(HNMO) - Chiều 15-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Trình bày tờ trình dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật lần này có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh. Dự thảo Luật quy định về giao thông đường bộ gồm: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông, quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
Các quy định về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe không được quy định tại dự thảo Luật.
Dự thảo Luật bổ sung quy định thu phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện sử dụng đường bộ cao tốc, đường vành đai đô thị được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, cầu, hầm có quy mô lớn với mục tiêu tạo nguồn tài chính cho đầu tư, quản lý, bảo trì và khai thác đường bộ do Nhà nước đầu tư; bổ sung các quy định về cơ chế đầu tư xây dựng, kinh doanh đường cao tốc để phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, dự thảo Luật không còn quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải; các quy định về đăng ký, cấp, thu hồi biển số phương tiện giao thông đường bộ; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.
Cho ý kiến về dự thảo Luật, hầu hết các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều băn khoăn với việc tách các quy định pháp luật về giao thông đường bộ ra thành hai luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, trong hệ thống luật pháp hiện nay có trường hợp một lĩnh vực có hai cơ quan quản lý khác nhau. Tuy nhiên, việc tách lĩnh vực ra thành hai hướng quản lý khác nhau thì sẽ khó bảo đảm tính thống nhất.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, các quy định về giao thông đường bộ hiện nay như một “chiếc áo quá chật”, có quy định nhưng chưa đủ, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và với sự tăng trưởng của giao thông đường bộ hiện nay. Tuy nhiên, dự thảo Luật Giao thông đường bộ còn nhiều nội dung trùng lắp, chồng lấn, chưa thoát với dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, khiến cho công tác lập pháp gặp nhiều rắc rối. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lưu ý, tất cả những quy định trong dự thảo Luật đều gắn với "an toàn giao thông" nên cần xem xét rất kỹ việc tách thành hai luật khác nhau.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu quan điểm, việc tách phạm vi điều chỉnh về giao thông đường bộ có thể khiến các lĩnh vực khác như đường không, đường sắt, đường thủy sau này sẽ phải tách ra thành luật riêng. “Quan điểm của tôi là không nên tách thành hai luật”, bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, các cơ quan của Chính phủ cũng đã có rất nhiều cuộc thảo luận và thống nhất về việc tách thành hai luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh dẫn số liệu về việc hơn 90% số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường bộ, do đó, cần tách ra để bảo đảm quản lý về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Còn đối với các lĩnh vực giao thông khác, vấn đề có tách ra hay không thì cần dựa trên thực tiễn, quá trình tổng kết, đánh giá.
Nêu ý kiến ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga không đồng tình với quan điểm này. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, trong lĩnh vực hàng không hay đường sắt nếu xảy ra tai nạn cũng vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng tới rất nhiều người. Do đó, nêu lý do xảy ra nhiều tai nạn giao thông đường bộ nên phải tách thành luật riêng là chưa thuyết phục.
Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu ý kiến về việc xây dựng một chương riêng về đường cao tốc; làm rõ quy định quản lý các tiêu chuẩn an toàn cho xe khách, xe taxi và công tác đăng kiểm phương tiện…
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc rất kỹ việc tách thành hai luật để bảo đảm tính thống nhất, khả thi trong hệ thống pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục góp ý về vấn đề này sau khi cho ý kiến vào dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.