Theo dõi Báo Hànộimới trên

Băn khoăn việc bỏ giấy phép với quảng cáo trên băng rôn

Vân An| 14/11/2011 15:09

(HNMO) – Ngày 14/11, thảo luận ở hội trường về dự án Luật quảng cáo, các đại biểu còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc giao cơ quan nào quản lý nhà nước trong lĩnh vực này và việc bỏ cấp giấy phép cho các quảng cáo trên băng rôn, bảng quảng cáo.


Góp ý cho dự án luật, các đại biểu cơ bản nhất trí với tên gọi, kết cấu, phạm vi, điều chỉnh của dự án luật, đồng thời đề xuất nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện các nội dung quy định về cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo; về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; các loại hình quảng cáo; việc phát huy vai trò các hiệp hội quảng cáo, vai trò của chính quyền địa phương trong hoạt động quảng cáo cũng như quy định về các nội dung cấm trong hoạt động quảng cáo…

Chưa thống nhất về cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo

Góp ý cho quy định về cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo, đại biểu Nguyễn Bắc Việt - Ninh Thuận đề nghị cần cân nhắc tính khả thi của quy định này trong dự án luật. Với khoảng 80% thị phần quảng cáo hiện nay được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng thuộc trách nhiệm quản lý của ngành thông tin và truyền thông, còn ngành văn hóa, thể thao và du lịch chỉ trực tiếp quản lý quảng cáo ngoài trời gồm quảng cáo trên bảng, biển, pano, băng rôn, trong khi dự thảo luật lại đề xuất bỏ thủ tục cấp phép đối với việc quảng cáo trên bảng quảng cáo và băng rôn, thì việc giao ngành thông tin và truyền thông quản lý nhà nước về lĩnh vực này, theo đại biểu Việt là sát hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành và yêu cầu quản lý thống nhất hoạt động quảng cáo.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt - Vĩnh Phúc cũng ủng hộ phương án trên bởi theo đại biểu phân tích, số liệu thống kê của Hiệp hội quảng cáo Việt Nam cho thấy, quảng cáo ngoài trời chiếm khoảng 10% doanh số quảng cáo, còn hiện 80% thị phần quảng cáo được thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử… trong khi những đơn vị này đều do ngành thông tin và truyền thông quản lý. Thêm vào đó, trong bối cảnh hoạt động quảng cáo nước ta phát triển mạnh mẽ, nhiều hoạt động quảng cáo xuất hiện, đặc biệt là quảng cáo trên internet và các phương tiện điện tử, và cũng do ngành thông tin quản lý.

Tán thành hướng này, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang - TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, để Bộ văn hóa - thể thao và du lịch có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo là không hợp lý.

“Tôi cho rằng Bộ thông tin và truyền thông cần phải quản lý thông tin quảng cáo cho thống nhất với nội dung tuyên truyền nhằm đảm bảo tính định hướng đúng đắn của các phương tiện truyền thông. Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch hoàn toàn có thể phối hợp với Bộ thông tin và truyền thông để quản lý về yếu tố văn hóa, thẩm mỹ trong quảng cáo cho phù hợp với định hướng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đại biểu Trang nói.

Quan điểm của các đại biểu trên cũng nhận được sự đồng tình từ nhiều đại biểu khác, trong đó có đại biểu Trần Văn Tấn - Tiền Giang. Theo đại biểu Tấn, với cách phân định chức năng quản lý nhà nước như hiện nay, việc giao Bộ văn hóa, thể thao và du lịch thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo sẽ tạo ra sự không đồng bộ giữa xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo.

“Tôi đề nghị cần thống nhất lại một đầu mối quản lý nhà nước về quảng cáo, bảo đảm sự đồng bộ giữa công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện. Bộ thông tin và truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quảng cáo. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ thông tin và truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo”, đại biểu Tấn đề xuất.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết - Bà Rịa - Vũng Tàu lại tán thành cao với quy định giao "Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo, Bộ văn hóa, thể thao và du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về quảng cáo”.

