(HNMO) - Theo nhiều chuyên gia, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu không có nhiều tác động trực tiếp đến hệ thống tài chính Việt Nam nhưng nền kinh tế có khả năng sẽ bị ảnh hưởng lớn.
(HNMO) - Theo nhiều chuyên gia, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu không có nhiều tác động trực tiếp đến hệ thống tài chính Việt Nam nhưng nền kinh tế có khả năng sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Tại cuộc tọa đàm-giao lưu trực tuyến với chủ đề "Ảnh hưởng khủng hoảng tài chính: Được và mất" do VnEconomy tổ chức chiều 16/10, ông Huỳnh Thế Du (Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright) cho rằng, khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ không có nhiều tác động trực tiếp đến hệ thống tài chính Việt Nam bởi hệ thống tài chính Việt Nam dường như chưa hội nhập chung với hệ thống tài chính toàn cầu, chúng ta chỉ mới mở cửa tài khoản vốn vào mà hầu như chưa mở cửa dòng ra.
Chính vì vậy, lượng tiền Việt Nam đầu tư ra bên ngoài dường như không đáng kể và dòng vốn gián tiếp đổ vào Việt Nam chưa nhiều nên hệ thống tài chính của Việt Nam sẽ không chịu nhiều tác động từ cuộc khủng hoảng này so với các nước có mức độ hội nhập tài chính sâu rộng.
Những tác động chính từ cuộc khủng hoảng hiện tại đối với hệ thống tài chính Việt Nam chủ yếu là yếu tố tâm lý. Chẳng hạn, khi thấy Dow Jones sụt thì Vn-Index cũng xuống theo trong khi hai thị trường dường như không liên quan nhiều với nhau.
Tuy nhiên, theo ông Du, khủng khoảng trên có thể tác động đến nền kinh tế Việt Nam với3 khả năng.
Thứ nhất, thâm hụt thương mại gia tăng. Kinh tế Mỹ nói riêng, kinh tế toàn cầu nói chung rơi vào tình trạng suy thoái, tốc độ tăng trưởng giảm sút. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy là cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm trong khi cung đối với các mặt hàng nhập khẩu sẽ tăng do các nhà sản xuất bị giảm thị trường ở các nước phát triển sẽ tìm cách mở rộng các thị trường khác. Như vậy, khả năng xuất khẩu bị giảm mạnh là rất cao trong khi nhập khẩu nếu có giảm cũng sẽ giảm ít hơn so với xuất khẩu. Điều này sẽ làm cho thâm hụt ngoại thương của Việt Nam sẽ gia tăng, nhất là trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam đã rất mở với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt quá 160% GDP. “Cũng có thể một số mặt hàng của Việt Nam thuộc loại hàng khiếm dụng, có nghĩa là khi thu nhập giảm xuống thì cầu sẽ gia tăng. Tuy nhiên, có lẽ loại này không nhiều lắm.”-ông Du bổ sung.
Thứ hai, sụt giảm đầu tư do sự giảm sút của dòng vốn từ bên ngoài chảy vào. Dòng vốn từ bên ngoài gồm: vốn đầu tư trực tiếp, vốn đầu tư gián tiếp, vay nợ và kiều hối chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư của Việt Nam. Với tình hình hiện tại, do chi phí vốn trở nên đắt đỏ hơn và thị trường xuất khẩu có khả năng bị thu hẹp nên dòng vốn đầu tư chảy vào Việt Nam có khả năng sẽ giảm sút. Đó là chưa kể, hầu hết các dự án đầu tư nói chung, dự án FDI nói riêng, phần nợ vay thường chiếm một tỷ phần rất lớn trong tổng vốn đầu tư nên khi mà các tổ chức tài chính đang gặp khó khăn sẽ làm cho nhiều hợp đồng vay vốn không được ký kết hoặc không thể giải ngân.
Thêm vào đó, do phần còn lại của thế giới gặp khó khăn, thu nhập của người lao động sẽ giảm sút, cuộc sống khó khăn hơn nên lượng kiều hối chuyển về có khả năng sẽ giảm.
