(HNM) - Chưa đầy 24 giờ sau khi trì hoãn theo yêu cầu của Nga, đêm 2-3 (giờ Hà Nội) Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) gồm 15 thành viên đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết áp đặt lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên.
Dự thảo Nghị quyết do Mỹ đệ trình không vấp phải sự phản đối nào của các thành viên HĐBQ LHQ - là lệnh trừng phạt cứng rắn nhất nhằm vào Bình Nhưỡng trong 2 thập kỷ trở lại đây.
HĐBA LHQ vừa thông qua nghị quyết trừng phạt mới cứng rắn nhất nhằm vào Triều Tiên. |
Lệnh trừng phạt mới vừa được cơ quan quyền lực nhất thế giới đưa ra trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên không ngừng "nóng" sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư hôm 6-1 và phóng tên lửa mang vệ tinh lên quỹ đạo hôm 7-2.
Hành động của Bình Nhưỡng buộc Seoul phải đóng cửa Khu công nghiệp chung Keasong, biểu tượng của sự hòa giải giữa hai miền cũng như đặt quân đội trong tình trạng báo động an ninh cao nhất. Với mục đích cắt đứt nguồn vốn duy trì công nghệ hàng không, tên lửa và vũ khí của Triều Tiên, nghị quyết vừa được LHQ thông qua, bổ sung cho những "thiếu sót" trong các nghị quyết trừng phạt trước đó; đồng thời áp đặt thêm biện pháp mới cứng rắn hơn so với lệnh trừng phạt Iran liên quan tới chương trình hạt nhân.
Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các chuyến hàng tới và rời Triều Tiên sẽ bị thanh sát nghiêm ngặt. Nghị quyết cũng cấm các tàu của Triều Tiên bị nghi chở hàng phi pháp rời các bến cảng trên khắp thế giới; đồng thời thắt chặt lệnh cấm vận vũ khí để ngăn ngừa những nhà cung cấp vũ khí loại nhỏ giao dịch với Bình Nhưỡng. Văn kiện này cũng cấm Triều Tiên xuất khẩu than, quặng, vàng, titan và khoáng sản đất hiếm; đồng thời cấm các quốc gia cung cấp cho Bình Nhưỡng nhiên liệu dùng trong ngành hàng không.
Trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, nghị quyết mới bắt buộc - thay vì khuyến khích như các nghị quyết trước đây - các quốc gia phải phong tỏa tài sản của các cá nhân và thực thể có liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Theo đó, cấm tất cả quốc gia cho phép các ngân hàng Triều Tiên mở chi nhánh, văn phòng đại diện mới; đồng thời cấm các thể chế tài chính lập liên doanh, thiết lập hay duy trì quan hệ thông tin với các ngân hàng Triều Tiên. Nghị quyết cũng yêu cầu các quốc gia đóng cửa đối với ngân hàng Triều Tiên cũng như chấm dứt các giao dịch ngân hàng với nước này trong vòng 90 ngày.
Cùng với bản nghị quyết nêu trên, HĐBA LHQ còn công bố nghiên cứu mới về việc Triều Tiên đã sử dụng cách nào để tránh các biện pháp trừng phạt quốc tế trong một thập niên qua. Báo cáo do Ủy ban Giám sát lệnh trừng phạt soạn thảo thừa nhận 4 nghị quyết với những biện pháp trừng phạt tăng mạnh hơn với Triều Tiên kể từ năm 2006 đến nay đã không thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Báo cáo cũng đặc biệt lưu ý một số quốc gia tại Đông Nam Á, Châu Phi và Trung Đông tiếp tục bán cho Triều Tiên các thiết bị quân sự bị cấm như phụ tùng máy bay không người lái và các hệ thống radar.
Bán đảo Triều Tiên đang nóng lên từng giờ khi Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) vừa bổ sung các biện pháp trừng phạt mới với Triều Tiên sau nghị quyết của HĐBA LHQ được thông qua. Nhằm đáp trả những biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế, sáng 3-3, Triều Tiên đã bắn 6 phi đạn tầm ngắn ra bờ biển phía Đông nước này. Dù chưa xác định cụ thể, song theo quân đội Hàn Quốc thì đây có thể là tên lửa tầm ngắn KN-01 hoặc đạn pháo từ hệ thống phóng roket cỡ nòng 300mm.
Bán đảo Triều Tiên đã thực sự tăng nhiệt sau quyết định trừng phạt cứng rắn của HĐBA LHQ nhằm vào Bình Nhưỡng. Từ Washington, Tổng thống Barack Obama cho rằng: Văn kiện này đã phát đi một thông điệp đơn giản rằng, Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân và lựa chọn một hướng đi mới đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Không ít ý kiến cho rằng đã đến lúc Triều Tiên phải lựa chọn giữa theo đuổi chương trình hạt nhân hay tái hòa nhập với cộng đồng quốc tế. Một số ý kiến cho rằng, LHQ áp đặt lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên sẽ là một khởi đầu mới cho quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng. Bởi các biện pháp trừng phạt không phải là mục tiêu cuối cùng của văn kiện này; mà nó còn mở ra cơ hội nối lại vòng đàm phán sáu bên về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, phù hợp với quan điểm của cộng đồng quốc tế.
(HNM) - Ngày 3-3, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước sự kiện ngày 2-3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết áp đặt lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết:
|
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.