(HNM) - Sau một thời gian khá im ắng, những ngày qua Triều Tiên lại có những động thái thể hiện sức mạnh quân sự nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận khu vực.
Một trong những thông tin "nóng" vừa được hãng thông tấn trung ương của nước này (KCNA) đưa ra là việc nhà lãnh đạo Kim Jong Un chỉ đạo cuộc thử nghiệm "các tên lửa chiến thuật dẫn đường siêu chính xác mới, tự chế tạo trong nước". Dù chưa thể khẳng định được độ xác thực của những tin tức trên, nhưng một loạt bước đi cho thấy phát triển công nghệ quốc phòng vẫn là trọng tâm ưu tiên hàng đầu của quốc gia Đông Bắc Á này.
Triều Tiên thử tên lửa khi đàm phán về Khu công nghiệp chung Kaesong đang diễn ra. |
Tuy không thông báo về địa điểm cũng như thời gian tiến hành cuộc thử nghiệm trên, nhưng KCNA ca ngợi các tên lửa chiến thuật dẫn đường mới này là một "thành công rực rỡ" nữa trong nỗ lực tự chế tạo "các vũ khí và trang thiết bị thông minh, tự động, có độ chính xác cao" của Bình Nhưỡng. Cuộc thử nghiệm được xem là sẽ góp phần giúp quân đội Triều Tiên nắm được những nguyên tắc then chốt trong sản xuất các vũ khí dẫn đường tầm ngắn, tầm trung và tầm xa đạt đẳng cấp quốc tế và tối ưu hóa khả năng tấn công chính xác cũng như sức công phá. Thông tin về cuộc thử nghiệm được đưa ra vào thời điểm Triều Tiên vừa bắn thử 3 tên lửa tầm ngắn từ khu vực Đông Nam ra vùng biển phía Đông nước này. Theo ghi nhận của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, các tên lửa đã bay xa khoảng 190km và không giống bất kỳ loại vũ khí nào mà Triều Tiên đang sở hữu. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc nhận định, đó có thể là các tên lửa đa nòng cỡ 300mm, mà Seoul gọi là KN-09, với tầm bắn150-160km hoặc phiên bản được nâng cấp.
Đây không phải lần đầu tiên Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử tên lửa tầm ngắn hay tầm trung nhằm phô diễn sức mạnh quân sự. Dù không nhằm vào mục tiêu nào của Mỹ hay quốc gia láng giềng Hàn Quốc, nhưng hành động trên của Triều Tiên khiến dư luận hết sức quan ngại về nguy cơ bùng nổ căng thẳng mới có thể được châm ngòi ở khu vực Đông Bắc Á này. Cùng với quan điểm của Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra thông cáo cho biết các chuyên gia của nước này đang tiến hành xác định loại tên lửa được Triều Tiên bắn thử hôm 26-6 vừa qua. Khẳng định rằng Washington sẽ theo dõi sát những diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nhấn mạnh, bất cứ hoạt động bắn thử tên lửa của Bình Nhưỡng đều có thể làm căng thẳng leo thang, đe dọa hòa bình ổn định tại khu vực.
Các cuộc thử nghiệm tên lửa bất ngờ của Bình Nhưỡng diễn ra giữa lúc hai miền Triều Tiên đang tiến hành vòng đàm phán thứ 5 của Ủy ban quản lý chung Khu công nghiệp liên Triều Kaesong. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên của giới chức hai miền sau 6 tháng bị gián đoạn do căng thẳng quân sự gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên. Vòng đàm phán này được chia làm hai phiên họp, gồm một phiên họp toàn thể và phiên họp giữa người đứng đầu phái đoàn đại diện hai bên. Cả Seoul và Bình Nhưỡng đều khẳng định lập trường của mỗi bên để hướng tới mục tiêu bình thường hóa hoạt động của khu công nghiệp này. Những thông tin chi tiết về cuộc đàm phán không được tiết lộ, ngoài việc hai bên nhất trí sẽ tiếp tục xúc tiến các cuộc thảo luận khác trong tương lai.
Sự kiện Bình Nhưỡng công bố những thành tựu trong phát triển các loại vũ khí mới chỉ là một phần trong chuỗi sự kiện gần đây liên quan đến quốc gia Đông Bắc Á. Trong đó, đáng chú ý là sự kiện Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh xóa 90% khoản nợ trị giá 11 tỷ USD cho chính quyền Bình Nhưỡng nhằm mở đường cho các tập đoàn của Nga vào Triều Tiên khai thác khí đốt. Hay thông tin về một nhà sản xuất Đức sẽ trở thành công ty nước ngoài đầu tiên bắt đầu hoạt động bên trong Khu công nghiệp Kaesong. Sự kiện Nhật Bản và Triều Tiên bất ngờ đạt được một đồng thuận tại Stockholm (Thụy Điển) cuối tháng 5 vừa qua mang một ý nghĩa chính trị to lớn với Bình Nhưỡng khi nước này chấp thuận yêu cầu của Tokyo điều tra rộng rãi về số phận của ít nhất 17 công dân Nhật Bản được cho đã bị tình báo Triều Tiên bắt cóc trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, để vực dậy nền kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay Triều Tiên không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải cải thiện các mối quan hệ với các nhà tài trợ. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi quan hệ liên Triều cũng như giữa Triều Tiên với Mỹ chưa được cải thiện. Tuy nhiên, Bán đảo Triều Tiên luôn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn khó đoán định và chắc chắn vẫn còn là điểm nóng của khu vực và thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.