Theo dõi Báo Hànộimới trên

Băn khoăn với yêu cầu phải có đơn đề nghị thi hành án

Vân An| 03/11/2014 11:24

(HNMO) – Sáng 3/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự.


Trước khi đi vào thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự.

Góp ý trực tiếp tại hội trường, các đại biểu cơ bản tán thành với phạm vi sửa đổi của dự thảo luật nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn.

Với quy định người thi hành án phải có đơn yêu cầu mới thi hành án, các đại biểu Phạm Đức Châu – Quảng Trị, Tô Văn Tám – Kon Tum cho rằng, quy định này khiến pháp luật không được chấp hành đầy đủ, chưa phù hợp với hiến pháp và chưa thực sự chủ động bảo vệ quyền lợi của dân, tăng tình trạng tồn đọng án.

“Tôi cho rằng cơ quan thi hành án cần chủ động ra quyết định thi hành án trong tất cả các trường hợp, trừ phi vụ án đã hết thời hiệu”, đại biểu Tám nói.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Sơn – Hà Nội, Dương Ngọc Ngưu – Điện Biên lại cho rằng, việc đương sự có đơn yêu cầu thi hành án sẽ giúp tòa án theo dõi và chủ động xem xét được trong quá trình thi hành án, đảm bảo việc thi hành án được sớm hơn, đảm bảo quyền tư pháp, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Đại biểu Sơn cũng đề nghị nên giao tòa án thống nhất ra quyết định thi hành án với cả án hình sự và dân sự.

Một buổi thi hành án


Về vấn đề án phí, đại biểu Phạm Xuân Thường – Thái Bình cho rằng, việc quy định án phí hình sự là bất hợp lý, không phù hợp, bởi khoản tiền án phí thu 50.000 đồng quá nhỏ, không đủ trang trải cho các chi phí điều tra, xét xử… Hơn nữa, chính khoản thu án phí này lại góp phần làm phình bộ máy hành chính, gây tồn đọng án. Chưa kể đa phần công thức chung để thi hành những vụ án loại này là cơ quan thi hành án cứ phải ra quyết định thi hành án theo đúng quy định cho đến khi nào vụ án hết điều kiện thi hành án thì đóng hồ sơ. Trên thực tế, vì mức án phí thấp, khó thu hồi, cưỡng chế thi hành án không đáng, có trường hợp cán bộ thi hành án đã bỏ tiền túi để hoàn thành chỉ tiêu.

“Tôi cho rằng, nếu chúng ta bỏ án phí hình sự thì sẽ giảm ngay tức khắc 20% số cán bộ thi hành án trong năm nay”, đại biểu Thường nói.

Đại biểu phân tích, năm 2014, toàn ngành Tòa án nhân dân đã xét xử 148.519 bị cáo phạm tội hình sự, với tổng mức án phí phải thu là gần 8 tỷ đồng. Theo đó, cơ quan thi hành án cũng phải thụ lý từng đó vụ việc thi hành án. Nếu tính mỗi cán bộ thi hành án phải đảm đương 78 việc thì sẽ cần gần 2.000 cán bộ để xử lý số vụ việc trên.

“Nếu để bỏ 8 tỷ đồng trên giấy, chủ yếu không thu được, để giảm tối đa gần 2.000 biên chế như vậy thì chúng ta có nên làm ko?”, đại biểu Thường đặt vấn đề.

Tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội cho dự án Luật, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, nguyên tắc vấn đề dân sự cốt ở hai bên xuyên suốt trong luật dân sự của Việt Nam, Nhà nước chỉ can thiệp khi các bên không tự giải quyết được.

Theo Bộ trưởng, Hiến pháp mới đã xác định rõ 3 quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp rất cụ thể, theo đó, việc quy định tòa án ra quyết định đưa bản án có hiệu lực là rất phù hợp, tăng cường trách nhiệm của tòa án với chính bản án của mình.

Về giao lại việc thi hành án dân sự cho tòa án, Bộ trưởng nói rằng, đây là vấn đề lớn. HIến pháp đã quy định tòa án là cơ quan xét xử, do đó, những việc không liên quan đến xét xử mà giao tòa án thì cần cân nhắc kỹ. Hầu hết các nước không giao tòa án thi hành, mà tòa án chỉ ra lệnh, còn lại việc thi hành án được giao cho Chính phủ, Nhà nước hoặc xã hội thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Băn khoăn với yêu cầu phải có đơn đề nghị thi hành án

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.