. Hầu hết các hộ tham gia vào "làng lính đa canh" đều có thu nhập khá giả, bình quân mỗi năm thu lãi khoảng 150 triệu đồng, nhiều gia đình đã trả hết nợ ngân hàng.
Hiện tại, toàn xã Trung Tú có 43 hộ CCB, cựu quân nhân tham gia làm kinh tế trang trại. Để giúp các hộ có thêm kinh nghiệm, nhất là cựu quân nhân còn trẻ tuổi mới tham gia vào làm trang trại, xã đã thành lập "Câu lạc bộ CCB, cựu quân nhân làm kinh tế đa canh". Qua đây, nhiều gia đình đã vận dụng kiến thức học hỏi được vào làm ăn và tìm được đầu ra cho sản phẩm. Từ mô hình "làng lính đa canh" đã khẳng định một hướng phát triển kinh tế bền vững của địa phương.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Trung Tú Nguyễn Hải Truyền, với kết quả có được, xã đang xây dựng dự án nuôi trồng thủy sản và tách khu chăn nuôi trong làng ra ngoài cánh đồng với tổng diện tích 114,39ha. Khi dự án hoàn thành, bên cạnh những ao cá, ruộng lúa, vườn cây, Trung Tú còn có cả những đầm tôm, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại và chuyên nghiệp hơn.
Rời Trung Tú, chúng tôi cảm nhận được một sức sống mới đang ngày càng hiện hữu trong cuộc sống của người dân nơi đây. Bộ mặt nông thôn mới đang đổi thay từng ngày bắt đầu từ bản lĩnh của những người lính năm xưa và LLVT xã hôm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.