(HNM) - Một kế hoạch hành động chung chưa từng có vừa được Mỹ và Hàn Quốc hoàn tất nhằm có thể đối phó với mọi hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên.
Dù không tiết lộ chi tiết, nhưng bản kế hoạch "liên hợp tác chiến" vừa được tướng James Thurman, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc và Tổng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, tướng Jung Seung Jo ký kết đã ngay lập tức châm ngòi cho căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên.
Quân đội Triều Tiên đang được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. |
Chưa đầy 48 tiếng sau khi bản kế hoạch hành động quan trọng này được Hàn Quốc đưa ra, Triều Tiên đã đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao khi lệnh cho các đơn vị rocket chiến lược chuẩn bị trước khả năng sẽ tấn công vào lục địa Mỹ cũng như hai quần đảo Hawaii và Guam ở Thái Bình Dương. Đây là một trong những tuyên bố cứng rắn tiếp theo của Triều Tiên để đáp trả cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn mang tên "Giải pháp then chốt" cũng như bản Nghị quyết số 2094 của Hội đồng Bảo an LHQ thông qua mới đây.
Dù đã nhận được sự bảo đảm từ phía đồng minh bên kia bờ đại dương, nhưng trước một loạt tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc chiến tổng lực của Triều Tiên, Hàn Quốc không thể đứng nhìn. Trong một động thái mới nhất Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin đã lệnh cho lực lượng quân đội nước này luôn ở trong tình trạng báo động cao, sẵn sàng đáp trả bất kỳ hành động tấn công nào từ Triều Tiên. Theo nhận định của Bộ trưởng Kim Kwan-jin, Bình Nhưỡng không có sự thay đổi quan trọng nào trong suốt ba năm trở lại đây khi bất ngờ tiến hành thử hạt nhân lần thứ ba, đe dọa tấn công phủ đầu và từ bỏ Hiệp định đình chiến ký năm 1953 với mục đích tạo ra "tình trạng chiến tranh không tuyên bố". Đây cũng có thể là cách mà Triều Tiên đang áp dụng để làm yên lòng dư luận cũng như gây dựng tinh thần đoàn kết của người dân trong nước.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng leo thang cũng là lúc dư luận đặt câu hỏi về tiềm lực quân sự thực sự của quân đội hai nước như thế nào. Thế nhưng, đến nay những thông tin về sức mạnh quân sự của Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn là ẩn số khi có quá nhiều nguồn tin khác nhau. Một số tài liệu cho rằng, lợi thế quân sự lớn nhất của Triều Tiên so với Hàn Quốc và đồng minh Mỹ là lực lượng quân đội trên mặt đất. Theo dự đoán quân đội Triều Tiên có khoảng 1 triệu binh lính đang "tác chiến" trực tiếp và khoảng 8 triệu binh lính thuộc lực lượng dự bị. Cùng với đó, Triều Tiên còn sở hữu 70 tàu ngầm, trong đó có 40 tàu ngầm lớp Sang-O, 20 tàu ngầm lớp Romeo (1.800 tấn) và 10 tàu ngầm cỡ nhỏ như tàu lớp Yeono (130 tấn). Một sức mạnh quân sự nữa của Triều Tiên vẫn đang gây nhiều tranh cãi là việc nước này tuyên bố trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân sau lần thử dưới lòng đất vào tháng 2 vừa qua. Trong khi đó, Hàn Quốc có khoảng 600.000 quân thường trực và 28.500 lính Mỹ đồn trú. Về hải quân, Hàn Quốc có hơn 170 tàu chiến hiện đại bao gồm cả tàu ngầm, tàu khu trục và khoảng 600 máy bay quân sự do Mỹ sản xuất, trong đó có các chiến đấu cơ F-16.
Bán đảo Triều Tiên đang đứng trước nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi hai bên không ngừng gia tăng các động thái gây căng thẳng. Cho rằng những đe dọa mới đây của Triều Tiên nhằm vào các mục tiêu quân sự của Mỹ là "hết sức nghiêm trọng", trong một phát biểu mới đây phát ngôn viên Lầu Năm Góc George Little nhận định, Triều Tiên sẽ không thu được gì từ những đe dọa trên và hành động đó sẽ chỉ khiến Bình Nhưỡng càng bị cô lập trước sức ép của dư luận quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.