Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ban hành Luật Thủ đô là yêu cầu khách quan

Khánh Khoa| 17/11/2010 06:31

Ưu tiên cho Thủ đô cũng không ngoài sự phát triển chung của đất nước (HNM)- Ngày 16-11, Quốc hội (QH) dành cả buổi sáng để thảo luận về dự án Luật Thủ đô. Hầu hết ý kiến đều khẳng định sự cần thiết phải ban hành dự luật này với tinh thần


Rất cần ban hành Luật Thủ đô


Luật Thủ đô sẽ tạo điều kiện xây dựng và phát triển Hà Nội ngang tầm các đô thị lớn trong khu vực và quốc tế.  Ảnh: Huy Hùng


Thảo luận dự án Luật Thủ đô, các ĐBQH bày tỏ nhất trí cao việc ban hành những cơ chế, chính sách tạo cơ sở, điều kiện xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội ngang tầm khu vực và quốc tế như tờ trình của Chính phủ. Theo ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng), sau 10 năm ban hành Pháp lệnh Thủ đô và Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô, đã đến thời điểm cần có Luật Thủ đô để có những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển Hà Nội trong giai đoạn mới. Sự phát triển của Hà Nội, đặc biệt sau khi được mở rộng địa giới hành chính, đã đặt Thủ đô trước rất nhiều vấn đề phải xử lý, trong đó có nhiều vấn đề rất thời sự, bức xúc và rất khó như giao thông, trật tự đô thị, dân số, ô nhiễm môi trường... "Đã đến lúc Thủ đô cần một số cơ chế, chính sách đặc thù mạnh mẽ, quyết liệt để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh, để phát triển xứng đáng với bộ mặt của cả nước, làm gương cho các tỉnh và thành phố khác trong cả nước" - ĐB Lê Văn Học nhấn mạnh.

Theo ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) phân tích, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 15 xác định phát triển Thủ đô là trọng điểm trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Nghị quyết 15 chỉ rõ xây dựng một số cơ chế đặc thù cho Hà Nội; phân công, phân cấp mạnh cho Thủ đô, chủ động thực hiện một số chức năng, quyền hạn riêng về thu hút sử dụng vốn, về quản lý dân cư, nhà, đất. Thể chế hóa Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh Thủ đô góp phần phát triển Thủ đô trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, từ đó đến nay phạm vi điều chỉnh, phạm vi tác động của Pháp lệnh Thủ đô ngày càng bị thu hẹp, do đó nâng pháp lệnh lên thành luật là một yêu cầu khách quan và việc đưa dự thảo luật để QH cho ý kiến tại kỳ họp này và thông qua tại kỳ họp sau là một việc hết sức cần thiết. Một ví dụ được ĐB Chu Sơn Hà đưa ra là theo quy định của Luật Đê điều năm 2006 cấm xây dựng nhà trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt. Đoạn đê trong khu vực nội thành Hà Nội hiện đã được bê tông hóa. Việc khai thác quỹ đất trong hành lang bảo vệ đê điều và việc triển khai xây dựng thành phố bên bờ sông Hồng cũng đã được tính đến. Hơn nữa, người dân sống ở trong khu vực đó từ lâu cần phải có một văn bản điều chỉnh vấn đề này để có cơ sở pháp lý thực hiện, xác định trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của họ đối với mảnh đất họ đã và đang sử dụng.

ĐB Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) đề nghị: "Vì Thủ đô là của cả nước nên những chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội là rất đúng đắn và hợp lý. Chúng ta không nên so sánh là đầu tư cho Hà Nội là đầu tư riêng cho một địa phương mà là đầu tư cho cả nước. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng như Chính phủ nghiên cứu để hoàn thiện dự án luật này để có thể trình QH thông qua tại kỳ họp tới".

Cũng có những ý kiến khác như việc ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại xem trong thời gian qua Hà Nội đã triển khai thực hiện các pháp luật hiện hành có triệt để chưa, có sử dụng hết và đúng quyền năng đã được pháp luật điều chỉnh hay chưa? Từ đó có cơ sở đề xuất phương án mới để điều chỉnh pháp luật cho phù hợp hơn: "Dự thảo luật nên cân nhắc cơ chế nào mang tính lâu dài thì nên đưa thẳng vào dự án luật, cơ chế nào mang tính áp dụng tạm thời, thì không nên đưa vào dự án luật mà nên quy định tại một văn bản dưới luật hoặc văn bản thường niên của QH, vì đây là vấn đề mới cần phải được cân nhắc". Một số đại biểu cũng băn khoăn việc di dân hay tăng mức xử phạt.

