Dự thảo Thông tư của Bộ Công thương quy định, chủ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ phải có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất/kinh doanh theo định kỳ ít nhất 1 lần trong 1 năm tại các cơ sở y tế cấp quận hoặc huyện trở lên.
Bộ Công thương vừa công bố dự thảo Thông tư Quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước.
Chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải khám sức khoẻ định kỳ cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất/kinh doanh. |
Theo đó, chủ cơ sở và người sản xuất/kinh doanh trực tiếp phải có Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm còn hiệu lực do Bộ Công Thương/Sở Công Thương/các cơ quan được Bộ Công Thương chỉ định thực hiện.
Đồng thời, dự thảo Thông tư cũng quy định, chủ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ phải có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất/kinh doanh theo định kỳ ít nhất 1 lần trong 1 năm tại các cơ sở y tế cấp quận hoặc huyện trở lên.
Hồ sơ theo dõi sức khoẻ của chủ cơ sở và người sản xuất/kinh doanh trực tiếp của cơ sở phải được lưu trữ đầy đủ tại cơ sở sản xuất/kinh doanh.
Chủ cơ sở phải ban hành các quy định vệ sinh cơ sở, đảm bảo an toàn thực phẩm và phổ biến cho người sản xuất, kinh doanh trực tiếp những quy định để thực hiện.
Như vậy, nếu dự thảo này được thông qua và chính thức có hiệu lực, người kinh doanh nhỏ lẻ các mặt hàng thực phẩm như bán bún phở, thịt cá, rau quả, bia rượu... phải được khám sức khoẻ định kỳ và tổ chức khám sức khoẻ cho những người tham gia công việc kinh doanh của cơ sở.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng quy định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ phải bảo đảm an toàn thực phẩm đối với khu vực sản xuất thực phẩm như: địa điểm phải xa nguồn ô nhiễm, độc hại, sản xuất theo nguyên tắc và quy trình chế biến một chiều....
Hay địa điểm kinh doanh phải bố trí tại nơi không bị ngập nước, đọng nước, ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại, không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại...
Nền nhà phẳng, thoát nước tốt, không gây trơn trượt, không đọng nước và dễ làm vệ sinh; trần nhà không bị dột, thấm nước, không rạn nứt, rêu mốc và đọng nước...
Nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm sử dụng để chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng của Bộ Y tế; sản phẩm thực phẩm trước khi lưu thông trên thị trường phải đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.
Nguyên liệu thực phẩm phải được bảo quản phù hợp với điều kiện và hướng dẫn bảo quản của cơ sở cung cấp; sản phẩm thực phẩm phải được bảo quản bảo đảm an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của cơ sở sản xuất.
Khu vực bảo quản và lưu giữ thực phẩm phải duy trì điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thông gió và các yếu tố khác ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm theo các quy định/yêu cầu về bảo quản sản phẩm của nhà sản xuất.
Cơ sở kinh doanh thực phẩm phải có biện pháp, dụng cụ chống côn trùng và động vật gây hại. Sản phẩm thực phẩm không để chung với hàng hóa, hóa chất và những vật dụng khác có khả năng gây mất an toàn thực phẩm.
Định kỳ các cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên. Đồng thời, khi có sự cố liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm hay có chỉ đạo của cấp trên sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.