Theo đại biểu Tuyết, mục đích chính của công tác quản lý hoạt động quảng cáo là hoạt động nội dung về sản phẩm quảng cáo, mỗi sản phẩm quảng cáo ngoài việc bảo đảm thông tin chính xác còn phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thẩm mỹ, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục của nước ta.

“Tôi được biết Chính phủ cũng đã bàn kỹ vấn đề này và bỏ phiếu về việc giao cho cơ quan nào quản lý Nhà nước trình Quốc hội, tôi ủng hộ phương án đó”, đại biểu Tuyết nói.


Nhiều băng rôn quảng cáo gây mất mĩ quan, nhếch nhác cho đường phố - Ảnh: Văn hóa


Băn khoăn việc bỏ giấy phép với quảng cáo trên băng rôn, biển quảng cáo

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân - Bà Rịa - Vũng Tàu rất băn khoăn với quy định bỏ việc cấp giấy phép với quảng cáo ngoài trời bằng băng rôn,  biển quảng cáo, thay bằng thông báo. Theo đại biểu Ngân, mặc dù quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên các bảng quảng cáo và băng rôn chỉ chiếm 20%, nhưng hiệu quả, ảnh hưởng của nó rất quan trọng, bởi nó là tác động trực tiếp vào đối tượng tuyên truyền, tác động trực quan cho nên nó có ảnh hưởng rất lớn.

“Tuy rằng vấn đề bỏ cấp phép là một bước tiến của cải cách thủ tục hành chính, nhưng cần phải cân nhắc vì hiện nay vấn đề quảng cáo bằng băng rôn ở các đô thị lớn rất phức tạp, thường nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Cho nên, cần có sự quản lý chặt chẽ để ràng buộc cụ thể về địa điểm, số lượng, thời gian được phép treo và trách nhiệm phải tháo gỡ khi hết hạn… Trong khi chúng ta chưa có đủ điều kiện để quản lý cho tốt những mặt còn kém thì nên giữ cấp phép”, đại biểu Ngân nói.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà - TP Hà Nội cũng đề nghị cần cân nhắc kỹ điều kiện thực tế hiện nay khi đưa ra quy định này.

Theo đại biểu Hà, kinh nghiệm quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời và quảng cáo tấm lớn ở thành phố Hà Nội cho thấy, ngành văn hóa thể thao và du lịch phải duy trì cấp phép loại hình quảng cáo này mới hạn chế được vi phạm, những sự nhếch nhác, sự lộn xộn để đảm bảo ổn định trật tự cảnh quang chung của thành phố Hà Nội.

“Quảng cáo ngoài trời, quảng cáo tấm lớn có tác động ngay và tác động trực tiếp đến cảnh quan đô thị cũng như đến nhận thức của số đông người dân. Loại hình quảng cáo này liên quan trực tiếp đến độ an toàn và kết cấu xây dựng công trình nên rất cần có sự thẩm định kỹ càng và rà soát xem xét đối chiếu với vị trí, với quy hoạch quảng cáo để có quyết định chính xác. Nếu công trình quảng cáo mà được xây dựng rồi hoặc chăng cheo lên rồi mới phát hiện vi phạm thì việc xử lý”, đại biểu Hà nói.

Tuy nhiên, để đảm bảo cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép, đại biểu Hà đề nghị luật nên bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cấp phép thực hiện loại quảng cáo này để đảm bảo minh bạch hơn, rõ ràng hơn và đơn giản hơn.

Mặc dù tán thành cao với việc bỏ cấp phép đối với quảng cáo ngoài trời, nhưng đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Bình Phước cũng đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng tính khả thi của điều luật, đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm.

“Việc bỏ cấp phép quảng cáo ngoài trời cũng cần có lộ trình và quy định chặt chẽ hơn khi trong thực tế quảng cáo ngoài trời ở nước ta còn nhiều bất cập”, đại biểu Sang nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Băn khoăn việc bỏ giấy phép với quảng cáo trên băng rôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.