Không trái Hiến pháp

Trước băn khoăn của một số ĐB về sự phù hợp giữa Luật Thủ đô với Hiến pháp và các luật khác, ĐB Chu Sơn Hà nêu, Điều 68 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 quy định: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật. Luật Cư trú có quy định: Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về dân cư trong phạm vi cả nước. "Từ những dẫn chứng trên, tôi cho rằng chế độ về quản lý dân cư trong dự thảo luật vẫn bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do đó, tôi đề nghị QH giao cho Chính phủ căn cứ yêu cầu của quy mô, mật độ, cơ cấu dân cư nội thành của Hà Nội để ban hành quy định điều kiện cư trú ở nội thành như trong dự thảo đã đề cập" - ĐB Chu Sơn Hà nói. ĐB Chu Sơn Hà cũng nhất trí việc áp dụng cơ chế, chế tài xử phạt hành chính đối với cùng một hành vi vi phạm pháp luật trong nội thành cao hơn so với ngoại thành và cao hơn so với các địa phương khác với lý do, tham gia giao thông ở trong nội thành Thủ đô người đông hơn, phương tiện đa dạng hơn có thể gây ra hậu quả lớn hơn. Nên áp dụng xử phạt cao sẽ bảo đảm tính răn đe và tính giáo dục cao, đặc biệt đối với người cố tình vi phạm. Thực tế Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực giao thông của Chính phủ cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được phép áp dụng xử phạt cao đã có tác dụng nhất định góp phần chống ùn tắc giao thông.

ĐB Đào Trọng Thi (Hà Nội) đề nghị, cần bám sát hơn với bản chất của việc thu phí và việc xử phạt. Thu phí môi trường nhằm bù đắp lại chi phí khắc phục hậu quả do hành vi gây ô nhiễm. Việc gây ô nhiễm môi trường trong Thủ đô hậu quả nặng nề hơn rất nhiều, sự khắc phục yêu cầu chi phí cao hơn nhiều vì Thủ đô với tư cách là bộ mặt của cả nước, cần có chuẩn mực, yêu cầu cao hơn về môi trường. Tương tự, mức xử phạt hành chính cũng phải có sức răn đe, đồng thời tương xứng với hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Một hành vi vi phạm giao thông trong nội thành Thủ đô gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều. Liên quan đến vấn đề quản lý dân cư, ĐB đề nghị một mặt bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm việc thực hiện quy hoạch chung của Nhà nước. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp mang tính chất kinh tế - xã hội là chủ yếu, cần có quy định mang tính chất hành chính, ví dụ giao cho Chính phủ quy định về điều kiện cư trú dành riêng cho Thủ đô theo hướng đáp ứng yêu cầu cao hơn bình thường về mức độ văn minh đô thị cũng như chất lượng nguồn nhân lực để Thủ đô Hà Nội thực hiện tốt được chức năng là vị thế đầu não cũng như sứ mệnh là bộ mặt của cả nước.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường:Các quy định của luật đều trên cơ sở Hiến pháp
Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã giải trình, làm rõ thêm những vấn đề ĐBQH băn khoăn. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, có nhiều ĐBQH đắn đo ban hành Luật Thủ đô có gì vướng với Hiến pháp không hoặc ban hành rồi tạo ra cơ chế gì đặc thù, thiết kế gì đặc biệt hay tự trị gì cho Thủ đô của chúng ta không? Thứ nhất, Hà Nội với tư cách là đơn vị hành chính

cấp tỉnh của Nhà nước, chịu sự điều chỉnh chung của hệ thống pháp luật. Yêu cầu đó được thể hiện ngay trong mục tiêu của dự án luật. Những quy định riêng ở trong dự án luật là những quy định bổ sung cho hệ thống pháp luật hiện hành. Đương nhiên không trái với Hiến pháp. Thứ hai, trong dự án luật xuyên suốt một ý tưởng là bảo đảm sự quản lý thống nhất từ TƯ đến địa phương với yêu cầu là những cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô cơ bản do các cơ quan nhà nước ban hành. Đồng thời, Chính phủ cũng mạnh dạn đề nghị có một cơ chế giám sát riêng trong luật này. Thứ ba, một số ĐB có băn khoăn về quy định biểu tượng Thủ đô, danh hiệu công dân danh dự Thủ đô và việc trao cho HĐND TP Hà Nội thẩm quyền ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện chương II của Luật Thủ đô như vậy có gì tạo ra đặc thù không? Tất cả những điều đó đều có cơ sở thực tiễn và pháp lý, không hề trái Hiến pháp, không vì thế làm cho Thủ đô trở thành thiết chế độc lập.

