(HNM) - Với tinh thần chủ động, không né tránh, ngại khó, nhiệm kỳ 2011 - 2016, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Hà Nội đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, thẩm tra nghị quyết, tờ trình, đề án và giám sát sâu, hiệu quả việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Phát huy tốt vai trò tham mưu, thẩm tra
Việc thẩm tra các báo cáo, nghị quyết, tờ trình, đề án được thực hiện theo luật định, song nếu không có sự chủ động tích cực, phối hợp đồng bộ, bám sát cơ quan chuẩn bị nội dung từ đầu thì nội dung thẩm định sẽ không sát thực tiễn, đề xuất biện pháp không có tính cơ bản, lâu dài, khả thi cao. Do vậy, để công tác thẩm tra đạt chất lượng, Ban KTNS đã phân công từng thành viên phối hợp chặt chẽ với UBND và các cơ quan chuyên môn của UBND ngay từ khi xây dựng dự thảo đề án, tờ trình, báo cáo thuộc lĩnh vực được giao trình tại các kỳ họp. Ngoài phân công thành viên nghiên cứu sâu những đề án khó, Ban KTNS còn tổ chức hội thảo, xin ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia đối với những đề án lớn, phức tạp. Chính vì thế, hoạt động thẩm tra của Ban luôn được đánh giá có sự chuẩn bị chu đáo, đưa ra ý kiến khách quan, rõ quan điểm, định hướng tốt cho các đại biểu HĐND thành phố thảo luận, quyết định các vấn đề trong lĩnh vực KTNS.
Quản lý và sử dụng nhà chung cư tái định cư, một trong những lĩnh vực được Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội giám sát chặt chẽ. Ảnh: Bá Hoạt |
Phó Trưởng ban KTNS HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho biết, để có sự phối hợp tốt trong công tác thẩm tra, Ban KTNS đã quán triệt sâu sắc Đề án 04 của Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2011 - 2016", ký kết quy chế phối hợp với 4 cơ quan của thành phố gồm: Kho bạc Nhà nước, Sở KH-ĐT, Sở Tài chính, Cục Thuế Hà Nội; đồng thời thực hiện quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND thành phố với Kiểm toán Nhà nước khu vực 1 trong hoạt động kiểm toán, làm căn cứ quan trọng cho hoạt động thẩm tra, giám sát của Thường trực HĐND thành phố và Ban KTNS. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban KTNS thành phố đã làm tốt nhiệm vụ chủ trì thẩm tra 63 tờ trình, báo cáo, đề án và dự thảo nghị quyết do UBND thành phố trình HĐND thành phố; tham mưu với HĐND thành phố ban hành 54 nghị quyết và thẩm tra kỹ các nghị quyết theo phân công của Thường trực HĐND thành phố. Trong đó có nhiều báo cáo, đề án lớn, nội dung phức tạp như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội; quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; quy hoạch ngành; cơ chế, chính sách triển khai Luật Thủ đô; cơ chế, chính sách lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…
Bám vấn đề, giám sát đến cùng
Thực hiện tốt chức năng giám sát, tái giám sát các vấn đề nóng, bức xúc trong cuộc sống là hoạt động nổi trội của Ban KTNS HĐND thành phố. Ngoài giám sát tại các kỳ họp, Ban KTNS còn giám sát trực tiếp tại cơ sở. Theo ghi nhận thực tế, nội dung các cuộc giám sát của Ban khá toàn diện và có chiều sâu như: Tình hình triển khai, giao kế hoạch và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm; tình hình quản lý và sử dụng nhà chung cư tái định cư, nhà ở xã hội; việc thực hiện đặt hàng dịch vụ đô thị; công tác xây dựng dự toán, phân bổ ngân sách; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; công tác thu hồi các khoản nợ đọng ngân sách; công tác quyết toán các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý sử dụng đất đai, tài sản công…
Mới đây tại buổi tổng kết hoạt động nhiệm kỳ của Ban KTNS, nhiều thành viên trong Ban đều đánh giá, hoạt động giám sát của Ban ngày một đổi mới theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, kết hợp cả giám sát tổng thể với giám sát chuyên đề, giám sát điểm; đồng thời kết hợp nghe báo cáo, kiểm tra hiện trường. Nhiều đợt giám sát, cùng một nội dung, nhưng Ban giám sát nhiều địa bàn, làm việc với nhiều cơ quan, đối tượng khác nhau để có thông tin nhiều chiều. Đặc biệt, nhiều vấn đề bức xúc, cử tri kiến nghị nhiều lần được ban tổng hợp, xây dựng kế hoạch tái giám sát, khảo sát, sau đó kiến nghị các cấp, các ngành vào cuộc giải quyết. Tiêu biểu như giám sát về quản lý nhà nước về nhà tái định cư, nhà ở xã hội; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình; tình hình sử dụng đất của các tổ chức được nhà nước giao đất… Nhiều kiến nghị sau giám sát của Ban được Thường trực Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo tập trung giải quyết như công tác quản lý, thực hiện đặt hàng dịch vụ đô thị, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình…
Theo Phó Trưởng ban KTNS HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai, lĩnh vực KTNS rộng, phạm vi giám sát lớn, nên dù có cố gắng song có thời điểm hoạt động giám sát vẫn chưa toàn diện, tái giám sát chưa nhiều. Đây là hạn chế mà trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban KTNS sẽ khắc phục bằng việc phát huy kinh nghiệm, thường xuyên nắm bắt yêu cầu thực tiễn, chủ động đề xuất các nội dung giám sát với Thường trực HĐND thành phố. Trong đó chú trọng bám, giám sát các vấn đề nóng, bức xúc ở cơ sở, địa phương; qua đó nghiên cứu, đề xuất những biện pháp cơ bản, lâu dài, có tính khả thi cao trong lĩnh vực được giao. Bà Phạm Thị Thanh Mai cũng cho rằng, nhiệm kỳ tới cần tăng đại biểu chuyên trách, có trình độ chuyên môn sâu. Đây là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động các ban và HĐND TP Hà Nội.
Nhiệm kỳ 2011 - 2016, qua giám sát, Ban KTNS HĐND TP Hà Nội đã kiến nghị với UBND thành phố và các cơ quan chức năng 190 vấn đề trong lĩnh vực KTNS. UBND TP Hà Nội đã giải quyết 94 vấn đề, còn lại các nội dung đang tiếp tục được các cơ quan, đơn vị xử lý. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.