Đợt mưa lũ lớn đang diễn ra diện rộng ở khu vực miền Bắc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội.
Điều đáng nói, trong đợt mưa này, vì kéo dài trong nhiều ngày (từ ngày 22-7 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 đến nay) nên mực nước trên các sông, suối ở Đồng bằng sông Hồng dâng cao và biến đổi chậm đã gây ngập lụt ở vùng trũng, thấp, ven sông.
Tại thành phố Hà Nội, cho đến nay, một số khu vực thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thạch Thất, Ba Vì... vẫn còn hàng nghìn héc ta sản xuất nông nghiệp bị úng ngập. Đặc biệt, nhiều khu dân cư ven các sông: Tích, Bùi, Đáy vẫn bị ngập sâu trong nước lũ khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn và ảnh hưởng nặng nề.
Vấn đề cần quan tâm là theo bản tin dự báo của cơ quan khí tượng, lũ trên các sông nội địa trên địa bàn Thủ đô đến hôm nay (31-7), như: Bùi, Tích vẫn đang duy trì trên mức báo động III. Trong khi đó, lũ trên các sông: Hồng, Đà, Đuống xuống chậm, dao động ở mức dưới báo động I. Như vậy, dự báo lũ trên các sông trong những ngày tới sẽ xuống chậm và tiếp tục duy trì mức cao. Đáng chú ý trong đợt mưa lũ lần này là tại huyện Chương Mỹ đã có hơn 4,8km đê bị ngập nước (ngập 0,2-90cm) và xuất hiện một mạch sủi dài 200m tại đê Hữu Bùi đoạn qua xã Tốt Động. Còn tuyến đê hữu Đáy trên địa bàn huyện Quốc Oai có 4 sự cố sạt trượt mái đê…
Những diễn biến mưa lũ kể trên cho thấy, Hà Nội cũng như các địa phương trong cả nước đang ngày càng phải đối mặt với những hình thái thời tiết cực đoan, khó lường bởi biến đổi khí hậu. Vì vậy, trong bất luận hoàn cảnh nào, chính quyền các địa phương cũng như mỗi người dân đều không được lơ là, chủ quan, cần chủ động trong mọi tình huống thời tiết để bảo đảm an toàn tính mạng cũng như tài sản của nhân dân, từ đó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đúng như tinh thần chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trong chuyến thăm, động viên và kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn 2 huyện Chương Mỹ và Quốc Oai vào chiều 29-7 là: Lãnh đạo địa phương phải bám sát tình hình trên quan điểm “tính mạng người dân là trên hết” để tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trước mắt, diễn biến mưa lũ sẽ vẫn phức tạp trong vài ngày tới. Do đó, các địa phương, nhất là khu vực ven các sông: Hồng, Đà, Đuống, Đáy, Tích, Bùi... cần tập trung ứng phó lũ theo các cấp báo động; tiếp tục thông báo cho người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông biết rõ về tình hình mưa, lũ để chủ động biện pháp phòng tránh, bảo đảm an toàn về người, tài sản... Cùng với đó, các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán khẩn cấp các hộ dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm. Bằng mọi biện pháp, lực lượng chức năng tiếp cận các khu dân cư còn bị cô lập do ngập sâu, hỗ trợ sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Khi nước rút, các địa phương khẩn trương chỉ đạo ổn định cuộc sống cho người dân; quan tâm công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh…
Về lâu dài, bên cạnh nhiệm vụ rà soát để hoàn thiện hạ tầng phòng, chống thiên tai, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai là: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Đặc biệt, các địa phương cần quan tâm đến các phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro; phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm; phương án phòng, chống úng ngập nội thành, ngoại thành; phương án phòng, chống cháy, nổ, sập đổ công trình bảo đảm an toàn cho người và tài sản…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.