Sau khi đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008, những nhà làm bóng đá đưa ra kết luận bản đồ bóng đá Đông Nam Á đang thay đổi theo chiều hướng tích cực.
ĐTVN là một cơ thể không khỏe về thể trạng. |
Sở dĩ có nhận định “tích cực” là vì bóng đá Việt Nam khi soán ngôi Singapore thì nhiều nhà chuyên môn thích thú bởi không phải chứng kiến cảnh các cầu thủ gốc châu Âu, mũi lõ, tóc vàng nâng cái cúp vàng Đông Nam Á. Sự đổi ngôi mà bóng đá Việt Nam thu hoạch được từ sân chơi Đông Nam Á được xem là tín hiệu tốt, là tiền đề phát triển của bóng đá Đông Nam Á. Sân chơi mà giai đoạn bia tài trợ là sự thống trị của người Thái rồi sau đó đến Suzuki thì là một Singapore Âu hóa làm mới nhà vô địch.
Chính những cây viết thể thao cự phách của khu vực từng thừa nhận nếu Việt Nam không một lần lên ngôi vô địch Đông Nam Á thì đó là sự bất công. Nghe có vẻ như là sự an ủi nhưng thực tình thì nếu so sánh giữa gieo và gặt thì có những lúc bóng đá Việt Nam gieo rất nhiều. Thậm chí là nhiều hơn hai quốc gia từng lên ngôi vua AFF Cup là Thái Lan và Singapore.
Nhưng đã nói đến gieo và gặt thì cũng nên công bằng xét cả phần hậu AFF Cup 2008. Đó là suốt 2 năm qua, bóng đá Việt Nam mà hơn hết là đội tuyển Việt Nam đã gieo gì?
Hai năm sau ngày đoạt cúp vô địch, ông Calisto mang đến AFF Cup 2010 với tư thế của nhà vô địch lại không có nhiều điều mới mẻ cho dù bóng đá trẻ Việt Nam vẫn được sự thừa nhận của bóng đá khu vực. Nói một cách châm biếm là ông Calisto chỉ có một điều rất mới là tuổi tác và kinh nghiệm của thế hệ cầu thủ từng đoạt cúp AFF 2008. Nói thể để tránh đi sự già nua của nhiều cầu thủ xác định AFF Cup này sẽ là AFF Cup cuối đời cầu thủ của mình.
Tại AFF Cup 2008, nếu cả Singapore và Thái Lan đều giật mình khi chịu thất bại trên sân nhà trước lối chơi hừng hực lửa của thầy trò ông Calisto - một đội bóng lột xác hẳn so với hình ảnh của chính mình ở vòng loại - thì trước AFF Cup 2010 HLV Calisto lại không có nhiều chọn lựa khi chấn thương liên tục đến với các học trò ông.
Bây giờ thì ông Calisto đang phải liệu cơm gắp mắm với tất cả những gì còn lại. Trong khi đó thì Thái Lan lại vừa đặt ra yêu cầu tối thiểu với nhà chiến lược người Anh - Bryan Robson: “Vô địch AFF Cup”. Vô địch một cái giải con con theo suy nghĩ của ông thầy người Anh nhưng lại rất quan trọng với bóng đá Thái bởi đã rất lâu người Thái mất đi rồi cái cảm giác nâng cúp trong trận chung kết khu vực.
Ông Robson tính nhiều hơn ở những cái cúp xa hơn cúp AFF. Như điều ông đã làm được ở Asian Games 16 nhưng lập tức bị buộc phải quay ngay về cái ao làng.
Nó cũng giống như Singapore muốn ông Avramovic phải lấy lại được những gì đã mất.
Bản đồ bóng đá Đông Nam Á vẫn cứ thay đổi nhưng sự tích cực thì có lẽ phải xem lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.