Theo dõi Báo Hànộimới trên

Băn khoăn về “hai Môi trường”

Thống Nhất| 29/08/2012 06:22

(HNM) - Tại hội nghị giao ban văn hóa - xã hội 7 tháng đầu năm 2012 của UBND TP Hà Nội vừa diễn ra, kết quả báo cáo của sở, ngành, quận, huyện đều khẳng định các vấn đề an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm.


Không để hình ảnh Hà Nội "xuống cấp"

Ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị khẳng định: Một trong những vấn đề được giới truyền thông và dư luận chú ý thời gian gần đây là chuyện giao tiếp, ứng xử của người Hà Nội. Phát huy truyền thống văn hóa, xây dựng lối giao tiếp thanh lịch, văn minh của người Thủ đô đã trở thành mục tiêu hàng đầu.


Xây dựng môi trường giáo dục đạt chuẩn, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục Hà Nội.Ảnh: Thái Hiền

Lướt qua vài trang web, không khó để tìm thông tin nói về tình trạng khách du lịch bị "chặt chém". Nào chuyện đeo bám, chèo kéo khách xảy ra khá thường xuyên ngay tại khu vực Hồ Gươm, nào câu chuyện như đùa "1 triệu đồng cho 4 miếng dứa" hồi đầu tháng 8… Tất cả hâm nóng một vấn đề không còn mới nữa, nhưng không được giải quyết hiệu quả trong thời gian dài và vì thế, thực tế đặt ra yêu cầu phải có quyết sách mạnh mẽ hơn, sự yêu cầu quyết liệt hơn về trách nhiệm đối với bộ phận thực hiện phần việc "dọn dẹp" những gì xấu xí để giải tỏa mối lo khách du lịch "một đi không trở lại".

Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết đã có kế hoạch xử lý các đối tượng vi phạm, đặc biệt là tại 5 phường quanh Hồ Gươm. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã xử lý nhiều trường hợp, nỗi bức xúc về tình trạng đeo bám khách nước ngoài tại khu trung tâm Hoàn Kiếm có giảm, song cái khó là việc duy trì môi trường lành mạnh, lâu dài, tránh tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa". Trong thực tế, ngay với người vi phạm nhiều lần công an phường cũng chỉ có thể yêu cầu viết cam kết. Mức phạt chưa đủ sức răn đe là cơ sở cho sự tái phạm, điển hình như đối tượng vi phạm trong vụ "1 triệu đồng cho 4 miếng dứa" đã nói ở trên cũng từng bị bắt không dưới 3 lần.

Điều đáng được lưu ý nữa là tình trạng quảng cáo sai quy định vẫn tràn lan, khiến phố phường nhem nhuốc. Về sự vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo, rao vặt, bà Hà Thị Lê Nhung (Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa) cho rằng, khó xử lý triệt để vì cơ quan quản lý thường chỉ bắt được người làm thuê, khó tìm ra chủ, hình thức xử phạt cũng không đủ sức răn đe. Rõ ràng là chưa có chế tài đủ mạnh thì khó chấn chỉnh tình trạng lộn xộn này.

Theo ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH,TT&DL, Hà Nội đã quy định rõ những tuyến phố, những địa điểm không được buôn bán, những chỗ không được bán hàng rong… thế nhưng quy định này thường chỉ được chấp hành vào giờ hành chính, còn trưa, tối thì không kiểm soát được. Hệ lụy từ những việc này đã khiến cho hình ảnh Hà Nội xấu đi nhiều. Để giải quyết tình trạng này, điểm mấu chốt là cần sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm túc của chính quyền sở tại bởi đây là lực lượng sâu sát, nắm rõ cơ sở nhất.

Tất nhiên, đó là chưa kể nỗi lo âu về lề lối ứng xử của người Hà Nội, về hiệu quả quản lý văn hóa mà chuyện thật như đùa ở chùa Trăm Gian mới đây là một ví dụ tiêu biểu.

Gian nan xây trường đạt chuẩn

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn, bảo đảm lộ trình hoàn thành 100 trường chuẩn trong năm 2012 là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục Hà Nội từ nay tới cuối năm, tiến tới mục tiêu có 55% số trường đạt chuẩn vào năm 2015. Tính đến nay, chặng đường xây dựng trường chuẩn đã qua gần nửa nhưng tỷ lệ trường đạt chuẩn của toàn TP mới đạt 28%, trong đó tỷ lệ trường chuẩn thấp nhất là ở cấp THPT (12,1%).

Trong 6 tháng đầu năm 2012, chỉ có 18 trường được công nhận đạt chuẩn (18% kế hoạch năm). Sự ì ạch trong tiến độ triển khai khiến các cấp quản lý lo lắng bởi giai đoạn thuận lợi đã qua, số trường còn lại trong danh mục đều là những trường khó khăn. Quá trình triển khai cho thấy ngoài "điệp khúc" thiếu đất, thiếu kinh phí, còn có nguyên nhân quan trọng khác, đó là nhận thức của lãnh đạo địa phương trong chỉ đạo, đầu tư xây dựng trường chuẩn.

Sự chênh lệch về tỷ lệ trường đạt chuẩn giữa các cấp học là một ví dụ điển hình. Nếu như cấp học mầm non (MN) có 14,4% số trường đạt chuẩn thì tỷ lệ trường đạt chuẩn ở cấp tiểu học cao gấp 3 lần, cấp THCS cao hơn 2 lần... Rõ ràng là trong suốt một thời gian dài, cấp học MN được coi là nền tảng cho việc học tập sau này của trẻ đã chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức. Như huyện Thanh Oai, trong tổng số 24 trường MN chưa có trường nào đạt chuẩn quốc gia và đây là địa phương duy nhất của TP chưa có trường MN đạt chuẩn.

Tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, lựa chọn trường "cận chuẩn" chưa sát thực tế còn xảy ra ở Hoài Đức, Phú Xuyên... Đây cũng là những địa phương năm trước không hoàn thành kế hoạch xây dựng trường chuẩn. Vì sự chậm trễ này mà trong lộ trình của Hà Nội từ nay đến năm 2015, năm nào MN cũng là cấp học cần có nhiều trường đạt chuẩn nhất. Năm 2013, Hà Nội cần xây dựng 159 trường học đạt chuẩn, trong đó có 90 trường MN; năm 2014, con số này là 147 và 89; năm 2015 là 128 và 84. Thế nhưng, số trường MN đạt chuẩn ở các quận, huyện mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, kể cả những đơn vị nằm trong nhóm có tỷ lệ trường chuẩn cao nhất TP (trên 40%) như Đan Phượng, Long Biên, Hà Đông, Gia Lâm...

Thực tế trong thời gian qua cho thấy Hà Nội cần giải pháp mạnh mẽ hơn cho vấn đề xây dựng môi trường văn hóa, giáo dục - hai trong số các môi trường quan trọng góp phần tạo nền tảng phát triển Thủ đô bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Băn khoăn về “hai Môi trường”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.