Về vấn đề xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND TP, Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải thích, việc cho phép HĐND TP Hà Nội ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trên một số lĩnh vực, đặc biệt là quản lý đô thị chưa được pháp luật điều chỉnh là cần thiết và có cơ sở pháp lý. Pháp lệnh Thủ đô cũng đã trao cho HĐND và thậm chí là UBND TP thẩm quyền ban hành nhiều loại quy định, không chỉ giới hạn ở những vấn đề thi hành pháp luật. Ví dụ như ban hành các quy định ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho những người có trình độ cao, chuyên gia giỏi sinh sống, làm việc trên địa bàn; ban hành các quy định về quản lý di dân, quy định các biện pháp kiểm soát và hạn chế nhập cư tự phát, trái pháp luật vào Thủ đô; quy định về quản lý lao động, có biện pháp tạo việc làm mới, giảm thất nghiệp, ưu đãi người có công; đấu tranh phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội... thậm chí rất rộng so với dự thảo luật này cho phép HĐND TP ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế, trong quá trình đô thị hóa Hà Nội đã phát sinh rất nhiều vấn đề. Chẳng hạn, tốc độ tăng nhanh chóng các phương tiện giao thông cá nhân như ô tô, xe máy đã gây ùn tắc giao thông trầm trọng, tình trạng ô nhiễm môi trường xuống cấp của cảnh quan đô thị, việc tận dụng đất đai để xây dựng nhà chung cư cao tầng làm gia tăng mật độ dân số, phá vỡ quy hoạch, cảnh quan kiến trúc. Đặc biệt, có những vấn đề đang là thực tiễn hiện nay xảy ra nhưng chưa có quy định pháp luật để xử lý.

Cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, 18 cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo luật về cơ bản ứng với số lượng, kế thừa các cơ chế, chính sách đặc thù đã được quy định trong Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội. Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội quy định 20 cơ chế đặc thù, trong đó 17 cơ chế, chính sách đã được vận dụng nâng lên thành luật lần này.

Về vấn đề nhập cư, trong dự luật quy định hạn chế và kiểm soát chặt hơn việc nhập cư vào nội thành chứ không phải tất cả các huyện của Hà Nội. Vừa qua, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 107 hướng dẫn thi hành Luật Cư trú, cũng đã thắt lại một phần đối với các TP trực thuộc TƯ và riêng đối với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Gia Khánh ghi


Ưu tiên cho Thủ đô cũng không ngoài sự phát triển chung của đất nước

ÐB Ðặng Văn Khanh (Hà Nội): Tạo điều kiện để Hà Nội làm tròn nhiệm vụ của Thủ đô với cả nước


Hà Nội có trụ sở của các cơ quan Ðảng và Nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội, ngoại giao, tổ chức quốc tế và là nơi diễn ra các hoạt động đối ngoại quan trọng. Vì vậy, Hà Nội rất cần bảo đảm đầy đủ các điều kiện về vật chất hạ tầng dịch vụ, an ninh, quốc phòng để làm tròn nhiệm vụ của Thủ đô với cả nước. Với những vấn đề như vậy, theo tôi rất cần có một cơ sở pháp lý đồng bộ, đủ mạnh, những chính sách cho Thủ đô Hà Nội thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển xứng đáng là bộ mặt của đất nước.

ÐB Nguyễn Ngọc Ðào (Hà Nội): Tạo khung pháp lý cho chính quyền Hà Nội

Tại sao chúng ta không cho chính quyền Hà Nội cấm việc buôn bán hàng rong? Tại sao chúng ta không cho chính quyền Hà Nội ban hành các chính sách cấm buôn bán trên vỉa hè? Tại sao chúng ta không cho chính quyền Hà Nội cấm cửa hàng không đủ mỹ quan buôn bán. Hãy cho Hà Nội một quyền năng với tư cách thay mặt cho cả nước xây dựng cho Hà Nội đẹp, cho Thủ đô của mọi công dân đẹp, chứ đừng nghĩ đây là đặc quyền riêng của Hà Nội. Luật này tạo khung pháp lý cho chính quyền Hà Nội. Luật này tìm những gì quyền năng của một chính quyền đô thị thay mặt cả nước.

Nguyễn Đăng Vang (Bình Định): Cần có chương riêng về quy hoạch

Trong luật này có Điều 11 gọi là quy hoạch Hà Nội chỉ có 1/3 trang, theo tôi, phần này phải dành hẳn một chương. Hà Nội rất đặc thù nên phải quy hoạch, vì nếu không quy hoạch làm một con đường 100 tỷ có thể sẽ lên 500 tỷ - 600 tỷ, thậm chí có nơi đền bù 1.000 tỷ để giải phóng mặt bằng. Có quy hoạch chúng ta sẽ tránh được lãng phí, có quy hoạch chúng ta sẽ tránh được ùn tắc giao thông, có quy hoạch chúng ta sẽ tránh được ngập nước. Chương Quy hoạch phải là một chương quan trọng và thể hiện đặc thù của Hà Nội.

Gia Khánh
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ban hành Luật Thủ đô là yêu cầu khách quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.