Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bản đồ cà phê đặc sản cho cộng đồng “mê” cà phê

Vân Hạ| 11/02/2023 22:27

(HNMO) - Là một trong những thức uống được ưa chuộng nhất của nhân loại, cà phê được tiêu thụ trải rộng khắp toàn cầu, trở thành ngành công nghiệp khổng lồ với khoảng 125 triệu người đang kiếm sống nhờ sản xuất cà phê. Cũng như trà, cà phê có thứ ngôn ngữ riêng mà bạn đọc có thể tìm hiểu qua cuốn sách “Bản đồ thế giới cà phê”.

Dẫu cà phê nở rộ khắp các châu lục, nhưng ngôn ngữ của cà phê, từ chủng loại, quá trình sơ chế, các vùng trồng,… xa lạ với hầu hết mọi người. Cuốn sách “Bản đồ thế giới cà phê” của tác giả James Hoffmann được viết ra với mong muốn “để thứ ngôn ngữ đó trở nên dễ hiểu hơn, để đưa ra bối cảnh cho câu chuyện của cốc cà phê mà bạn uống, để chỉ ra điều gì khiến cho từng trang trại hoặc hợp tác xã khác biệt và thú vị”.

Cuốn sách không chỉ giới thiệu về cây cà phê, lịch sử việc uống cà phê của loài người, các phong cách thưởng thức mà còn đưa bạn đọc bước lên một hành trình vòng quanh thế giới đến thăm các nước sản xuất cà phê từ châu Phi, châu Á, châu Mỹ… qua những thông tin cô đọng, hình ảnh sắc nét, bản đồ sinh động.

Sách gồm 3 phần chính. Phần 1 - “Giới thiệu về cà phê” cung cấp bức tranh từ chi tiết đến toàn cảnh về cà phê qua những thông tin gần gũi cơ bản nhất như chủng loại cà phê, cách thu hoạch, chế biến, giao dịch thị trường cà phê. Phần 2 - “Từ hạt đến cốc” mang đến góc nhìn và kiến thức thông suốt về quy trình từ hạt cà phê thô đến loại thức uống được ưa chuộng trên thế giới, các công đoạn nhận biết, tuyển chọn, rang, xay, pha chế… Phần 3 - “Nguồn gốc cà phê” điểm danh các vùng trồng cà phê trải dài trên khắp thế giới với quá trình thu hoạch, hồ sơ hương vị, khả năng truy xuất của hạt cà phê riêng của từng vùng…

Giới thiệu về một số cách pha ché cà phê trong buổi ra mắt cuốn sách tại Hà Nội

Là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất về cà phê, với lượng thông tin khổng lồ và giá trị, “Bản đồ thế giới cà phê” được tạp chí Barista lựa chọn là cuốn sách không thể bỏ lỡ đối với những độc giả có nhu cầu tìm hiểu về cà phê: “Các chuyên gia và cả những người mê cà phê đều sẽ yêu cuốn sách đẹp đẽ này của James Hoffmann. Từ cái nhìn tổng quan về những vùng trồng cà phê nổi bật nhất thế giới cho đến hướng dẫn pha cà phê theo từng bước, nội dung sách đầy tính giáo dục, khơi gợi suy nghĩ và vô cùng có ích”.

Tuy nhiên, theo các dịch giả Hoàng Quang Anh và Nguyễn Nhã Nam, có một điểm không đồng tình với cuốn sách là phần viết về cà phê Việt Nam. Do thời điểm cuốn sách ra mắt lần đầu tiên năm 2014 và được chỉnh lý năm 2018, khi ấy cà phê đặc sản của Việt Nam chưa thực sự phát triển và được biết đến trên thế giới. Bởi vậy, những đánh giá của tác giả về cà phê Việt Nam khi đó mang những thiên kiến, như “có rất ít cà phê chất lượng cao ở Việt Nam, và hầu hết đều có vị phẳng, nhiều hương gỗ và thiếu độ ngọt hay sự đa dạng”.

Khẳng định Việt Nam có ít cà phê đặc sản, vậy tại sao tác giả vẫn đánh dấu Việt Nam vào tấm bản đồ cà phê của ông? Là bởi, “Việt Nam có sự khác biệt vì tác động của quốc gia này lên tất cả các nước sản xuất cà phê trên thế giới, và do đó xứng đáng được đưa vào để độc giả hiểu hơn”.

Chuyển ngữ cuốn sách “Bản đồ thế giới cà phê”, các dịch giả hy vọng các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về cà phê Việt Nam sẽ góp thêm những tiếng nói có chất lượng để thông tin tới tác giả của cuốn sách cũng như cộng đồng yêu cà phê về cà phê đặc sản của Việt Nam hiện nay.

Cuốn sách “Bản đồ thế giới cà phê” do Nhã Nam và NXB Thế giới liên kết xuất bản.

Tác giả James Hoffmann là một trong những barista (người pha chế cà phê) nổi tiếng nhất trên thế giới, nhà vô địch World Barista 2007. Không ít người gọi James Hoffmann là “thánh review” bởi sự phong phú, đa dạng và khách quan trong chuyên mục review của ông. Có đủ khen, chê nhưng không thần thánh hóa, ông giới thiệu mọi thứ liên quan đến cà phê, từ dụng cụ, thiết bị, cách pha chế,… Kênh vlog về cà phê của ông thu hút gần 1,5 triệu người đăng ký theo dõi trên Youtube.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản đồ cà phê đặc sản cho cộng đồng “mê” cà phê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.