Thứ ba, tiêu dùng giảm sút. Khi sản xuất bị thu hẹp, một số người có khả năng mất việc làm hay chí ít là thu nhập bị giảm sút cộng với dòng kiều hối chảy vào sụt giảm sẽ kéo theo sụt giảm trong tiêu dùng của các hộ gia đình. “Như vậy, với khả năng giảm chi tiêu, đầu tư và xuất khẩu trong khi nhập khẩu tăng hoặc giảm chậm hơn sẽ tác động làm cho GDP sụt giảm và đương nhiên nhiều người có khả năng sẽ mất việc làm, hay chí ít thu nhập cũng rơi vào tình trạng bấp bênh.”-ông Du kết luận.
Cùng với nhận định ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tài chính Việt Nam từ cuộc khủng hoảng là giới hạn vì Việt Nam chưa tham gia nhiều vào thị trường tài chính thế giới nhưng chuyên gia tài chính độc lập Bùi Kiến Thành lại cho rằng, đối với thị trường chứng khoán, có khả năng nhà đầu tư nước ngoài phải thu hồi nguồn vốn và bán chứng khoán. Điều này sẽ tác động đến dự trữ ngoại hối và giá cả trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư nước ngoài bán ra nhiều hơn mua vào sẽ làm giảm giá chứng khoán của Việt Nam.
Theo chuyên gia tài chính độc lập khác là ông Mạc Quang Huy, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ là tác động mang tính hai chiều nhưng chủ yếu là tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu cũng như của Việt Nam. Ảnh hưởng lớn nhất đối với Việt Nam trước hết là về xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ và châu Âu (chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Ngoài tác động về đầu tư trực tiếp, kiều hối giảm sút đã được đề cập, ông Huy còn cho rằng khủng khoảng sẽ tác động đến đầu tư gián tiếp. Cụ thể, huy động vốn gián tiếp vào thị trường cổ phiếu trong thời gian tới sẽ rất khó khăn do nhà đầu tư hướng đến các kênh đầu tư an toàn; đồng thời việc phát hành chứng khoán huy động vốn trên thị trường quốc tếsẽ khó khăn và chi phí tăng cao. “Các tác động trên kết hợp với khó khăn hiện tại trong nước sẽ tạo nên một tác động kép và làm cho tình hình thêm phức tạp”-ông Huy nói thêm.
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia thì cho rằng, ảnh hưởng lớn nhất là về xuất nhập khẩu và vốn. “Việt Nam chủ yếu xuất hàng nông sản sang Mỹ và nhập từ Mỹ các loại thiết bị, máy móc. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp nhận vốn FDI và các luồng vốn gián tiếp do các quỹ đầu tư Mỹ đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tất cả các mối quan hệ này đều ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam”-ông Kiêm nói.
Như vậy, suy giảm chung của nền kinh tế thế giới chắc chắn ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, mà tác động tổng hợp có thể sẽ là tốc độ tăng trưởng chậm lại và thất nghiệp gia tăng. Điều này chắc chắn sẽ tác động tới mọi tầng lớp dân cư của Việt Nam, trong đó tầng lớp công nhân lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Theo ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc phụ trách nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, từ phương diện chính sách của Nhà nước, ông cho rằng trong giai đoạn nay, điều quan trọng là cần xác định ưu tiên thật đúng đắn.
Với những bất ổn vĩ mô trong nước (lạm phát, nhập siêu, thâm hụt ngân sách…) chưa được giải quyết triệt để thì những diễn biến mới đây trong nền kinh tế toàn cầu sẽ đặt ra những thách thức mới cho nền kinh tế Việt Nam.
“Trong hoàn cảnh này, tôi cho rằng Chính phủ cần kiên trì với những định hướng chính sách lớn trong năm 2008. Cụ thể là tiếp tục đặt ưu tiên cao nhất cho nhiệm vụ chống lạm phát và bình ổn kinh tế vĩ mô. Chúng ta phải chấp nhận tăng trưởng chậm lại trong một vài năm để bình ổn vĩ mô và đảm bảo cho tăng trưởng dài hạn”-ông Anh nói.
Hương Thủy (tổng hợp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.