(HNM) - Những nỗ lực nhằm sớm tái khởi động vòng đàm phán 6 bên - gồm: CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ - về chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Triên đang đứng trước nguy cơ bị tiêu tan khi vụ đấu pháo giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên bất ngờ nổ ra trong ngày 23-11.
Người dân trên đảo Yeonpyeong sơ tán sau khi xảy ra vụ bắn pháo. Ảnh: Reuters |
Cho dù những tranh cãi về việc bên nào khai hỏa trước vẫn chưa ngã ngũ, nhưng sức công phá của gần 200 quả đạn pháo rơi xuống đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc và vùng biển phía Tây bán đảo Triều Tiên đang khiến bán đảo Triều Tiên nói riêng, khu vực Đông Bắc Á nói chung nóng lên nhanh chóng.
Cuộc đấu pháo được cho là nghiêm trọng nhất giữa hai miền Triều Tiên kể từ cuộc chiến tranh 1950-1953 đến nay diễn ra đúng vào ngày Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận thường niên - gần khu vực biên giới trên biển giữa hai miền với sự tham gia của 70.000 binh lính - kéo dài đến ngày 30-11. Đáng chú ý là, chỉ vài giờ trước khi nổ ra cuộc đấu pháo, đặc phái viên của Mỹ về bán đảo Triều Tiên Stephen Bosworth đã có mặt tại Hàn Quốc và tuyên bố "Mỹ không thể chờ đợi việc nối lại các vòng đàm phán trong khi có chương trình hạt nhân đang hoạt động tại Triều Tiên". Đây không phải lần đầu tiên xảy ra đụng độ quân sự giữa hai miền Triều Tiên, đặc biệt trong bối cảnh Hội đồng Bảo an LHQ đang ra lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng vì các cuộc thử hạt nhân, tên lửa và cuộc đàm phán 6 bên đã lâm vào bế tắc từ tháng 4-2009.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 24-11 cho biết, tàu sân bay hạt nhân USS George Washington của Mỹ với 75 máy bay chiến đấu và hơn 6.000 binh sĩ đã rời căn cứ hải quân Mỹ tại Yokosuka, Nhật Bản sáng 24-11 để tập trận chung với Hàn Quốc ở Hoàng Hải từ ngày 28-11 đến 1-12. Tham gia cuộc tập trận này còn có nhiều tàu chiến khác như USS Cowpens, USS Shiloh, USS Stethem và USS Fitzgerald… |
Sau vụ đấu pháo, quân đội nhân dân Triều Tiên vừa lên tiếng rằng, phía Hàn Quốc đã bắn hàng chục loạt đạn pháo vào vùng biển của Triều Tiên trước và quân đội Triều Tiên đã đáp trả bằng "những biện pháp quân sự kiên quyết". Có luồng dư luận cho rằng, quan điểm cứng rắn của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak về viện trợ kinh tế cho Triều Tiên cùng biện pháp cấm vận kinh tế của Liên hợp quốc và Mỹ là nguyên nhân dẫn tới những căng thẳng giữa hai miền thời gian qua. Cùng với đó, Hàn Quốc cùng người đồng minh bên kia Thái Bình Dương là Mỹ - liên tục tiến hành các cuộc tập trận trên biển càng khiến tình hình căng thẳng thêm.
Vụ đấu pháo nổ ra đẩy quan hệ hai miền Triều Tiên - vốn đang gặp khó khăn sau vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc tháng 3 vừa qua - trở nên phức tạp hơn, tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế của người dân hai miền. Cùng với những chấn động mạnh trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc, giá đồng won sụt giảm khoảng 4% ngay sau khi quân đội Hàn Quốc được đặt trong tình trạng báo động cao. Trong khi đó, khoảng 1.600 cư dân đang sống trên đảo Yeonpyeong phải sơ tán khẩn cấp để bảo đảm an toàn. Sau vụ việc, Hàn Quốc đã đình chỉ việc chuyển lương thực viện trợ cho nạn nhân lũ lụt tại Triều Tiên. Cùng với đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đình chỉ toàn bộ các hoạt động của hội chữ thập đỏ, cấm công dân Hàn Quốc vào Triều Tiên. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, cuộc gặp giữa hội chữ thập đỏ hai miền dự kiến diễn ra vào hôm nay (25-11) tại Munsan (Hàn Quốc) sẽ bị hoãn. 24 giờ qua công dân Hàn Quốc đã không được vào khu công nghiệp Keseong trên biên giới hai miền, trong lãnh thổ CHDCND Triều Tiên...
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện không chỉ làm dấy lên mối quan ngại của người dân hai miền và khu vực Đông Bắc Á mà còn khiến cả thế giới quan tâm. Rõ ràng mọi hành động sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và mọi hành động quân sự gây thiệt hại cho thường dân vô tội đều không thể chấp nhận trong bối cảnh hiện nay khi các bên liên quan đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Ngày 24-11, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi các bên giảm căng thẳng. Tuy nhiên, với những động thái của các bên liên quan trong 24 giờ qua, trong đó có tuyên bố mới nhất của Nhà Trắng về cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn sẽ không thay đổi vào cuối tuần này tại vùng biển Hoàng Hải cho thấy căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên vẫn chưa thể lắng dịu trong những ngày tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.